Các mạng xã hội nước ngoài không chỉ Việt hóa là có thể thành công ở VN vì người Việt không chỉ đơn thuần cần một sản phẩm, mà còn cần dịch vụ đi kèm. Báo Bưu điện VN đã có cuộc trò chuyện với Giám đốc mạng xã hội Tầm Tay (tamtay.vn) Trần Thanh Sơn về cơ hội và khả năng cạnh tranh của các mạng xã hội Việt Nam.
Trước tiên, anh có thể nói đôi nét về Tamtay.vn?
Tamtay được ra đời tự sự "nghiện" Internet của cá nhân. Vào năm 2006-2007, lúc đó VN chưa có mạng xã hội, mới chỉ quen thuộc với blog qua Yahoo nên tôi nghĩ nếu có một mạng xã hội sẽ rất thích hợp với thói quen giao lưu của người VN.
Sau hai năm, Tầm Tay hiện có 350.000 thành viên với khoảng 100.000 lượt truy cập mỗi ngày, nằm trong nhóm mạng xã hội có lượng truy cập lớn ở VN. Điểm khác biệt so với các mạng xã hội khác của VN là ở chỗ Tầm tay học hỏi nhưng không sao chép các mạng nước ngoài, và đặt chú trọng vào cộng đồng hơn là công nghệ thuần túy. Tamtay thường góp mặt với các chương trình của sinh viên, đối tượng khách hàng chính của mình.
Hiện tại, Tamtay có đủ tính năng cơ bản của mạng xã hội, lưu giữ và chia sẻ nội dung số, lập và duy trì quan hệ xã hội ảo. Năm nay, Tamtay sẽ đưa những phần quan trọng nhất lên di động.
Như anh nói mạng xã hội cho người Việt là ý tưởng hay nhưng sao đến nay Yahoo 360 vẫn thống trị thị trường này?
Yahoo 360 ra đời đầu tiên, họ đã hình thành được các nhóm thành viên chơi với nhau trên đó nhiều năm. Khi tham gia vào các mạng xã hội, tính năng không phải là quan trọng nhất mà là các mối quan hệ của thành viên. Vì vậy, chuyện các mạng xã hội VN chưa dành được thị trường từ Yahoo là bình thường, cần có thời gian. Cũng cần biết là lượng người tham gia Yahoo 360 chỉ là số nhỏ, còn rất nhiều người là đối tượng của các mạng xã hội như Tamtay nhắm tới chưa tham gia.
Gần đây, khá nhiều mạng xã hội nước ngoài như Facebook, Hi5… đã và đang xây dựng phiên bản tiếng Việt. Điều đó có ảnh hưởng đến cơ hội thành công của mạng xã hội VN như Tamtay không?
Thị trường dịch vụ Internet ở VN còn rất mới, chủ yếu bây giờ là thuyết phục những người chưa dùng mạng xã hội thử dùng chứ cũng chưa thực sự là thời điểm bão hòa cần lấy thành viên từ các mạng khác. Ngoài ra, thực tế cho thấy các mạng xã hội từ phương Tây rất khó đưa vào các xã hội Á đông, ví dụ ở Trung Quốc không có mạng xã hội phương Tây nào thành công, Nhật bản cũng vậy, còn ở Hàn quốc Facebook mới tuyên bố đóng cửa chỉ sau một năm hoạt động.
Các mạng xã hội nước ngoài rất khó có cơ hội thành công ở VN vì người VN không chỉ đơn thuần cần một sản phẩm, mà còn cần dịch vụ đi kèm. Trong trường hợp mạng xã hội, các dịch vụ đó là những hoạt động mang tính cộng đồng offline và những chăm sóc mang tính cá nhân cho các nhóm thành viên.
Vậy mục tiêu chính của các mạng xã hội VN như Tamtay hiện nay là gì?
Vấn đề chính của các mạng xã hội VN hiện nay là làm sao tạo được thói quen mới: sử dụng mạng xã hội cho thanh niên và người Việt nói chung. Nói cách khác là làm cho chiếc bánh thị trường lớn lên, chứ không phải là giành nhau vài phần của chiếc bánh hiện còn nhỏ xíu.
VN hiện mới chỉ có vài mạng xã hội được đầu tư tương đối tốt và quản lý chuyên nghiệp. So với thị trường hơn 80 triệu dân, con số mạng xã hội là quá ít. Ví dụ, Trung Quốc hiện nay có tới vài trăm mạng xã hội, nhiều mạng có tới vài chục triệu thành viên.
Dường như có cảm nhận chung chưa tin lắm vào khả năng thành công của các mạng xã hội VN?
Cần có thời gian để trả lời câu hỏi này. Ở phương tây, lúc đầu mạng xã hội ra đời chỉ là sân chơi của sinh viên. Sau 4-5 năm, mạng xã hội dần trở thành kênh truyền thông lớn mạnh và được định giá cao. Theo kinh nghiệm ở các nước đi trước VN, quá trình chuẩn bị cho sự phát triển thường kéo dài khoảng 3 năm. Tôi cho rằng nhu cầu mạng xã hội sẽ phổ dụng ở VN trong một vài năm tới, dự kiến vào năm 2011 các mạng xã hội VN sẽ bắt đầu có lợi nhuận. Tuy nhiên, sẽ chỉ khoảng 20% mạng xã hội VN trụ vững đến thời điểm đó.
Vậy theo anh, tiêu chí nào cho một mạng xã hội thành công, có người nói tối thiểu phải có lượng truy cập 500.000 mỗi ngày?
Trong kinh doanh dot.com (dịch vụ Internet), muốn có cơ hội đua tranh, tối thiểu phải đạt trong top 5 của phân khúc dịch vụ mà mình tham gia. Còn lượng truy cập phụ thuộc vào kích thước của thị trường, có thể năm nay lượng truy cập 500.000 là đủ để có doanh thu từ quảng cáo nhưng năm tới số lượng truy cập đó lại là bé.
Các mạng xã hội sẽ kiếm tiền như thế nào?
Mạng xã hội là một loại hình truyền thông, gần đây doanh thu quan trọng nhất là từ quảng cáo. Với tính chất tương tác với người dùng, các loại hình quảng cáo sẽ đa dạng hơn, không chỉ quảng cáo banner mà sẽ có quảng cáo hướng đối tượng kiểu như Facebook lập ra các “Friend Club” hay MySpace chuyên lăng xê các ban nhạc mới nổi. Chính vì khả năng tương tác và hướng đối tượng cao, nên các mạng xã hội được định giá tương đối cao.
Xin cảm ơn anh!
(Theo ICTnews)
Bình luận
HQ, NB, TQ không có mạng xã hội phương tây nào nổi bật, nhưng điều đó không suy rộng ra được ở tất cả các nước châu Á. Không phải Friendster đang làm mưa làm gió ở nhiều nước châu Á sao? Ở Singapore ngoài Friendster còn có Facebook. Còn ở thị trường đang lên rất mạnh là Ấn Độ thì riêng Orkut và Facebook đã chiếm 90% phân khúc mạng xã hội rồi.
Hi vọng một năm nữa sẽ không thấy cảnh Facebook thống trị ở VN.
Không ngại nhưng mà cứ clone thôi Facebook giờ bắt đầu làm mưa làm gió ở VN rồi. Zing của rục rịch ra mắt một bản clone http://bit.ly/b4mrIx