Ảnh: Shopping.org.

Một điều mà ai cũng dễ dàng nhận thấy, là phái đẹp cực kỳ chuộng mua hàng trực tuyến. Vậy làm thế nào để một website có thể hấp dẫn được giới chị em, và những sai lầm nào mà họ có thể mắc phải để rồi chị em thề "một đi không trở lại"?

Theo thống kê mới nhất tại Mỹ, phái đẹp quyết định tới 80% các vụ mua sắm qua mạng. Không có gì ngạc nhiên, bởi chị em vốn là tay hòm chìa khoá trong gia đình, lại là những người thích "lọ mọ".

Quan trọng hơn, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang suy thoái như hiện nay, hơn ai hết, phái đẹp luôn muốn săn lùng những "thương vụ" hời nhất, hấp dẫn nhất để tiết kiệm chi tiêu.

Miễn phí vận chuyển

Điều gì khiến một phụ nữ chùn tay nhất trước khi bỏ một món đồ vào giỏ mua hàng và nhấn nút thanh toán? Một trong những "rào cản" lớn nhất chính là phí vận chuyển quá cao, hoặc thậm chí là "phi lý, bất công".   Đôi khi, một sản phẩm chỉ có 20 - 30.000 VND, nhưng để món hàng có thể giao đến "tận chân công trình" đối với những khách hàng có quỹ thời gian quá eo hẹp, bạn phải trả thêm 30.000 tiền "ship" nữa. Vận chuyển thường có 2 cách. Một là, người bán gọi các dịch vụ chuyển phát nhanh chuyên nghiệp, với mức cước rẻ nhất cũng là 25.000 VND; hai là, họ sử dụng cánh "xế ôm" quen. Thường thì các cửa hàng luôn "trưng dụng" một bác tài ruột làm chân chuyển hàng mỗi ngày, và người mua sẽ phải thanh toán thêm tiền "xế ôm" phụ trội.

Lẽ tất nhiên, những khách hàng sộp sẽ luôn được hưởng ưu đãi. Nếu đơn đặt hàng lớn hơn một mức quy định nào đó, họ sẽ được miễn phí vận chuyển. Tại Việt Nam, có thể không nhiều chị em bận tâm về điều này, nhưng tại Mỹ, "free ship" luôn là một chương trình khuyến mãi lớn của các hãng.

Với cách tính tiền vận chuyển theo dạng bậc thang mà các website Mỹ áp dụng, đôi khi tiền "ship" lên tới hơn 20 USD (mà đấy là 5-7 ngày mới nhận được hàng chứ chưa nói đến chuyển tốc hành). Thế nên, khi dòng chữ "Miễn phí giao hàng" xuất hiện trên trang chủ website nào là y như rằng, doanh số bán hàng của ngày đó/tuần đó lại tăng vọt.

Và trong những ngày như "Cyber Monday" hay "Thứ sáu Đen" (ngày mà cả ngành công nghiệp thương mại điện tử nước Mỹ tham gia vào một chiến dịch khuyến mãi rầm rộ), nội dung "Miễn phí giao hàng" luôn được áp dụng nhiều nhất.

Cùng một món hàng, nhưng các chị em thường cân nhắc lựa chọn xem hãng bán lẻ nào có mức giá vận chuyển thấp hơn để mua. Với những "chuyên gia" chuyên săn đồ hiệu mùa sale tại Mỹ, "tiền ship" luôn là một trong những yếu tố được xét đến đầu tiên.

Ảnh
Ảnh: Livejournal.

Kim Khánh, 27 tuổi, nhân viên một hãng game, là tín đồ của mua hàng qua mạng. Rất ít khi cô lượn vào những trung tâm mua sắm lớn như Parkson hay Vincom, lại càng không đặt chân đến các shop thời trang Trung Quốc nhan nhản trên phố. Lý do mà Ly đưa ra là giá tiền với giá trị món đồ hoàn toàn không tương xứng với nhau.

"Một đôi giày Boutique 9, nếu như tôi đặt tại website chính hãng, giá gốc, cộng với tiền công vận chuyển về Việt Nam, cũng chỉ đến 162 USD. Trong khi đó, tại shop chính hãng của Ninewest tại Hà Nội, đôi đó từng được bán với giá hơn 4 triệu.

Đợt rồi, họ áp dụng chính sách giảm giá 30%, và cô bạn của tôi đã mua với giá 3 triệu. Nhưng ngày hôm sau, cô ấy truy cập vào website của hãng, thì té ngửa khi nhận thấy đôi giày đó đã được sale tới 50%, chỉ còn 79 USD. Cộng cả công xá, giá về tới tận tay cũng chưa đến 100 USD, rẻ bằng một nửa so với mua ở trong nước".

Theo kinh nghiệm của cô, giày dép, quần áo, đồ điện tử, đồ chơi trẻ em nên đặt mua tại Amazon, vì hãng này thường không áp thuế và phí "ship" cho đơn đặt hàng có giá trị từ 25 USD trở lên. Còn với những website hay áp dụng biểu giá "ship" cao, Ly thường kêu gọi bạn bè cùng đặt mua một đợt để được hưởng ưu đãi miễn phí vận chuyển.

Thông báo "Kêu gọi người mua cùng để chia sẻ tiền vận chuyển" cũng thường xuyên xuất hiện trên những diễn đàn thu hút đông đảo chị em, như lamchame.com, webtretho.com và nhất là muare.net.

Đề phòng lừa đảo

Ảnh
Diễn đàn lamchame có mục Giải đáp thắc mắc để các thành viên "khiếu kiện" những người bán/người mua không nghiêm túc. (Ảnh chụp màn hình)

Điệp, một du học sinh thì lại chia sẻ bí quyết mua sắm trong thời buổi "nhà nhà lo hacker" như hiện nay. Rất đơn giản, cô lập 2 tài khoản thẻ riêng, một tài khoản chính để chi tiêu và một tài khoản phụ chuyên phục vụ nhu cầu mua sắm.

Bằng cách này, Điệp có thể hạn chế tối đa việc mua sắm quá đà, nhưng quan trọng nhất, nếu số thẻ Visa của cô có chẳng may bị lọt vào tay những website "phishing", số tiền mà cô bị mất cũng không quá lớn.

Để phòng ngừa nguy cơ bị lừa đảo, truy cập phải website ma do hacker lập ra, Điệp chỉ mua hàng ở những website có tiếng, được đánh giá và phản hồi tốt về dịch vụ như Amazon, Nordstrom, Neiman Mercus, Macy’s... Khi muốn sắm đồ điện tử, Điệp cho biết, cô và các bạn chỉ hay mua của New Egg hoặc BestBuy mà thôi.

Điệp rất ít khi lượn lờ vào eBay vì trang web đấu giá này nổi danh là "vàng thau lẫn lộn", phải những ai thật sành mới không mua phải đồ nhái, đồ rởm.

Việc "treo đầu dê, bán thịt chó" cũng là một nguy cơ mà những ai mua hàng trên mạng nên lường trước. Tại nước ngoài, bạn có quyền gửi trả lại sản phẩm đã mua nếu không ưng ý, nhưng còn tại Việt Nam, người tiêu dùng khó lòng được bảo vệ như vậy.

Ảnh
Nếu có nhu cầu mua hàng qua mạng, người dùng VN thường vào muare, rongbay hoặc raovat. (Ảnh chụp màn hình)

Rất nhiều trường hợp mua hàng trên muare.vn đã ngậm đắng nuốt cay khi nhận được "chiếc áo mà giặt tẩy bằng VIM cũng không đủ sạch để lau bàn", dù cho chủ nhân của nó tuyên bố ngọt như mía lùi là còn mới 98%.

Trước đây, "chị em" chỉ âm thầm chịu đựng rồi nhắn tin phàn nàn với người bán. Họ làm vậy chỉ để trút bực chứ chẳng dám mơ sẽ trả lại được hàng. Nhưng càng ngày, họ càng không thể chung sống với sự ấm ức được nữa. Nhiều topic đã được lập nên để công khai phàn nàn về một dịch vụ/cửa hàng nào đó. Các thành viên bán hàng không trung thực, lừa đảo cũng bị "nêu danh" trên sổ đen.

Một số diễn đàn như lamchame còn tỏ ra quyết liệt hơn. Khi một thành viên mở topic khiếu nại, thắc mắc về một nick khác, Mod sẽ gửi thông báo cho nick bị khiếu kiện để hai bên cùng nhau đối chất, "ba mặt một lời".

Đối với những nick bán hàng không nghiêm túc, lừa đảo, có hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Mod sẽ tiến hành khoá nick vĩnh viễn. Topic "Sổ đen" ở Hà Nội và Sài Gòn cũng luôn là chủ đề "hot", thu hút nhiều thành viên đọc và post bài trên diễn đàn webtretho.

Nản vì tốc độ rùa

Một điểm nữa mà chị em không thích chính là tốc độ truy cập nhiều website quá chậm. Không ai đủ kiên nhẫn để đợi hàng trăm kiểu áo, váy, túi, ví hiển thị hết trên một kết nối Internet ì ạch như rùa bò. Hệ quả là người bán không bán được, mà người mua cũng cảm thấy bực bội, chán nản.

Những trang web bán hàng có thiết kế đơn giản, dễ nhìn, dễ tìm kiếm luôn được chị em ưu ái. Hầu hết các "chủ shop" trên muare, rongbay đều đang sử dụng dịch vụ Photobucket để lưu ký hình ảnh sản phẩm, nhưng "phong độ" của website này thời gian gần đây khá trồi sụt. Rất nhiều khi Photobucket bị lỗi "vượt quá băng thông", khiến cho khách hàng không thể nào xem được hình.

Tại Mỹ, Pháp, Anh và một số nước khác, luôn có những "Tháng sale-off" do Chính phủ phát động, và hầu như tất cả các website bán lẻ đều tham gia vào chiến dịch kích thích tiêu dùng này. Bất cứ ai là tín đồ của shopping online cũng đều nắm rõ lịch "Lễ, tết" của Mỹ để rình giảm giá, bởi gần như tháng nào, các website của Mỹ cũng có vài ngày treo biển "sale".

Tuy nhiên, một điều mà ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy là sự vắng bóng của những chương trình quy mô lớn kiểu này tại Việt Nam. Giữa các website thương mại điện tử trong nước chưa có sự kết nối với nhau và với Chính phủ, khiến cho việc triển khai những "Tháng giảm giá online" trở nên quá xa vời.

Ấy thế nên mới có cái sự ngược đời là người dùng Internet Việt Nam có thể thuộc vanh vách các ngày Lễ, tết của nước khác, những dịp "đại hạ giá" của ngành thương mại - bán lẻ nước bạn nhưng lại chẳng biết gì về "Tháng khuyến mại" do TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội phát động.

Tương tự, nhiều người có thể thuộc địa chỉ website của các hãng thời trang nước ngoài tới từng dấu chấm, dấu phẩy, nhưng lại chẳng đọc nổi một website bán hàng trong nước theo đúng nghĩa.

Bên cạnh đó, sự chậm trễ trong việc phổ biến các công nghệ thanh toán điện tử cũng gây cản trở không ít.

Để thanh toán cho một món hàng mua qua mạng tại Việt Nam, người mua thường phải đi chuyển khoản cho người bán, sau đó ngồi chờ dịch vụ "ship" hàng gõ cửa. Một số site thì cho phép người mua nhận hàng rồi trả tiền luôn tại chỗ, không cần chuyển khoản trước. Mặc dù khâu này phức tạp và lằng nhằng hơn nhiều so với việc nhập số thẻ tín dụng như khi mua hàng ở nước ngoài, song dù sao nó cũng là giải pháp khả thi khi chưa có cách nào khác.

Có nhìn vào những website mua bán phổ biến hàng đầu trong nước như muare, rongbay, raovat, bạn mới thấy rõ cách kinh doanh "hoàn toàn tự phát", thiếu bài bản và quy chuẩn của Việt Nam. Nhưng dù sao, nó vẫn thoả mãn nhu cầu mua sắm của một bộ phận khách hàng eo hẹp thời gian, làm việc nhiều với máy tính và ngại đi lại.

Theo VietnamNet



Bình luận

  • TTCN (0)