Ông Ken Mandel, phó chủ tịch và giám đốc điều hành Yahoo Đông Nam Á

Những thay đổi nhanh chóng trong thói quen sử dụng internet, trào lưu tiếp thị điện tử cũng như “cuộc cách mạng” về mạng xã hội (social network) đang đặt công ty này trước những yêu cầu đổi mới toàn cầu và cả những thị trường riêng lẻ như Việt Nam.

Sài Gòn Tiếp Thị có cuộc trao đổi với ông Ken Mandel, phó chủ tịch và giám đốc điều hành Yahoo Đông Nam Á về những vấn đề này

* Số lượng người sử dụng Yahoo tại Việt Nam là rất lớn, đặc biệt dịch vụ blog 360o của Yahoo, vốn gắn kết với các tài khoản email và chat, vẫn rất thông dụng ở Việt Nam. Thế nhưng từ lâu Yahoo không hỗ trợ dịch vụ blog nữa và mới đây đưa ra dịch vụ mới 360plus ở website Yahoo Việt Nam. Điều gì đang xảy ra?

Tôi muốn khẳng định rằng Yahoo có một chiến lược lâu dài ở Việt Nam, chính vì thế chúng tôi đã thành lập công ty Yahoo Việt Nam, hình thành cơ sở hạ tầng kinh doanh, tuyển dụng nhân viên. Riêng với blog 360o, Yahoo sẽ đóng ứng dụng lại trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, do số lượng người dùng đông đảo, Yahoo Đông Nam Á đã quyết định sẽ tiếp tục bằng một sản phẩm blog đặc biệt, Yahoo Plus. Chúng tôi đã đưa ra dụng cụ đặc biệt để giúp người dùng di chuyển toàn bộ blog 360o của họ sang 360plus bằng một thao tác đơn giản, thuận tiện. Vì 360o sẽ bị đóng cửa trong một khoảng thời gian chưa xác định trong năm nay, chúng tôi khuyến khích người dùng chuyển sang 360plus.

* Như vậy địa chỉ blog của các cá nhân sẽ thay đổi? Và nếu không di chuyển trước thời điểm 360o đóng cửa thì các dữ liệu sẽ mất?

- Đó là một câu hỏi đáng chú ý. Tôi không dám chắc là địa chỉ URL sẽ còn nguyên như 360o. Chúng tôi đang cố gắng bằng mọi khả năng để làm cho việc chuyển đổi được thuận tiện, nhưng tôi không tin rằng blog mới với 360plus sẽ giữ chính xác địa chỉ cũ.

* Xin ông cho biết lý do tại sao Yahoo lại bỏ mặc dịch vụ blog, trong khi dịch vụ này vẫn đang phổ biến ở nhiều thị trường?

- Tôi cho rằng internet vẫn còn khá mới mẻ với đa số người dùng ở Việt Nam, và viết blog vẫn đang là một hoạt động mới và được yêu thích. Điều này đúng ở Việt Nam và cả những thị trường lớn hơn như Trung Quốc, nơi mọi người tìm thấy ở việc viết blog một hình thức biểu đạt mới. Tuy nhiên ở những thị trường phát triển hơn như Mỹ hay châu Âu, thì người dùng internet lại đang ưa chuộng các hình thức mới như mạng xã hội.

Điều này giải thích sự phổ biến của Myspace, Facebook, Friendster hay Twitter. Người ta ít thời gian viết nên thích làm quen và kết nối hơn. Chính vì thế, Yahoo sẽ tạo ra một nền internet mở (open platform) cho phép tích hợp tất cả những tiện ích và dịch vụ khác nhau như vào một portal chung là Yahoo… Quyết định bỏ dịch vụ blog 3600 là một quyết định toàn cầu và không phải là một quyết định của Yahoo Việt Nam. Đây là một quyết định khó khăn.

* Thời gian qua Yahoo bị chỉ trích là thiếu sáng tạo trong khi các dịch vụ internet mới như các mạng xã hội phát triển như vũ bão. Ngay ở Việt Nam, sự xuất hiện của trang Yahoo tiếng Việt chưa tạo được nhiều tiếng vang. Liệu platform mở của Yahoo sẽ thay đổi điều này thế nào?

Tôi cho là rất nhiều người sẽ không đồng ý với nhận định này. Yahoo đã và đang tạo ra rất nhiều đổi mới. Có lẽ chúng tôi chỉ chưa tiếp thị tốt về điều này. Có lẽ chúng tôi cần phải trèo lên mái nhà và hét lên cho mọi người biết! Ngay tại Việt Nam chúng tôi cũng đang làm rất nhiều. Yahoo đang phát triển một sản phẩm có thể sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Chúng tôi mở hệ thống của mình ra cho những nhà phát triển dịch vụ internet sử dụng.

Chúng tôi sẽ có một trang chủ mới cho phép người sử dụng tích hợp tất cả mọi dịch vụ mà họ đang dùng vào trang chủ Yahoo, và từ trang chủ Yahoo kiểm soát mọi hoạt động của mình trên các website khác. Ví dụ nếu như bạn có Facebook, Twitter hay Linkerin và muốn update status của mình. Bạn có thể update ngay trên trang chủ Yahoo, và thông tin mới đó sẽ được tải đồng loạt lên các trang khác. Bạn cũng đồng thời có thể dùng dịch vụ tìm kiếm tại đây. Hiện nay bạn đã có thể làm như vậy nếu truy cập từ điện thoại di động như iPhone. Ở Việt Nam, chúng tôi sẽ sớm có một trang riêng đặc biệt.

* Như vậy Yahoo sẽ phải nhận được sự hợp tác từ tất cả các website khác? Liệu điều này có thể thực hiện được không, khi các website cạnh tranh với nhau để thu hút người sử dụng về với mình?

- Đúng là chúng tôi phải hợp tác với các website khác. Trong tình hình hiện nay thực sự các công ty đều phải mở các platform của mình ra và hợp tác với nhau, không ai có thể đứng một mình. Hiện nay chúng tôi vẫn đứng đầu về dịch vụ chat instant messenger, email… và chúng tôi đang nỗ lực trở thành số một về tìm kiếm. * Yahoo đang nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị điện tử, coi internet như một công cụ quảng cáo ngày một quan trọng hơn. Trên thực tế doanh thu quảng cáo online còn rất nhỏ. Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng quảng cáo online trong thời gian tới?

- Vâng, ở Việt Nam kích cỡ thị trường còn rất nhỏ. Năm 2007, doanh thu quảng cáo toàn thị trường khoảng trên 500 triệu USD, thì doanh thu từ online chỉ khoảng 2,8 triệu đồng (số liệu của AC Nielsen.) Năm nay, nếu số liệu mới nhất là khoảng 800 triệu USD, thì tỷ lệ quảng cáo online cũng sẽ cao hơn. Con số này mỗi năm một tăng. Chi tiêu từ các hình thức quảng cáo khác đang dịch chuyển dần sang online.

Tôi tin rằng quảng cáo online sẽ trở nên rất quan trọng ở Việt Nam. Hiện nay trung bình một người dùng internet Việt Nam đang sử dụng khoảng 30% thời gian truy cập internet. Tôi cho rằng quảng cáo online rất có hiệu quả, nhất là khi bạn có thể đo lường được số người truy cập các trang quảng cáo.

(Theo SÀI GÒN TIẾP THỊ)

Yahoo có một chiến lược lâu dài ở Việt Nam, và chúng tôi tin vào việc đối thoại. Hoạt động viết blog ở Việt Nam còn mới, thị trường cũng còn rất trẻ, và tôi cho là còn quá sớm để bàn đến chuyện điều chỉnh. Chính phủ Việt Nam cũng đang tìm hiểu, nhưng không phải dễ mà hiểu được. Tôi cho là quá sớm để đưa ra bình luận gì về bất kỳ một hình thức điều chỉnh nào. Chúng tôi tin vào việc đối thoại và cam kết (engagement.) với Chính phủ. Đồng thời chúng tôi cũng coi trọng niềm tin của người sử dụng. Tôi phải nói rằng không thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra trong tương lai.



Bình luận

  • TTCN (0)