Giao diện gương trong suốt Aero - một trong những điểm nhấn chính của Windows Vista và Windows 7

Một khảo sát mới đây nhận thấy không có nhiều doanh nghiệp tỏ ý sẽ nâng cấp lên hệ điều hành sắp ra mắt của Microsoft ngay trong năm tới. Năm 2011 có lẽ là thời điểm sớm nhất để gã khổng lồ phần mềm nghĩ đến một viễn cảnh đẹp cho Windows 7.


Nền kinh tế khó khăn cộng với những lo ngại về vấn đề tương thích, vốn đã quá “đình đám” với hệ điều hành Vista, sẽ khiến rất ít công ty có ý định nâng cấp lên hệ điều hành thế hệ mới của Microsoft trong vòng 12 tháng kể từ khi Windows 7 được tung ra thị trường vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới. 

Trong một khảo sát rộng rãi trên hơn 1.100 chuyên gia IT về những triển vọng ban đầu về doanh số của Windows 7 nhận thấy có đến 83% doanh nghiệp từ chối nâng cấp lên hệ điều hành mới trong năm đầu tiên. 42% có ý định triển khai sử dụng Windows 7 trong vòng 12-24 tháng kể từ khi phần mềm này ra mắt. 24% sẽ chờ đợi từ 24-36 tháng mới quyết định. Và, 17% chờ 3 năm sau khi Windows 7 chính thức đi vào hoạt động mới có kế hoạch nâng cấp. 

Mặc dù những người thử nghiệm các bản beta đầu tiên của Windows 7 đã có những đánh giá tốt về chức năng và khả năng vận hành của nó, đặt biệt hơn hẳn so với Windows Vista nhưng thị trường sẽ không dễ thở chút nào trong thời gian tới.

Cùng với việc hệ điều hành Vista bị “ghẻ lạnh” thì sự chậm trễ trong việc lôi cuốn người dùng sẽ càng khiến Microsoft đánh mất thị phần trên thị trường máy tính. Microsoft mất điểm một phần cũng do “lỗi lầm” của Windows Vista. Bộ phần mềm này chiếm dụng quá nhiều tài nguyên, các tính năng bảo mật “vô duyên” và thiếu tương thích với phần mềm đời cũ, vì thế, doanh số của Windows đã giảm 8% trong quý IV/2008, trong khi đó đối thủ Mac OS của Apple vẫn tăng thị phần. 

Trong khi Microsoft “đau khổ” với thảm cảnh sắp tới của Windows 7 thì hệ điều hành mã mở Linux OS sẽ được hưởng lợi. Nền tảng Android OS cũng sẽ có cơ hội chạy đua khi các nhà sản xuất đã tính chuyện chạy thử nghiệm trên netbook.

(Theo Dân trí/InformationWeek) 



Bình luận

  • TTCN (0)