Ông Craig Barrett - Ảnh: L.N.M.TT.

Trả lời Tuổi Trẻ nhân chuyến thăm VN ngày 10/4, ông Craig Barrett, chủ tịch Tập đoàn Intel (Mỹ), cho biết nhà máy của Intel tại Việt Nam đang trong giai đoạn hoàn tất xây dựng, đầu năm sau sẽ cho những sản phẩm đầu tiên.

Trở lại VN lần này, so với thời điểm nhấn nút khởi động nhà máy, ông thấy đâu là sự khác biệt?

- Tôi thấy Khu công nghệ cao TP.HCM phát triển hơn, năng động hơn. Chính phủ VN làm nhiều việc hơn cho vấn đề giáo dục, hạ tầng được xây dựng mới và cải thiện. Tôi nghĩ có thể đọc được những tín hiệu lạc quan. Nhớ lại cách đây mười năm khi tôi đến đây lần đầu, mọi chuyện cần phải làm lắm. Hồi đó cơ sở hạ tầng cho ngành công nghệ viễn thông còn sơ khai lắm. Chương trình giảng dạy ở các trường đại học nay đã được cập nhật và cải thiện hơn.

Khủng hoảng toàn cầu đang ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực, ông có nhận xét gì về tác động của nó đến ngành công nghệ cao và liệu có ảnh hưởng xấu đến dự án của Intel ở VN?

- Chúng tôi có một chiến lược phát triển được định sẵn. Chúng tôi công bố ngưng một vài nhà máy cũ, nhưng nhà máy mới như ở VN vẫn tiếp tục xây dựng đúng tiến độ. Tôi nghĩ rằng nhu cầu vẫn sẽ tăng dù không theo đường thẳng, có lên có xuống, để chúng tôi sản xuất ra thêm nhiều sản phẩm. Vì thế, kinh tế khó khăn chúng tôi vẫn tiếp tục xây dựng nhà máy cho chiến lược dài hơi.

Nhà máy tại VN là một phần của sự chuẩn bị cho tăng công suất trong dài hạn của Intel. Chúng tôi sẽ hoàn tất việc xây dựng cuối năm nay và sẽ cho ra đời sản phẩm mới vào năm sau. Ngay lúc này đối với sản phẩm công nghệ cao thì nhu cầu thấp, nhưng trong vòng 6-18 tháng nữa nhu cầu sẽ tăng trở lại.

Khi Intel mở nhà máy ở Costa Rica, ngành công nghiệp phụ trợ nước này lập tức phát triển nhanh chóng, VN có thể được gì từ bài học này?

- Khi Intel mở nhà máy sẽ tạo ra nhiều lợi ích. Một trong số đó là vấn đề giáo dục. Chúng tôi đã công bố tại Hà Nội chương trình học bổng, sinh viên VN sẽ sang học tại một số trường đại học ở Mỹ trong hai năm. Chúng tôi làm việc với nhiều đối tác để cải thiện chất lượng giáo dục ở trường đại học. Ở góc độ kinh doanh, từ dự án của chúng tôi sẽ có nhiều nhà đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ, sản phẩm đến đặt nhà máy nơi đây, điều này chắc chắn sẽ góp phần làm tăng trưởng nền kinh tế...

Khi Intel đặt cơ sở lớn ở Costa Rica, rất nhiều công ty cung ứng, công ty sản xuất công nghiệp phụ trợ đã đến xây nhà máy bên cạnh chúng tôi. Tôi nghĩ tình hình tương tự sẽ xảy ra ở VN. Có thể Chính phủ sẽ lo lắng về việc khi các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đến đây trở thành nhà cung ứng cho Intel thì liệu các công ty địa phương sẽ cạnh tranh thế nào. Chúng tôi tin sẽ có những công ty đến xây nhà máy bên cạnh Intel để giúp phát triển ngành công nghiệp phụ trợ tương tự như ở Costa Rica. Điều đó cũng xảy ra tương tự ở Malaysia, Philippines, Trung Quốc.

Dự án nhà máy lắp ráp và kiểm định (ATM) chip bán dẫn của Intel tại Khu công nghệ cao TP.HCM có tổng vốn đầu tư 1 tỉ USD, giai đoạn 1 xây dựng nhà máy ATM là 300 triệu USD. Đây sẽ là nhà máy đầu tiên và lớn nhất trong hệ thống các cơ sở lắp ráp và kiểm định chip bán dẫn của Tập đoàn Intel. Tổng số nhân lực làm việc dự kiến khoảng 4.000 người.

Intel sẽ tổ chức những buổi hội thảo, đối thoại với các nhà cung ứng để thông báo cho họ biết nhu cầu, quy chuẩn cũng như cách thức hợp tác với chúng tôi... Đó là cách chúng tôi hình thành nên một mạng lưới cung ứng. Chẳng hạn ở Mỹ, chúng tôi có “ngày của nhà cung cấp” để làm việc với các nhà cung ứng địa phương... Tôi chỉ có một góp ý là Chính phủ VN nên điều chỉnh chính sách thuế như thế nào đó để các nhà cung ứng địa phương có thể nâng cao sức cạnh tranh.

Trước đây Intel tổ chức tuyển chọn SV để đào tạo làm việc cho mình, chỉ có 28 người đáp ứng đủ điều kiện trong số 200 SV tham gia. Intel có thất vọng về điều đó? Và làm thế nào để giáo dục VN đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài?

- Một phần trách nhiệm của tôi ở Intel là làm việc với các hệ thống giáo dục để làm sao có một nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của Intel. Đó không chỉ là chuyện đào tạo kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng mang tính học thuật mà còn là kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng liên quan đến ngành kỹ thuật cao của chúng tôi.

Cách mà chúng tôi đã áp dụng ở Costa Rica là làm việc chặt chẽ với các trường đại học để họ có những chương trình đào tạo phù hợp, cung ứng nhân lực cho Intel. Ở Mỹ hay Mexico chúng tôi cũng làm như vậy. Chúng tôi đã thực hiện chương trình tuyển chọn sinh viên ở VN, kỹ năng giải quyết vấn đề của họ cần phải được cải thiện. Bên cạnh đó còn một số vấn đề khác chúng tôi sẽ có phản hồi với các trường đại học.

Đúng là việc cải thiện hệ thống giáo dục luôn là vấn đề khó khăn. Việc nâng chất trong lĩnh vực giáo dục của VN không nên chỉ nhìn vào mình mà phải nhìn vào các nước xung quanh. Phải làm sao để có thể nói rằng trường đại học của chúng tôi đạt chuẩn mực quốc tế. Điều đó rất quan trọng.

(Theo Tuổi trẻ online)



Bình luận

  • TTCN (3)
trần văn khải  8

Phô trương thanh thế quá đi mất! intel vietnam làm chỉ mỗi việc assembly and packaging. công nhân trung cấp điện tử có thể làm dẽ òm, chỉ mất một ngày training thôi, chứ đâu cần gì cả ngàn kỹ sư như báo trí đưa!!! chưa nói gì đến các máy etch và lythography không được phép xuất sang việt nam và một số nước khác theo luật cấm vận vũ khí của Mỹ. vì các máy đó có sử dũng kỹ thuật laser và plasma. Cái facility ở vietnam chắc chỉ có các thiết bị testing và microscope là hiện đại nhất! nói "made in việt nam" thì có lẽ hơi quá bom!

Hải Nam  30903

Làm một cái fab tầm trung tốn 3-4 tỉ, giờ bỏ 1 tỉ đầu tư vào VN thì cũng hoành tráng rồi. Đương nhiên giờ chỉ là lắp ráp, đóng gói, nhưng cứ phải từ từ. Còn chữ "made in VN" là chữ của ông nhà báo thôi. Intel họ sẽ nói "assembled in VN" Smile

Quang Trung  22192

Sản xuất chip thì assembly and packaging là quan trọng & tốn kém ko kém gì khâu sản xuất & khắc wafer đâu.