Tại Hàn Quốc, thật khó có thể nói về công nghệ mà không trực tiếp đi sâu vào thực tế. Ở đây, công nghệ gắn liền với những cái người ta gọi là “cuộc sống”, “điện toán” và “cộng đồng”. Mọi công nghệ tại Hàn Quốc, từ băng rộng tới truyền hình số đều được thiết kế ở trạng thái luôn sẵn sàng sử dụng, và luôn có mặt ở khắp nơi.
Khác biệt với thế giới
Tất cả những khả năng trên đã giúp Hàn Quốc trở nên khác biệt với phần còn lại của thế giới. Các công nghệ giao tiếp và Internet hiện tại của Hàn Quốc được coi là tương lai không dây của Mỹ và châu Âu trong thời gian tới.
Dựa trên những gì đang được cung cấp tại Hàn Quốc, chúng ta có thể mong đợi một số dịch vụ tốc độ cao sẽ được triển khai trong nay mai tại các quốc gia khác như băng rộng tốc độ cao hơn (cả với cố định và di động); truyền hình trên di động, thậm chí là ngay trên tàu điện ngầm; thoại video thời gian thực; các điểm xe buýt trang bị màn hình cảm ứng để tìm kiếm thông tin…
Tại Hàn Quốc, điện thoại chỉ nhỏ bằng chiếc đồng hồ đeo tay và thường có màu kem. Thậm chí có những dịch vụ bán hàng trực tuyến kinh doanh khoảng 70.000 chiếc điện thoại kiểu này. Tại Hàn Quốc thậm chí còn có cả một cơ quan chuyên trách để phân tích dữ liệu và đưa ra các kiến nghị giúp nước ngày thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền khác nhau của đất nước.
Năm ngoái, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cố định lớn nhất Hàn Quốc – KT đã triển khai mạng không dây có tốc độ siêu nhanh dành cho Seoul và các vùng phụ cận. KT đã sử dụng chuẩn WiMax di động được Intel hậu thuẫn để cung cấp dịch vụ cho khách hàng một cách nhanh nhất và ổn định nhất. Chuẩn Wimax di động có thể cung cấp kết nối cho người dùng khi họ đang di chuyển với tốc độ 100km/h. Người dùng có thể họp qua video, lướt Web, xem video, sắm hàng trực tuyến khi đang di chuyển.
Internet di động đã trở nên quá quen thuộc tại Hàn Quốc. Hơn 3 triệu người dân nước này thường xuyên sử dụng điện thoại di động để đăng nhập vào mạng xã hội Cyworld. Và hàng trăm nghìn người thường xuyên chụp ảnh và quay video clip bằng điện thoại rồi đưa lên mạng, hay thậm chí là phát trên cả chương trình truyền hình.
Bản thân các nhà cung cấp dịch vụ như SK Telecom vaf KTF (hai nhà mạng lớn nhất Hàn Quốc) đã nỗ lực rất lớn trong việc nâng cấp hạ tầng mạng. Cả hai đã có mạng HSDPA tốc độ cao phủ khắp 84 thành phố chính của nước này. Phí sử dụng dịch vụ chỉ vào khoảng 32USD/tháng cho tối đa 1GB dữ liệu download hoặc truyền tải trên mạng.
Tầm nhìn chiến lược
Vậy Hàn Quốc đã làm thế nào để đưa công nghệ vượt lên tầm cao của thế giới. Điều đó nhờ vào sự cải tiến không ngừng của các công ty công nghệ trong nước, và sự hỗ trợ lớn lao của chính phủ. Mạng băng rộng không dây và có dây phủ khắp đất nước, còn truyền hình được phủ sóng di động rộng khắp. “Kể từ khi ngành công nghiệp viễn thông được tư nhân hóa, chính phủ đã có nhiều nỗ lực lớn trong việc thúc đẩy băng tần, giấy phép, và các chính sách liên quan. Điều này đã tạo động lực cho các công ty tư nhân đầu tư sâu rộng hơn cho cơ sở hạ tầng”, Cựu Bộ trưởng thông tin liên lạc Hàn Quốc, Dae-je Chin, giải thích.
Các công ty hàng đầu của Hàn Quốc là Samsung và LG đã đào tạo nhân viên cần có tầm nhìn về tương lai. Các nhà thiết kế của hai công ty này dự đoán về những xu hướng trong vòng 2 năm tiếp theo, và tập trung cho những thiết kế mang tính xu hướng này. Samsung từng nói rằng hãng này đã thực hiện hai cuộc cách mạng về cải tổ thiết kế, đó là năm 1996 và 2005. Các nhà thiết kế tại LG thì lại nói về cái gọi là “khái niệm công nghệ”. “Nếu bạn chỉ hỏi khách hàng là họ cần gì và bắt đầu từ đó đi lên thì bạn sẽ luôn trễ hẹn. Nhiệm vụ của chúng tôi là định hướng cho họ”, nhận định của nhà thiết kế điện thoại Kangheui Cha của LG.
Tuy nhiên, sự bùng nổ công nghệ thông tin tại Hàn Quốc cũng tạo ra nhiều nguy cơ xã hội. Số ngườinghiện Internet tăng cao. Nạn tội phạm công nghệ cao có tổ chức ngày càng tinh vi và xảo quyệt hơn. Sự quá dễ dàng trong việc trao đổi thông tin qua mạng tại đất nước này cũng tạo ra nhiều kẽ hở để giới tội phạm lợi dụng.
Trong khi đó, không phải lúc nào người tiêu dùng Hàn Quốc cũng thỏa mãn với những đồ dùng công nghệ sản xuất trong nước. Họ vẫn trông chờ vào những sản phẩm “hot” trên thị trường thế giới như iPhone, và chiếc điện thoại Android của Google. RIM cũng vừa mới thâm nhập và thị trường Hàn Quốc (tháng 12/2008) sau khi đánh giá chán chê các cơ hội kinh doanh. Hầu như tất cả người dân Hàn Quốc đều có điện thoại di động, và với nguồn cung ĐTDĐ trong nước quá dồi dào đã làm chùn bước bất cứ hãng di động nào có ý định làm ăn tại đất nước này.
Tương lai không dây
Vậy nếu Hàn Quốc là tương lai không dây của các nước khác, thì tương lai không dây của nước này sẽ là gì? Một cuộc triển lãm mới đây tại văn phòng Seoul của hãng SK Telecom đã đưa ra một vài gợi ý. Nhà cung cấp dịch vụ này mô tả về một thế giới có trí thông minh nhân tạo, tất cả những vật dụng trong cuộc sống hàng ngày đều được mô tả là “người bạn kỹ thuật số”, có thể thực hiện nhiều tác vụ phức tạp. Trong gia đình, những “người bạn” này có thể giúp tìm kiếm thông tin vè thời tiết, chỉ đường, đặt trước nhà hàng, hay thậm chí là khám sức khỏe. Ở một mức cao hơn nữa, chúng có thể điều khiển được cả xe hơi, giúp cho tài xế có thể rảnh tay nói chuyện điện thoại khi đang di chuyển trên đường. Các tài xế cũng có thể xem video và mua sắm trực tuyến ngay trên xe hơi.
Tất nhiên, công nghệ của Hàn Quốc phải phát triển lên một tầm cao nữa mới đáp ứng được tất cả những viễn cảnh trên. Ông Dae-je Chin cho rằng sự phát triển sắp tới của ngành công nghiệp nước này sẽ là “hướng dịch vụ”. Bản thân công ty của ông Chin (SkyLake Incuvest) đang đầu tư cho các dự án về robot, phần mềm nhận dạng khuôn mặt, giáo dục trực tuyến và game trực tuyến. Một số công ty lớn khác của Hàn Quốc thì đầu tư mạnh tay cho những dự án tìm kiếm năng lượng thay thế. Đây cũng là hướng đi chung của một số nước khác trong đó có Mỹ.
Theo VnMedia (C.Net, PCW, BusinessWeek)
Bình luận