Ảnh chụp từ video của Times

Một thành phố sâu dưới lòng đất ít người biết đến là nơi lưu trữ thông tin kỹ thuật số an toàn nhất hành tinh.

Phía dưới những ngọn đồi và đồng cỏ của miền Tây Pennsylvania (Mỹ) là một kho báu của thế kỷ XXI. Các thợ mỏ đã dùng thuốc nổ để phá đá vôi, lập trung tâm dữ liệu sâu dưới đất 67m.

Đây là kho lưu trữ Iron Mountain ở hạt Boyers – một trong những địa điểm bảo mật nhất hành tinh – nơi Chính phủ Mỹ và các công ty hàng đầu thế giới cất giữ dữ liệu sống còn của mình khỏi động đất, hỏa hoạn và trộm cắp.

“Mỏ” khổng lồ này trải ra trên diện tích 2x3 dặm và là một thành phố ngầm tự cung tự cấp với nhà máy xử lý nước thải, hệ thống điện dự phòng và đội chữa cháy của riêng mình.

Ở nhiều hầm ngách, nhiều chi nhánh của Chính phủ Mỹ và các tổ chức an ninh lưu trữ hàng triệu file tối mật, cả bằng giấy và dưới dạng kỹ thuật số. Cũng dưới đây vẫn còn lịch bay của chuyến bay số 93 của hãng hàng không United Airlines đâm vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) hồi 11/9/2001.

Ảnh
Mỏ thông tin có diện tích 145ha sâu trong lòng đất

Ngoài ra, đây là nơi các công ty thu âm giữ các cuốn băng gốc của hàng triệu bản thu âm nổi tiếng, từ của Elvis Presley về trước, và trong một nhánh hầm nhiệt độ thấp, độ ẩm thấp đặc biệt lưu trữ các tài liệu bằng hình ảnh – hơn 11 triệu hình ảnh và tài liệu thời gian từ đầu thế kỷ thứ IXX trở lại. Trung tâm này là một mê cung hầm đá vôi rộng lớn, với 110 hầm lưu trữ có quy mô tương đương các sân bóng đá phía sau các tấm cửa nặng nề đặt trong đá. Ở đấy lạnh và tối, hoàn hảo cho cất trữ tài liệu ở nhiệt độ kiểm soát được. An ninh chặt chẽ đến nỗi chính phủ liên bang Mỹ phân loại nó chỉ một cấp dưới Nhà Trắng và Bộ Quốc phòng.

Khu tổ hợp 145ha này, nơi 2.700 người đang làm việc hàng ngày không có ánh sáng mặt trời, là một nơi cất trữ vô giá của quá khứ và cũng là một trung tâm dữ liệu dành cho tương lai. Nó do công ty Iron Mountain, một công ty dịch vụ lưu trữ và bảo vệ tài liệu toàn cầu điều hành. Iron Mountain đã lấy những đặc thù duy nhất của mỏ và chuyển nó thành nữ trang – mảng kinh doanh toàn cầu 2,7 tỷ USD của công ty quản lý thông tin cho các công ty và tổ chức được luật pháp Mỹ yêu cầu lưu giữ các báo cáo quan trọng.

Trung tâm dưới lòng đất này mở từ những năm 1950 để cất giữ các tài liệu giấy do các công ty lo sợ thảm họa hạt nhân nên phải tìm các địa điểm lưu trữ an toàn.

Nay trọng tâm của nó là lưu trữ tài liệu kỹ thuật số, nơi các công ty cần giữ các file quan trọng để dự phòng và để phục hồi trong trường hợp xảy ra tranh chấp, kiện tụng. Sự rối loạn gần đây trong lĩnh vực tài chính toàn cầu đã đẩy mạnh nhu cầu về các hệ thống lưu trữ như vậy.

Iron Mountain có 10 tỷ email được giao phó và đưa khoảng 8 triệu email vào lưu trữ mỗi ngày. Kinh doanh diễn biến sôi động, lượng dữ liệu kỹ thuật số họ lưu trữ tăng đến 600% từ năm 2005-2008. Tại hạt Boyers, 400.000 PC và 20.000 máy chủ được dự phòng hàng ngày.

Địa điểm này đã trở nên ngày càng quan trọng đối với các doanh nghiệp kể từ sau vụ khủng bố 11/9/2001 và gần đây hơn là thảm họa cơ bão Katrina đã buộc các công ty Mỹ đánh giá lại việc họ cất giữ các tài liệu quan trọng. Tập đoàn khách sạn Marriott International gần đây đã thiết lập hệ thống phục hồi thảm họa tại một trong các ngách hầm ở Iron Mountain. Từ đó, họ có thể phục hồi dữ liệu trong vòng chưa đầy bốn giờ đồng hồ.

Chuck Doughty, Phó chủ tịch kỹ thuật của Iron Mountain ở trung tâm của hạt Boyers. Ông đã làm việc ở đây gần 4 thập kỷ và quen với việc thiếu ánh sáng ban ngày. Ông đã giúp chuyển cơ sở này từ một trung tâm lưu trữ kiểu cũ dành cho giấy tờ thành một cơ sở lưu trữ dữ liệu kỹ thuật số sử dụng các kỹ thuật tiên tiến, thân thiện với môi trường để làm mát máy chủ.

Ông quan sát mạng lưới hoạt động của trung tâm, nơi nhân viên giám sát một ngân hàng máy tính khổng lồ phân tích các điều kiện trong các hầm ngách và các máy chủ. Các biểu đồ cho thấy môi trường không dao động quá hơn 1 độ trong 20 năm, ông nói. Phần này của bang Pennsylvania được đánh giá là an toàn đối với hoạt động động đất và ông Doughty đang nghiên cứu việc sử dụng địa nhiệt để làm mát, giúp cho các trung tâm dữ liệu ổn định hơn.

Trở lại bề mặt của hạt Boyers, các nhân viên bước ra khỏi mỏ vào mỗi cuối ngày. Chỉ có hàng trăm chiếc xe hơi ở nơi bãi đỗ xe là phản lại sự hiện diện của cái mỏ thông tin hiện đại này ở dưới lòng đất này.

Theo ICTnews (The Times)



Bình luận

  • TTCN (0)