Trang web xã hội Facebook đang bùng nổ ở Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia trong khi số người xem trang web chia sẻvideo YouTube tăng gần gấp đôi ở Brazil và Nga…
Có vẻ như đó là những tin tức tốt lành. Thế nhưng, chúng cũng là lý do chính khiến những công ty web nổi tiếng như Facebook và YouTube lại đang vật lộn với việc tìm kiếm nguồn thu, dù là nhỏ nhoi.
Sự nghịch lý mang tính quốc tế
Các công ty web dựa vào quảng cáo đang tận hưởng những sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, đây cũng có thể là những nơi có chi phí hoạt động đắt đỏ nhất, do các công ty web thường cần nhiều máy chủ hơn để giúp nội dung đến được với nhiều người hơn tại những vùng có kết nối băng thông rộng hạn chế. Và cũng tại những nước này, nguồn thu từ quảng cáo ít khi đạt kết quả khả quan.
Sự tương phản khó có giải pháp này đã trở thành một gánh nặng đối với những trang web chia sẻ hình ảnh, mạng xã hội và nhà phân phối video, như YouTube. Nó cũng đang làm nản lòng những doanh nhân nhiệt huyết theo chủ nghĩa lý tưởng, những người hy vọng hợp nhất thế giới thành một ngôi làng trực tuyến duy nhất nhưng ngày càng nhận ra rằng tính kinh tế của viễn cảnh này là không khả thi.
Năm ngoái, Veoh, một trang web chia sẻ video có trụ sở tại thành phố San Diego (Mỹ), quyết định ngăn người sử dụng ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ La-tinh và Đông Âu dùng dịch vụ của mình, với lý do là triển vọng tìm kiếm lợi nhuận mờ mịt trong lúc chi phí truyền video đến những vùng này lại cao.
Dmitry Shapiro, Giám đốc điều hành Veoh, ngao ngán nói: “Họ có thể ngồi cả ngày chỉ để xem nội dung. Vấn đề là ở chỗ họ ngốn hết băng thông của chúng tôi mà chẳng mang lại doanh thu đáng kể.”
Các công ty Internet xuất hiện trong kỷ nguyên Web 2.0 - khoảng từ năm 2004 đến khi sự suy thoái bắt đầu vào cuối năm 2007 - thường hoạt động dựa vào một chiến lược được chấp nhận rộng rãi : Cung cấp dịch vụ miễn phí để thu hút một lượng người sử dụng khổng lồ và lấy nguồn thu từ quảng cáo để trang trải chi phí.
Tuy nhiên, nhiều công ty đối mặt với một thực tế phũ phàng của kinh tế toàn cầu: thế giới có thể có 1,6 tỷ người kết nối Internet, nhưng chưa đến phân nửa trong số họ có thu nhập đủ cao để thu hút các nhà quảng cáo lớn.
Chưa có giải pháp phù hợp
Michelangelo Volpi, Giám đốc điều hành Joost - một công ty video có phân nửa người sử dụng bên ngoài nước Mỹ - thừa nhận: “Đây là vấn đề mà mỗi công ty Internet đều gặp phải. Mỗi khi bạn có nhiều nội dung tự tạo, băng thông của bạn sẽ bị tiêu tốn ở châu Á, Trung Đông, châu Mỹ La-tinh, nơi chi phí băng thông đắt đỏ trong lúc nguồn thu từ quảng cáo lại quá thấp."
Ông Volpi cho rằng, nếu các công ty web thực sự muốn kiếm tiền, họ nên đóng cửa dịch vụ đối với người sử dụng tại những nước này.
Có ít công ty Internet thực hiện những bước đi quyết liệt như thế. Thay vào đó, nhiều công ty đang tìm kiếm cách thức tăng doanh thu hoặc giảm chi phí tại những nước đang phát triển.
Trang web xã hội MySpace với 130 triệu thành viên, trong đó khoảng 45% là người bên ngoài nước Mỹ, đang thử nghiệm phiên bản rút gọn và đòi hỏi ít băng thông hơn - gọi là Profile Lite - dành cho những nước có kết nối Internet chậm. MySpace cho biết có thể sẽ biến Profile Lite thành phiên bản chính cho các thành viên của họ ở Ấn Độ.
Tương tự, đối thủ chính của MySpace là Facebook cũng đang xem xét kế hoạch giảm bớt chất lượng video và hình ảnh được truyền đến một số khu vực trên thế giới nhằm giảm chi phí. Ngoài ra, Facebook cũng tìm cách tăng cường doanh thu bằng cách tuyển dụng nhân viên bán quảng cáo tại những nước như Anh, Úc, Pháp…
Tuy nhiên, có lẽ không có công ty nào cảm nhận tình cảnh “nghịch lý quốc tế” nói trên rõ hơn YouTube. Nhà phân tích Spencer Wang của công ty dịch vụ tài chính Credit Suisse gần đây ước tính YouTube có thể lỗ tới 470 triệu Đô la Mỹ trong năm 2009 mà một phần nguyên nhân là chi phí truyền tải hàng tỷ video mỗi tháng quá tốn kém.
Google (công ty mẹ của YouTube) bác bỏ điều phân tích này nhưng không cung cấp chi tiết về tình hình tài chính của YouTube. Tom Pickett, Giám đốc kinh doanh trực tuyến tại YouTube, cho biết họ vẫn cung cấp video cho toàn thế giới nhưng giảm việc mở các cổng quốc tế mới và tập trung hơn vào việc kiếm tiền. Chiến lược này không loại trừ việc hạn chế băng thông tại một số nước nhất định như là một cách kiểm soát chi phí.
Những doanh nhân web như ông Shapiro của Veoh, người vẫn đang trăn trở với quyết định hạn chế cung cấp dịch vụ cho phần lớn thế giới, có lẽ sẽ phải tìm ra được cách thức nào đó để xoa dịu lương tâm đang bị dằn xé.
Ông Shapiro bộc bạch: “Một phần trong tôi nói điều đó thật bất công và tôi không nên làm như thế. Nhưng xét về khía cạnh kinh doanh, việc cung cấp dịch vụ video cho cả thế giới là không phù hợp trong thời điểm này”.
(Theo Tuổi trẻ online/New York Times)
Bình luận