Google kỉ niệm sinh nhật Tetris bằng logo đặc biệt

Xuất hiện lần đầu vào năm 1984, trò chơi xếp hình Tetris là một trong những sản phẩm trí tuệ và văn hóa của Liên Xô (cũ) có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội phương Tây.

Nhiệm vụ người chơi Tetris là điều khiển, sắp xếp các "viên gạch" rơi từ phía trên xuống dưới một cách hợp lý để nó không tràn lấp màn hình. Khi các "viên gạch" được xếp bằng phẳng, nó sẽ tự động biến mất. Số viên gạch biến mất được quy đổi thành điểm số, khi điểm vượt qua một ngưỡng nào đó thì người chơi bước sang một "cửa" mới (hay còn gọi là “level”), tốc độ rơi của "viên gạch" tăng dần qua mỗi cửa.

Từ Liên Xô (cũ) lan tỏa ra thế giới

"Bạn khó mà từ bỏ trò chơi khi đã bắt đầu. Tetris có nghĩa là không dừng lại", Michael Piere, 28 tuổi, người đã chơi Tetris từ lúc “game” này mới xuất hiện tại Mỹ. Khi còn nhỏ, Piere từng chơi trò Tetris trên nhiều “barcade”, vì bố mẹ không đủ tiền mua một tủ điện tử như vậy. Cũng như Piere, Tetris đã hút hồn hàng triệu người chơi, bất kể độ tuổi, giới tính.

Ảnh
Một nét văn hóa Tetris trong cuộc sống thực.

Điều đáng nói nhất ở đây, Tetris là một trò chơi có nguồn gốc từ Liên Xô (cũ), nhưng đã tạo nên một xu hướng giải trí rộng khắp thế giới, có thể sánh ngang với FaceBook hay iPhone ở thời điểm hiện tại. Việc này có thể coi là một điều kỳ diệu hiếm hoi trong bối cảnh chiến tranh lạnh, giống như sự thâm nhập của âm nhạc Beatles vào đời sống thanh niên Liên Xô.

Trò chơi của trí tuệ

Để luôn chiến thắng trong trò Tetris thực không dễ chút nào, người chơi luôn phải tính toán với các "viên gạch". Các viên gạch được lựa chọn một cách ngẫu nhiên, và có tất cả 7 hình dáng. "Thật khó để dự đoán sự xuất hiện và sắp xếp các viên gạch này", một người chơi Tetris  nhận xét.

Tác giả của Tetris là Alexey Pajitnov, làm việc tại Học viện Khoa học Moskva đã hoàn thành trò chơi vào ngày 6/6/1984, lúc đó ông đã 29 tuổi. Tetris là chương trình được ông viết để thử nghiệm hệ thống máy tính Elektronika, một dự án quan trọng nằm trong chương trình nghiên cứu trí tụê nhân tạo và nhận dạng giọng nói tự động của Liên Xô (cũ).

Ông đã dành toàn bộ thời gian rảnh rỗi để viết chương trình Tetris. "Cả cuộc đời, tôi luôn cảm thấy hứng thú với những bí ẩn của toán học và Tetris là một trò chơi được viết như một cách thỏa mãn niềm ham mê đó", Pajitnov tâm sự.

Ảnh
Tetris xuất hiện trong cả những thiết bị số hiện đại như iPhone.

“Miếng bánh” quá nhỏ dành cho tác giả Tetris

Mặc dù, là người phát minh ra Tetris, nhưng Pajitnov không hưởng nhiều lợi nhuận từ trí tuệ của mình bằng các hãng công nghệ tư bản. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, chính phủ Liên Xô (cũ) không có chủ trương thương mại hóa các trò chơi giải trí như Tetris. Thậm chí, mãi đến năm 1996, Pajitnov mới được nhận bằng chứng nhận cho phát minh của mình.

Hiện, Pajitnov làm quản lý trong Công ty Tetris Co., đơn vị chuyên cấp phép cho các hãng điện tử có ý định mua bản quyền phát minh của ông. Nói về "đứa con" của mình, Pajitnov chỉ nhận xét: "Tetris đã giúp tôi sống một cuộc sống tiện nghi".

Ngược lại, ở thế giới phương Tây, các hãng điện tử đã triệt để khai thác tiềm năng của trò chơi này để kiếm lời tối đa. Đi đầu trong số này phải kể đến Nintendo, nhờ Tetris mà hãng này đã duy trì vị trí quán quân trong nền công nghệ giải trí suốt nửa cuối thập niên 1980.

Tetris đã làm nên chiến thắng của hãng vì đây là một trò chơi hòa bình, không bạo lực, trí tuệ và không hạn chế đối tượng chơi. Từ đó, Tetris luôn đồng hành với các máy chơi game của Nintendo. Theo thống kê của Tetris Co., có ít nhất 125 triệu phiên bản của trò chơi được bán ra trên thế giới, với nhiều loại máy game khác nhau. Theo Pajitnov, trò chơi của ông sẽ sống thêm ít nhất 25 năm nữa.

(theo Báo Đất Việt)




Bình luận

  • TTCN (0)