Với việc giảm mạnh giá cước của ba mạng lớn VinaPhone, MobiFone và Viettel, các mạng nhỏ như EVN Telecom sẽ ngày càng khó hơn trong kiếm tìm thị phần.
Giá cước di động của hai mạng di động VinaPhone và MobiFone lần đầu tiên trong lịch sử đã thấp hơn Viettel. Sau sự “đổi ngôi” này, thị trường di động sẽ cạnh tranh như thế nào?

Viettel lâu nay luôn là mạng có số lượng thuê bao đông đảo nhất, lý do, giá cước của Viettel luôn thấp hơn VinaPhone, MobiFone và một số mạng di động khác. Nhưng, đầu tháng 6 này, một sự kiện lớn trong lĩnh vực viễn thông, cả ba nhà mạng trên đều giảm mạnh giá cước, với mức giảm cao nhất tới lên 30%.

Với chính sách giảm trên, cả ba nhà mạng đều tính toán đến chiến lược hàng đầu là “hốt” nốt hoặc càng nhiều càng tốt số thuê bao còn lại (khách hàng chưa hòa mạng và chưa đăng ký theo quy định), để phân định diện phủ sóng, khống chế thị phần.

Cùng nhau “hốt” thị phần còn lại

Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó giám đốc chiến lược Viettel Telecom cho biết, theo tính toán của nhà mạng, hiện còn khoảng 30 triệu người chưa sử dụng và chủ yếu là những người có thu nhập thấp. Mạng này tính, mục tiêu của đợt giảm mạnh giá cước cũng nhằm hướng đến số lượng khách hàng tiềm năng này, giống như chiến lược kinh doanh mà Viettel vẫn đang áp dụng.

Lý do trên cùng khả năng cộng hưởng của sức mạnh truyền thông nên nếu chậm chạp sẽ dẫn đến cảnh “trâu chậm uống nước đục”. Vì thế ngay sau khi Viettel công bố giảm giá, hai mạng VinaPhone và MobiFone đã có văn bản hỏa tốc gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị giảm cước cho tất cả các dịch vụ như trong kế hoạch của nhà mạng và đã được Bộ chấp thuận.

“Việc giảm cước đã nằm trong lộ trình của chúng tôi. Còn thời điểm giảm cùng nhau (rất gần nhau giữa các mạng - PV) cũng là chính sách điều tiết của Bộ, vì Bộ cũng không muốn mạng giảm trước mạng giảm sau hoặc không giảm, như thế sẽ cạnh tranh không lành mạnh, và những mạng giảm sau sẽ bị mất thị phần”, ông Hồ Công Việt, Trưởng phòng Kinh doanh VinaPhone nói.

Thực tế, con số khoảng 30 triệu người chưa sử dụng, như tính toán của Viettel trong việc giảm giá cước để thu hút, đã được VinaPhone “hiện thực hóa” ngay cùng đợt giảm giá cước của mạng này bằng “mẻ lưới” tung gói cước di động nội tỉnh MyZone tại 36 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Gói cước này thấp hơn 40% so với mức cước di động trả trước và đã “kéo” được hơn 1 triệu người sử dụng sau một thời gian ngắn mà nhà mạng này cung cấp.

“Với việc giảm mạnh giá cước và tung gói cước MyZone tại 36 tỉnh, thành phố chúng tôi hy vọng sẽ sớm thu hút thêm một số lượng lớn khách hàng nữa”, ông Hồ Đức Thắng, Phó giám đốc VinaPhone nhận định.

Lâu nay, thị phần chiếm áp đảo của Viettel là những người có thu nhập thấp, như sinh viên, các khách hàng tỉnh lẻ. Thị phần của MobiFone tập trung chủ yếu là các thành phố lớn có thu nhập cao, các doanh nghiệp trong Nam; còn ưu thế thị phần của VinaPhone là nhóm viên chức, công chức, đặc biệt từ Bắc Trung Bộ trở ra.

Tất nhiên, ngoài thị phần chủ đạo, cả ba nhà mạng lớn nhất này đều không “bỏ qua” khách hàng ở mọi thành phần và mọi vùng miền.

Nhưng sự phân lệch về thị phần trên chịu ảnh hưởng và tác động bởi chính sách giá cước và chiến lược phát triển, kinh doanh của các nhà mạng. Còn khi giá cước đã trở về ở mức mặt bằng chung, thậm chí có sự “đổi ngôi”, và đặc biệt, thị phần chiến lược trước đây của một số nhà mạng gần như đã bị lấp đầy thì lượng thị phần còn lại sẽ là sự cạnh tranh chung cho tất cả các mạng di động.

“Việc giảm giá cước trước đây của MobiFone hoặc VinaPhone là do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý, chứ doanh nghiệp không được tự quyết định. Bởi thế, giá cước của MobiFone luôn bị coi là đắt hơn Viettel. Nhưng thực tế chúng tôi đã phải liên tiếp công bố các chương trình khuyến mại để thu hút và giảm giá cước cho khách hàng, vì thế tính ra, cước của MobiFone cũng tương đương như Viettel”, ông Đinh Việt Hưng, Trưởng phòng kinh doanh MobiFone chia sẻ.

Mặc dù lần giảm “giá lịch sử” này, giá cước của MobiFone và VinaPhone thấp hơn Viettel nhưng theo phân tích của ông Hưng, mức chênh lệch đó không đáng kể, giá trị rất thấp, nhưng giá cước của ba nhà mạng đã ở mức mặt bằng chung nên việc cạnh tranh thị trường về giá sẽ công bằng hơn và các nhà mạng sẽ phải cạnh tranh nhau bằng chất lượng, dịch vụ.

Khó có thể tiếp tục cạnh tranh bằng giá

Khi hai mạng VinaPhone và MobiFone công bố giảm giá cước thấp hơn Viettel, nhiều người yêu thích Viettel “bảo vệ”: “Viettel sẽ không chịu ngồi yên đâu, nhà mạng này sẽ lại tiếp tục giảm giá cước và cuộc cạnh tranh về giá sẽ còn tiếp diễn”.

Liệu Viettel có tính tới tiếp tục giảm giá cước để bảo vệ “ngôi vị số 1” về giá cước rẻ nhất của mình như bấy lâu nay? Câu hỏi này, lãnh đạo Viettel không có câu trả lời. Thực tế, đại diện hai nhà mạng MobiFone và VinaPhone cũng cho rằng rất khó có thể để trả lời các mạng có tiếp tục giảm cước nữa hay không, khi mà một trong ba nhà mạng tiếp tục giảm. Vì thế, việc giảm cước tiếp, trước mắt sẽ không nằm trong kế hoạch của các mạng.

Với mức giảm lớn nhất từ trước đến nay đã rất thấp và gần với mức giá thành, ba mạng VinaPhone, Viettel và MobiFone tuy không công bố số liệu cụ thể, nhưng theo tính toán công thức lý thuyết chung, với mức giảm trung bình từ 15 -30% vừa qua, các nhà mạng sẽ trung bình giảm trên dưới trong khoảng từ 5 -7% doanh thu, trong thời gian ít nhất từ 3 -5 tháng đầu sau đó mới kéo lại dần.

Trong tính toán của các nhà mạng, khi giảm mạnh giá cước chắc chắn sẽ khuyến khích người dùng sử dụng dịch vụ nhiều hơn, thời lượng cuộc gọi sẽ tăng mạnh hơn so với mức giá cước trước đây. Như của mạng di động VinaPhone, mức cuộc gọi dự định sẽ tăng khoảng 5%.

“Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh các chính sách khuyến mại, tăng cường cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng để bù đắp lại chi phí doanh thu thâm hụt từ việc giảm giá”, đại diện ba nhà mạng này nói.

Ông Hồ Công Việt cho rằng sẽ rất khó để VinaPhone bù đắp lại doanh thu trên nếu không đẩy mạnh và làm triệt để các nhiệm vụ mà nhà mạng đã đặt ra là không ngừng gia tăng củng cố chất lượng mạng lưới để tăng tỷ lệ cuộc gọi thành công, tăng các chính khuyến khích khách hàng tăng lượng gọi, cung cấp thêm nhiều dịch vụ giá trị gia tăng và mở rộng các kênh phân phối tiếp thị khách hàng đến mọi nơi.

Điều tích cực dễ nhìn thấy khi giá cước ở mặt bằng chung và tương đương nhau là người tiêu dùng sẽ thực sự được lợi nhất, vì sẽ không có sự chênh lệch về cạnh tranh giá cước giữa ba mạng lớn, nghĩa là cả ba mạng sẽ phải cạnh tranh nhau bằng chất lượng và các dịch vụ gia tăng.

Tuy nhiên, có một sự phân lệch thị phần và sức cạnh tranh như trước nay giữa ba mạng lớn trên với các mạng nhỏ hơn là Vietnamobile, EVN Telecom, Gtel, S-Fone. Trong khi những mạng nhỏ này đang đẩy mạnh đầu tư xây dựng mạng lưới, các chính sách giá cước, dịch vụ để thu hút thị phần thì “cú sốc” giảm mạnh giá cước của Viettel, VinaPhone và MobiFone sẽ đẩy những mạng nhỏ vào “bước đường” khó khăn hơn, đặc biệt trong việc cạnh tranh về giá.

Nên cũng dể hiểu, khi ông Hồ Hồng Sơn, Giám đốc điều hành mạng di động S-Fone, bày tỏ sự không đồng tình với chính sách giảm cước của Viettel, VinaPhone và MobiFone và cho rằng, ba mạng này đang khống chế thị phần mà tiếp tục giảm mạnh giá như vậy là không cân sức với các mạng doanh nghiệp thị phần không khống chế. Và, ông kiến nghị bộ chủ quản, cần phải chặt chẽ và thận trọng hơn trong việc quản lý giá để thúc đẩy thị trường phát triển, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và các mạng đang chuẩn bị gia nhập thị trường.

Theo VnEconomy



Bình luận

  • TTCN (0)