Từ đầu tháng 6 này, cuộc đua giảm cước di động của năm 2009 đã lại bắt đầu "nóng" với những thành tích sát nút của 3 nhà mạng lớn: Viettel, VinaPhone và MobiFone. Đã hơn 1 tuần sau “phát súng” khai hỏa đầu tiên, các mạng di động nhỏ vẫn chưa có động tĩnh. Liệu đợt giảm cước này có đủ sức tạo nên một “hiệu ứng domino” kể cả trong các mạng nhỏ?
Một mặt bằng giá cước di động mới đã được tạo ra với mức giảm trung bình từ 15 - 20%. Một dấu hiệu tích cực không thể phủ nhận đối với sự phát triển của ngành viễn thông Việt Nam - trong khi mọi sản phẩm dịch vụ đều có chiều hướng tăng giá thì riêng giá cước viễn thông vẫn liên tục giảm. Và đương nhiên, đối tượng được hưởng lợi đầu tiên sẽ là người tiêu dùng.
DN mở màn cho cuộc đua giảm cước năm nay là Viettel. Kể từ ngày 1/6, Viettel áp dụng giá cước dịch vụ mới, với mức giảm tối đa là 30% so với mức giá cũ. Theo đó, giá cước thuê bao tháng của các gói trả sau giảm xuống còn 50.000 đồng/tháng (so với giá cũ 59.000 đồng/tháng); cước gọi nội mạng và ngoại mạng cũng giảm 100đ/phút gọi. Đối với các gói cước trả trước (Economy, Tomato, Ciao, Happy Zone; Daily, Cha và Con…) giá cũng được điều chỉnh giảm từ 10-30%. Như vậy, mức giảm bình quân của mạng này là 15% so với mức giá cũ.
Quân bài ngả theo thứ 2 là MobiFone. Ngày 3/6, nhà mạng này cũng tuyên bố mức giảm trung bình "đã" hơn của Viettel - khoảng 20%. Mức giảm tập trung cho các gói trả trước, gồm MobiCard, Mobi4U, MobiQ và Mobi365. Cước thuê bao trả sau cũng giảm từ 55.000 đồng xuống còn 49.000 đồng/tháng.
Chậm hơn hai đối thủ của mình, nhà mạng từng đứng số 1 một thời VinaPhone cũng mạnh dạn công bố mức giảm trung bình lên đến 21%. Theo đó, các gói cước trả trước hiện đang chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thuê bao của mạng này là: VinaCard, Vina Daily, VinaXtra hay Vina365 đều giảm mạnh. Giá cước thuê bao trả sau hàng tháng cũng giảm xuống ngang bằng với MobiFone là 49.000đ/tháng. Mức cước mới của VinaPhone được áp dụng bắt đầu từ ngày 5/6.
Cuộc chơi của “nhà giàu”
Về động cơ giảm cước lần này, Viettel, MobiFone và VinaPhone đều đưa ra những cách lý giải của riêng mình.Tuy nhiên, qua trao đổi với giới truyền thông, các mạng đều không giấu giếm tham vọng: giảm cước là nhằm “gom” nốt những thuê bao còn đang “nằm ngoài vùng phủ sóng” của mình.
Tính toán của Viettel cho biết: hiện Việt Nam còn khoảng 30 triệu người chưa sử dụng ĐTDĐ, tập trung ở đối tượng khách hàng có thu nhập thấp. Theo đó, giá cước rẻ là để thu hút đối tượng khách hàng này. Và có lẽ không chỉ riêng Viettel, đó cũng là đối tượng khách hàng mà các mạng MobiFone và VinaPhone đang nhắm tới trong đợt giảm cuớc này.
Ngay khi công bố đợt giảm cước này, ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc MobiFone đã không ngần ngại cho biết: MobiFone sẽ đặt mục tiêu phát triển thêm khoảng 5 triệu thuê bao từ giờ đến hết năm 2009.
Theo phân tích của các chuyên gia, thị trường đang dần đạt đến ngưỡng bão hòa. Đợt giảm cước này được coi là cuộc “tổng tấn công cuối cùng” của các mạng trong chiến lược “giành” nốt những thuê bao tiềm năng trước khi chuyển sang chiến lược “giữ” và chăm sóc những thuê bao này.
Nhưng cũng theo nhận định của các chuyên gia, khi giá cước di động đã xuống gần sát với giá thành, việc giảm cước tiếp tục như hiện nay thực chất chỉ là cuộc chơi của các “nhà giàu”, khi mà họ đã sở hữu được một số doanh thu ổn định từ lượng thuê bao vượt trội và thời gian khấu hao thiết bị đã kết thúc từ rất lâu trước đó.
Còn với các mạng nhỏ, cuộc chơi trên dường như là quá “xa xỉ” khi trước mắt nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch phát triển thuê bao, mở rộng thị phần của họ. Cứ với đà này, tình trạng thị phần theo kiểu: “kẻ ăn không hết, người lần không ra” sẽ rất có thể chỉ là vấn đề ngày một ngày hai.
Mạng nhỏ nỗ lực tìm hướng…
Ngay sau cơn lốc giảm giá của 3 "đại gia" GSM, "tiểu gia" CDMA S-Fone cũng ngay lập tức tuyên bố: họ mới chính là mạng di động có nhiều gói thoại với giá cước rẻ nhất hiện nay, chẳng hạn: gói eCo999, khách hàng 095 có thể gọi nội, ngoại mạng chỉ với một mức giá duy nhất là: 999 đồng. Với phí thuê bao ngày cũng là 999 đồng, tương đương với gần 30.000 đồng/tháng, gói cước eCo999 trên thực tế vẫn thấp hơn mức cước sau khi giảm của cả 3 đại gia GSM.
Đại diện truyền thông của S-Fone giải thích: chính vì đã có một mức cước khá hấp dẫn và cạnh tranh cho đến thời điểm hiện tại nên sắp tới, mạng này sẽ không đi sâu vào hướng tiếp tục giảm cước, mà sẽ tập trung phát triển các gói dịch vụ và tiện ích 3G nhằm mang lại chất lượng sử dụng dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.
Tuy nhiên, mới đây nhất, Giám đốc điều hành S-Fone, ông Hồ Hồng Sơn đã chủ động lên tiếng trước với báo chí về cuộc đua giảm cước. Theo ông Sơn, là một DN hiện có thị phần không lớn trên thị trường viễn thông, S-Fone “chắc chắn sẽ phải tuân theo quy luật và xu hướng chung của thị trường", "sẽ phải xem xét và hành động để đảm bảo quyền lợi của các thuê bao 095, có mức giá ngang bằng hoặc thấp hơn các đối thủ cạnh tranh khác...". Liệu rằng, S-Fone sẽ có động thái mới về giá cước trong thời gian tới?
Không nằm ngoài “sức ảnh hưởng” của “cơn lốc giảm giá cước”, Vietnamobile cũng là tâm điểm thu hút sự chú ý của báo giới, đặc biệt khi mạng này vừa mới quay trở lại thị trường được 2 tháng. Một trong những lý do khác của việc này đó là việc giảm cước của các mạng GSM đại gia gần như là một “đòn” đánh trực tiếp vào mạng GSM “em út” này. Đơn giản là ngay từ ngày đầu khai trương dịch vụ, 092 đã cam kết sẽ có giá cước rẻ hơn khoảng 25% so với các mạng hiện hành và coi đây là một lợi thế lớn để cạnh tranh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, lợi thế trên dường như đã… chia đều cho các mạng đối thủ.
Liệu Vietnamobile có chấp nhận để vuột mất lợi thế này?
Trao đổi với PV VietNamNet, bà Linh Chi, đại diện truyền thông của Vietnamobile cho biết: 092 sẽ sớm có sự “đáp trả” các “đại gia” về sự kiện này. Không đơn thuần là chỉ giảm cước, mà có khả năng, Vietnamobile còn tiếp tục đưa thêm nhiều gói cước mới trong thời gian sớm nhất!
…và im ắng!
Cho đến thời điểm này, đã hơn 1 tuần kể từ khi diễn ra cuộc đua, người ta vẫn chưa thấy một mạng nhỏ nào chính thức nhập cuộc.
Thực tế lịch sử các “cuộc đua” trong giới viễn thông từ trước đến nay đều cho thấy: muốn nhập cuộc, nếu không là người tiên phong, thì những người đi sau bao giờ cũng phải là người “hấp dẫn” hơn để tạo ra sự khác biệt và thu hút sự chú ý của thị trường. Và cái khó là: muốn có được điều này, đòi hỏi các mạng nhỏ phải đầu tư nhiều cho cuộc đua hơn là các mạng lớn, trong khi về tổng thể, họ hiện đang khó khăn hơn các đại gia này về nhiều mặt.
Tuy nhiên, theo phân tích, với một mạng mới ra đời như Vietnamobile, xét về tiềm lực kinh tế và thương hiệu, việc tiếp tục “bon chen” đua giảm giá với các mạng di động khác vào thời điểm này chưa hẳn là một kế sách hay. Với giá cước cũng được coi là rẻ như hiện giờ, việc Vietnamobile nên làm là tăng cường nâng cao chất lượng mạng, tích cực bổ sung thêm nhiều gói cước dịch vụ bổ trợ mới cũng như kiện toàn hợp lý các gói cước đã ban hành theo hướng có chiều sâu, phù hợp với năng lực phục vụ hiện tại hơn.
Còn với S-Fone, các chuyên gia cho rằng: mạng này kinh doanh tuy chưa thể kết luận là thua lỗ nhưng trên thực tế không có lãi. Nếu như chạy đua ngay theo “nhà giàu”, rất khó nói là sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc phát triển kinh doanh của S-Fone. Việc nhà mạng này khá im ắng và chưa có động thái nào cụ thể trong thời gian vừa qua cũng có thể được hiểu là họ đang thận trọng và cân nhắc thêm.
Dù sao đi nữa, việc S-Fone và Vietnamobile đang "rập rình" xem xét có tham gia cuộc đua hay không đang làm cho cuộc đua có thêm khả năng tạo nên một làn sóng domino. Nếu có hiệu ứng này, một bức tranh toàn cảnh về mức giá cước di động mới của viễn thông VN đang dần được hình thành.
Liệu hiệu ứng này có lan được đến EVN Telecom, từ lâu vốn được coi là có dịch vụ E-Mobile quá mờ nhạt? Và sẽ tác động thế nào đến giá cước của GTel Mobile trước thềm khai trương dịch vụ mới?
Thị trường di động và người tiêu dùng hiện vẫn đang chờ đợi những nước cờ thú vị từ các DN.
(Theo Vietnamnet)
Bình luận