Cuộc chiến vi xử lý bốn nhân giữa 2 hãng sản xuất CPU lớn nhất thế giới dường như đã thực sự nổ ra sau khi AMD tung ra dòng chip Quadcore Opteron Barcelona vào tuần rồi. Intel chiếm lĩnh thị trường trước với CPU 4 nhân từ cơ sở CPU 2 nhân, song dù đến sau AMD cũng đã có đủ thời gian để đưa ra đòn phản công của mình. Vậy ai sẽ là người thắng cuộc?
Trong cuộc chiến vi xử lý cho máy chủ, cả Intel và AMD đều đang ở thế tấn công. Tuần trước, Intel nhanh tay hơn khi giới thiệu dòng vi xử lý Xeon 7300 và ngay tức thì vào thứ hai này AMD cũng đã ra mắt dòng chip Opteron 4 nhân của họ. Trong khi phiên bản của Intel được xây dựng dựa trên việc ghép 2 chip lõi kép vào với nhau thì giải pháp của AMD lại là đặt 4 chip lên cùng 1 đế silicon đơn.
Lần đầu tiên sau nhiều năm, cả 2 công ty này đã tung ra những đòn đánh mạnh vào đối thủ trong cùng 1 thời điểm. Câu hỏi đặt ra là sản phẩm của ai tốt hơn? Ai sẽ đầu hàng? Và liệu rằng những khác biệt trong cấu trúc thiết kế chip sẽ khiến sản phẩm nào vượt lên ?
Gió đổi chiều
Mặc dù Intel là công ty lớn hơn nhưng cách đây vài năm, cán cân sức mạnh trong thị trường chip máy chủ đã nghiêng từ Intel về AMD (cho đến gần đây mới trở lại Intel) khi AMD công bố công nghệ chip Opteron năm 2003. Opteron có thể chạy trên các ứng dụng 32-bit và 64-bit đã nhanh chóng giành được thị phần và cơ bản đã hất cẳng Intel ở phân khúc máy chủ x86.
Intel đã làm gì trong suốt những năm qua hay vẫn đang chạy theo đối thủ? Charles King, chuyên gia phân tích hàng đầu của Pund-IT, cho biết: "Họ đã mất 1 thời gian dài để phản công lại Opteron một cách ngu ngốc trong khi phiên bản nguyên thủy của AM đã tiến rất xa"
Nhạy bén với thị trường
Intel giới thiệu chip 4 nhân thế hệ đầu của họ vào cuối năm 2006, đầu năm 2007.
"Một trong những khác biệt lớn giữa 2 công ty là việc Intel chọn đi theo chiến lược về thời gian tung ra thị trường của sản phẩm, thế nên chip 4 nhân của họ thực ra chỉ là 2 lõi kép trên một đế silicon đơn", Nathan Brookwood - chyên gia phân tích chính của Insight64 giải thích, "Nhờ đó mà họ có thể bán sản phẩm ra thị trường trước AMD tới 9 tháng và kiếm được hàng triệu đôla từ đó. Khó mà nói được rằng đó là một chiến lược tồi bởi nó rất thành công về mặt thương mại. Trong khi đó, với 9 tháng, AMD có đủ thời gian để làm ra một con chip 4 nhân hoàn chỉnh với kiến trúc thiết kế cao cấp hơn hẳn".
Tốc độ và kiến trúc
Chip 4 nhân Xeon của Intel có tốc độ xung clock cao hơn, lên tới 2,93 GHz trong khi chip của AMD chỉ đạt tốc độ 2,0 GHz .Theo Brookwood thì: "Intel có lợi thế về tần số hoạt động trong khi AMD lại mạnh về kiến trúc của chip và không ưu điểm nào có thể phủ nhận ưu điểm nào. Thêm nữa, dữ liệu đo chuẩn (benchmarking data) có thể không phản ánh được thực tế sử dụng trong kinh doanh".
"AMD ngày hôm qua đã công bố những tài liệu cho biết phần lớn những lợi điểm của Intel là đến từ những phép đo (benchmark) mà Intel có khả năng đã sử dụng 1 số công nghệ biên dịch tối ưu hóa cao làm tăng điểm của phép đo. Các công nghệ này không được sử dụng rộng rãi bởi các nhà phát triển phần mềm thứ 3". Brookwood giải thích và "kết quả là các phép đo này đã phóng đại hiệu suất của Intel. Các nhà phát triển sử dụng nhiều các trình biên dịch như GNU complier gcc thì thấy kết quả không tối ưu như vậy. Nếu bạn thử dùng gcc compliers để thực hiện phép đo cho Intel và AMD thì bạn sẽ thấy AMD nhanh hơn một chút".
AMD đã lên kế hoạch cuối tháng 12 sẽ phát hành chip Opteron 4 nhân tốc độ 2,5 GHz và có thể sẽ đưa họ vượt lên hàng đầu về hiệu suất làm việc.
"Tất nhiên, Intel cũng đang tiến tới 3 GHz bằng kiến trúc 45 nm và sẽ tái khởi động cuộc chiến kéo dài 18 tháng này sau những khoảng dừng từ 3 đến 6 tháng”, Brookwood nhấn mạnh.
Hiệu suất và tiêu hao năng lượng
Chip máy chủ của AMD có truyền thống vượt trội Intel về hiệu suất tiêu thụ điện năng, song đối với dòng máy chủ x86 đời mới sử dụng chip 4 nhân, liệu năng lượng tiêu thụ có phải là vấn đề so với hiệu quả làm việc?
Theo Broowood: "Hiệu suất năng lượng được coi là vấn đề chính trong cuộc chiến chip 4 nhân này, rộng hơn đó còn là vấn đề của hầu hết các phân khúc máy chủ. Chip của Intel và AMD sử dụng một lượng điện năng tương đương nhau khi chúng chạy không tải và tôi cho rằng chip của AMD sẽ dùng ít hơn một chút so với Intel. Lý do là công nghệ của Intel yêu cầu năng lượng để hỗ trợ cho các chip và bộ nhớ, vì vậy có càng nhiều mô-đun bộ nhớ thì lượng điện tiêu thụ càng lớn. AMD có một lợi thế nhỏ, song tôi không chắc là điều này đủ để khiến ưu thế nghiêng hẳng về phía AMD".
Cũng tốt hay tốt hơn
Việc AMD hoãn ngày phát hành chip Opteron 4 nhân trong năm rồi đã gây ra nghi ngờ nho nhỏ trong thị trường, song việc hãng phát hành chip Barcelona trong tuần vừa rồi đã củng cố quan điểm một số máy chủ x86.
"AMD đã luôn phải chịu đựng việc lúc nào cũng bị gắn một cái mác tất yếu là “cũng tốt như Intel” nhưng giờ đây với Opteron mới, tôi nghĩ AMD đã tự chứng minh rằng họ tốt hoặc còn tốt hơn Intel" ông King nói.
Và... thỏa hiệp
Nhìn chung , một cuộc chiến 4 nhân khốc liệt chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của cả Intel và AMD. Brookwood bình luận: "Do cả 2 công ty đều nhận ra họ có sản phẩm tốt và khả năng phản công nên họ sẽ có khuynh hướng sử dụng những thỏa hiêp, tránh những cuộc chiến quá đà để củng cố hoặc mở rộng thị phần. Chúng ta sẽ được thấy mức giá ở phân khúc thị trường này tương đối ổn định để cả 2 công ty đều thu được lợi nhuận, đặc biệt là với AMD, công ty đang thực sự cần phải kiếm tiền ở thời điểm này".
Quang Tung (Theo technewsworld)
Bình luận
Barcelona co loi diem la tinh tuong thich voi cac he thong Opteron dual cỏe hien tai... khach hang chi can thay CPU, update Bios cho main la nang cap may chu dung opteron dual core thanh Quad core trong vong 15p