Lý do được cho là loại điện thoại này có trên thị trường đã lâu, viễn thông lại là loại dịch vụ "đi trước kích thích nhu cầu". Vì thế, hỗ trợ 3G chưa thành "tiêu chuẩn" để lựa chọn khi mua điện thoại mới.
Theo nghiên cứu của một hãng thị trường, các model ĐTDĐ 3G được bán tại Việt Nam những tháng đầu năm 2009 chỉ dao động trong khoảng 10% tổng lượng hàng tiêu thụ. Nếu chỉ tính riêng trong các loại điện thoại GSM (sử dụng phổ biến với MobiFone, Viettel và VinaPhone), tỷ lệ điện thoại 3G chỉ còn khoảng 3,3%. Tỷ lệ này được duy trì trong vài năm gần đây.
Theo số liệu kinh doanh của Công ty Thế Giới Di Động, các sản phẩm hỗ trợ 3G chỉ chiếm từ 3-5% về số lượng đơn vị bán. Đại diện Công ty Viễn Thông A cũng cho biết tỷ lệ ĐTDĐ 3G bán ra tại đơn vị này cũng chỉ dao động trong mức 5-7% mỗi tháng.
Dạo qua các cửa hàng điện thoại nhỏ lẻ và các nhà phân phối lớn, hầu hết đều khẳng định số lượng ĐTDĐ bán ra chưa có dấu hiệu gì sôi động đặc biệt. Những yêu cầu khách hàng đặt ra đến thời điểm này vẫn là: giá tiền, sóng khỏe, chụp ảnh mấy chấm và bộ nhớ bao nhiêu. Câu hỏi "có kết nối 3G được không" hầu như không được đặt ra nếu không có sự tư vấn của người bán.
"3G vẫn chưa trở thành tiêu chuẩn lựa chọn và mua sắm điện thoại mới do chưa có hệ thống mạng di động hỗ trợ 3G tại Việt Nam", ông Lê Quang Vu, Phó TGĐ Công ty Viễn Thông A, cho biết. "Nhưng sau khi các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại động Việt Nam cung cấp và hỗ trợ khách hàng các dịch vụ ứng dụng công nghệ 3G, thì chắc chắn rằng thị trường điện thoại 3G tại Việt Nam sẽ sôi động hơn nhiều".
Anh Quang, chủ một cửa hàng ĐTDĐ nhỏ tại phố Đặng Dung (Hà Nội), cho biết hiện có khá nhiều loại ĐTDĐ 3G của Nhật như Softbank, NTT,... được nhập theo đường "tiểu ngạch" kiểu xách tay được bày bán ở phố này. Tuy nhiên, khi bán hàng vẫn nhấn mạnh vào các yếu tố "hàng độc", khả năng chụp hình "nhiều chấm", nghe gọi tốt, giá rẻ,... Còn các tính năng "vào mạng nhanh" với "3G được" thì được đánh giá là "mơ hồ lắm".
Một lý do được nhiều người bán hàng cho rằng các model 3G chưa tạo chuyển biến mạnh trên thị trường vì đã xuất hiện tại Việt Nam từ vài năm trước. Hiện tại đã có sẵn một lượng máy 3G tương đối đang lưu hành trên thị trường. Mặc dù không sử dụng hết tính năng, nhưng đây là những model cao cấp nên khả năng chụp hình, nghe nhạc và kết nối Internet bằng GPRS/EDGE đều khá tốt.
Lý do quan trọng khác là viễn thông dịch vụ thuộc dạng "đi trước và kích thích nhu cầu". Ở thời điểm hiện nay, nhiều người vẫn không biết cụ thể 3G sẽ đem lại cái gì cho mình. Một bộ phận người dùng khác lại muốn "nghe ngóng", nếu có gì hay thì khi đó đổi điện thoại "cũng không muộn".
Mặt khác, giá bán các loại ĐTDĐ 3G hiện nay vẫn còn ở mức cao cấp và khó đến với đại đa số người dùng, chẳng hạn như iPhone và BlackBerry. Vận dụng các tính năng 3G thành công còn phụ thuộc nhiều vào nhà cung cấp mạng với chính sách giá cả cũng như chất lượng của dịch vụ khi đưa vào sử dụng cho khách hàng.
"ĐTDĐ là phương tiện chủ yếu để tôi liên hệ công việc, không biết có 3G thì chất lượng cuộc gọi có tốt hơn không. Tôi không rành lắm về kỹ thuật", chị Mai Phương, nhân viên kinh doanh tại Hà Nội, chia sẻ.
Mặc dù vậy, các nhà phân phối bán lẻ vẫn tự tin khi mạng 3G hoạt động, doanh số bán dòng ĐTDĐ có hỗ trợ sẽ trở nên hấp dẫn hơn. Một vài công ty đã lên kế hoạch "đón đầu", đưa ra những phương tiện tư vấn cho khách hàng cách sử dụng băng thông lớn hơn của 3G để giải trí và làm việc như thế nào.
"Từ kinh nghiệm kinh doanh thiết bị công nghệ di động và nghiên cứu nhu cầu của khách hàng, Viễn Thông A cho rằng không chỉ tiềm năng cho việc tiêu thụ các thiết bị đầu cuối có khả năng sử dụng dịch vụ 3G mà còn là việc giới thiệu cho người tiêu dùng sử dụng được các tiện ích của dịch vụ", Phó TGĐ Viễn Thông A nói.
Có lẽ chỉ tới khi các dịch vụ 3G được triển khai chính thức tại thị trường Việt Nam, kèm theo những ưu điểm vượt trội về chất lượng dịch vụ và giá cước "tương đương 2G" như các mạng di động từng hứa hẹn, người tiêu dùng Việt mới quan tâm tới khả năng kết nối 3G khi chọn mua ĐTDĐ mới.
(Theo Vietnamnet)
Bình luận