Sẽ đấu giá và thi tuyển để giành quyền sử dụng đối với những tần số có giá trị; sẽ quy định cụ thể những "ai" phải chịu trách nhiệm về an toàn bức xạ điện từ đối với nhân dân; những quy định mới về quản lý quỹ đạo vệ tinh... là các vấn đề mới nổi bật trong Luật Tần số sắp ban hành. Theo đánh giá, luật này ra đời sẽ khiến thị trường dịch vụ thông tin vô tuyến điện trở nên minh bạch, lành mạnh và có tính cạnh tranh thực sự.
Luật Tần số ra đời sẽ có vai trò thế nào trong đời sống xã hội, sẽ mang lại lợi ích thiết thực gì cho người dân, cho DN và cho sự quản lý của Nhà nước...? VietNamNet đã có cuộc phỏng vấn với ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (VTĐ), Bộ TT&TT - đơn vị chịu trách nhiệm soạn thảo luật - bên lề phiên thảo luận về Luật Tần số của Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 5.
Hết dần "cấp-phát", "xin-cho"
- Thưa ông, Luật Tần số VTĐ ra đời xuất phát từ những yêu cầu thực tiễn như thế nào?
Ông Đoàn Quang Hoan: Trước hết phải khẳng định rằng, tần số VTĐ là tài nguyên quý hiếm và hữu hạn của quốc gia, đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi và có vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Theo tôi, Luật Tần số được xây dựng xuất phát từ 3 yêu cầu thực tiễn sau đây:
Thứ nhất, sự phát triển bùng nổ của thông tin VTĐ trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, làm cho nhu cầu sử dụng phổ tần số VTĐ ngày càng cao, tần số VTĐ ngày càng trở nên khan hiếm, cần được quản lý, sử dụng hiệu quả hơn.
Riêng trong lĩnh vực viễn thông, ĐTDĐ đang chiếm ưu thế so với điện thoại cố định. Đến nay, số thuê bao di động đã lên tới 70 triệu thuê bao, gấp gần 7 lần số thuê bao điện thoại cố định. Trong tương lai gần, truy cập Internet băng rộng vô tuyến cũng sẽ phát triển mạnh hơn truy cập Internet cố định.
Trong các lĩnh vực khác như phát thanh truyền hình, hàng không, hàng hải..., nhu cầu sử dụng tần số cũng không ngừng tăng do sự phát triển mạnh của công nghệ và dịch vụ. Thực tế, tần số đã ngày càng trở thành tài nguyên quý giá phục vụ cho nhiều lĩnh vực. Vì vậy, cần có Luật để đảm bảo sự quản lý hiệu quả, minh bạch.
Thứ hai, hoạt động quản lý và sử dụng tần số trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng cũng bộc lộ nhiều tồn tại. Ví dụ, tình trạng quy hoạch phải phụ thuộc nhiều vào hiện trạng làm hạn chế tốc độ triển khai ứng dụng công nghệ mới, như việc số hoá truyền hình.
Việc ấn định, cấp phép tần số vẫn nặng về cấp phát, xin cho, đòi hỏi phải có những hình thức quản lý, cấp phép mới, phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xu thế hội nhập kinh tế và viễn thông quốc tế. Các vi phạm trong lĩnh vực này chưa được chú trọng xử lý nghiêm.
Thứ ba, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã bộc lộ những bất cập cần được hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Ví dụ, cần minh bạch hoá các chính sách quản lý, thi tuyển, đấu giá để cấp phép tài nguyên tần số vì lợi ích toàn dân và phù hợp với cam kết khi Việt Nam gia nhập WTO; qui định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sử dụng tần số, xác định rõ hơn trách nhiệm các bộ, ngành trong quản lý tần số.
Thứ tư, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Đan Mạch… đã ban hành Luật Tần số VTĐ và ở các nước đó, các dịch vụ thông tin VTĐ phát triển rất mạnh mẽ.
Đấu giá tần số: DN lớn có lợi, DN nhỏ tìm đường liên doanh?
- Thưa ông, đấu giá và thi tuyển quyền sử dụng tần số là một trong những điểm mới được đưa vào Luật Tần số. Áp dụng điều này hiển nhiên sẽ mang tới sự minh bạch hơn, tuy nhiên, liệu thị trường của những DN có nhu cầu sử dụng tần số sẽ chỉ dành cho các "đại gia" mà ít cơ hội cho các DN nhỏ phát triển?
Ông Đoàn Quang Hoan: Một trong những điểm mới cốt lõi của dự thảo Luật Tần số là áp dụng cơ chế thị trường cho việc quản lý các băng tần có giá trị cao sử dụng cho việc cung cấp các dịch vụ viễn thông và các dịch vụ thương mại khác, cụ thể là cấp phép bằng hình thức thi tuyển hoặc đấu giá quyền sử dụng tần số.
Trên thế giới đã áp dụng phổ biến các hình thức này trong việc cấp phép băng tần cho thông tin di động. Áp dụng các hình thức này sẽ làm cho việc cấp phép trở nên minh bạch hơn, mang lại lợi ích nhiều hơn cho cộng đồng.
Khi áp dụng các hình thức này, chỉ có những DN có năng lực thực sự mới được cấp phép tần số để khai thác và cung cấp dịch vụ. Vì vậy có thể khắc phục tình trạng một số DN được cấp phép tần số nhưng năng lực tài chính, kỹ thuật và nhân lực hạn chế nên phát triển mạng lưới và dịch vụ chậm, hiệu quả sử dụng tần số thấp.
Để có thể tham gia thi tuyển và đấu giá, các DN nhỏ cần có hình thức liên doanh, liên kết thích hợp.
- Ngoài đấu giá và thi tuyển, những vấn đề mới khác trong Luật Tần số là gì, thưa ông?
Ông Đoàn Quang Hoan: Ngoài đấu giá, thi tuyển đã nói ở trên, dự thảo Luật còn có nhiều nội dung mới so với Pháp lệnh Bưu chính viễn thông. Tôi chỉ xin đề cập đến một số nội dung quan trọng:
Sẽ đẩy mạnh hơn cải cách hành chính, đơn giản thủ tục, tạo điều kiện linh hoạt cho việc sử dụng tần số của người sử dụng, mở rộng các loại thiết bị sử dụng chung không cần cấp phép chỉ quy định điều kiện sử dụng để đảm bảo mục đích hiệu quả, an toàn trong việc sử dụng phổ tần.
Quy định rõ ràng hơn trách nhiệm của tổ chức cá nhân khai thác, sử dụng tần số VTĐ về việc tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn bức xạ điện từ, đồng thời quy định trách nhiệm của Nhà nước về xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn bức xạ điện từ. Luật này sẽ quy định cách thức quản lý cơ bản vấn đề đảm bảo an toàn bức xạ điện từ thông qua ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và yêu cầu kiểm định đối với các đài VTĐ.
Sẽ quy định về hành lang an toàn kỹ thuật của đài VTĐ, cụ thể là đảm bảo các đài VTĐ (đặc biệt là đài định hướng sóng VTĐ, đài thông tin vệ tinh…) không bị che chắn sóng bởi các cấu trúc, công trình xung quanh, làm ảnh hưởng đến tính năng hoạt động của đài...
Và một điểm nữa là việc đăng ký quốc tế về tần số VTĐ và quỹ đạo vệ tinh cũng lần đầu tiên được quy định rõ (sau khi Việt Nam lần đầu phóng vệ tinh viễn thông VINASAT-1. PV), nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của tổ chức, DN trong công tác phối hợp, bảo vệ lợi ích về tần số VTĐ của quốc gia.
Chờ đón một thị trường minh bạch, cạnh tranh hơn
- Theo ông, Luật Tần số ra đời sẽ có những tác dụng, ảnh hưởng, đóng vai trò như thế nào trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước?
Ông Đoàn Quang Hoan: Rõ ràng, một bộ luật ra đời sẽ tạo hành lang pháp lý, bảo đảm cho ngành đó phát triển mạnh mẽ hơn. Tôi cho rằng, việc phát triển thông tin vô tuyến ở Việt Nam sẽ được thúc đẩy phát triển và góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Có một số những tác động quan trọng của Luật mà tôi có thể kể như sau:
Thứ nhất, Luật sẽ thúc đẩy việc ứng dụng các công nghệ hiện đại, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên tần số trong các lĩnh vực viễn thông, phát thanh, truyền hình, dẫn đường hàng không, hàng hải, khoa học, công nghiệp và y tế… Những quy định mới về quy hoạch, giải phóng tần số, cấp phép ngắn hạn, sử dụng chung tần số, miễn cấp phép... sẽ tạo môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho việc ứng dụng các công nghệ vô tuyến mới, có hiệu quả sử dụng tần số cao hơn, dành băng tần cho các công nghệ và dịch vụ mang lại lợi ích kinh tế - xã hội nhiều hơn cho cộng đồng, đồng thời cũng sẽ hạn chế việc sử dụng băng tần quý hiếm cho các công nghệ lạc hậu kéo dài gây lãng phí nguồn tài nguyên tần số.
Điều quan trọng thứ hai, những điểm mới quy định trong luật này, tôi cho rằng sẽ thúc đẩy cạnh tranh hơn trên thị trường dịch vụ thông tin vô tuyến. Trong đó, phương thức cấp phép mới là đấu giá và thi tuyển quyền sử dụng tần số sẽ giúp lựa chọn được những DN có năng lực thực sự, để cung cấp ra dịch vụ tốt nhất, sử dụng hiệu quả tài nguyên phổ tần số. Ngoài ra, việc đấu giá và thi tuyển tần số sẽ khiến tính minh bạch trong cấp phép các băng tần quý hiếm cao hơn. Và hy vọng thị trường dịch vụ thông tin VTĐ sẽ trở nên lành mạnh và có tính cạnh tranh thực sự.
Ngoài ra, Luật ra đời cũng sẽ tăng cường bảo vệ chủ quyền, quyền lợi quốc gia về tần số VTĐ và quỹ đạo vệ tinh. Hoạt động quản lý, sử dụng tần số vốn mang tính quốc tế cao, nên các quy định về vị trí của cơ quan quản lý tần số chuyên ngành, về phối hợp quốc tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam có thể đấu tranh, bảo vệ chủ quyền, quyền lợi của mình về tần số và quỹ đạo vệ tinh. Mặt khác các quy định trách nhiệm của các DN trong việc đăng ký và phối hợp tần số quốc tế và quỹ đạo vệ tinh sẽ tạo thêm nguồn lực để tăng cường khả năng phối hợp quốc tế, bảo vệ các quyền lợi quốc gia trong lĩnh vực này.
Và cuối cùng, nhờ luật này, vấn đề lâu nay người dân vẫn bức xúc là đảm bảo an toàn bức xạ VTĐ sẽ được tăng cường quản lý và quy trách nhiệm rõ ràng hơn. Lần đầu tiên, dự thảo Luật Tần số VTĐ đưa ra các qui phạm qui định về việc cần tuân thủ các quy chuẩn an toàn bức xạ VTĐ và yêu cầu phải kiểm định các công trình phát sóng VTĐ trước khi đưa vào khai thác sử dụng nhằm mức độ an toàn về điện từ cần đạt được, bảo vệ môi trường điện từ trường.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo VietnamNet
Bình luận
Xem lại những nhận định của TTCN về việc cấp phép tần số cách đây gần 2 năm
Cấp phép mạng 3G, những điều đáng suy nghĩ!
article/1069
Hic, phát triển bao giờ cũng là một quá trình, từ xin - cho đến thi tuyển và rồi là đấu giá. Không phải đấu giá là hoàn toàn tốt đâu, nó chỉ phù hợp khi thị trường phát triển ở một mức độ nhất định, và các luật pháp liên quan cung phải thật tốt.
Người ta đã chẳng đã phải thừa nhận hậu quả của việc đấu giá phổ tần 3G ở Anh và Đức đó thôi.