Ngày nào cũng thế, chị Nguyễn Minh Thu (Trương Định, Hà Nội) đều phải chịu cảnh tắc đường khi từ cơ quan về nhà. Nhưng hôm nay thì khác, nhờ một “người bạn” chỉ lối, chị Thu đã cùng chiếc “xế” về nhà nhanh hơn thông lệ…
“Xóa mù” thông tin giao thông
Chị Thu bảo rằng, trước đây, mỗi lần lái ôtô từ cơ quan ở đường Thái Hà về nhà, chị thường bị tắc đường. Có lần, mò được về đến nhà đã 8 giờ tối. Vì thế, mọi chuyện chăm sóc con cái buổi chiều, chồng chị hầu như phải lo cả...
Một lần xe hỏng, chị Thu phải nhờ xe bạn về nhà, chị rất ngạc nhiên khi thấy hệ thống radio trên xe phát ra âm thanh mang tính “dẫn đường.” Từng con đường, đoạn phố đều được thông báo cụ thể về tình trạng người tham gia giao thông, giúp người điều khiển phương tiện biết mà tránh đi vào những đoạn đường đông đúc.
Dò hỏi, chị Thu được hay, đó là sóng phát thanh trên Kênh giao thông của Đài Tiếng nói Việt Nam.
“Thật hữu ích,” chị nói. “Nhờ những thông báo này, giờ tôi đã có thể về nhà chăm sóc con cái sớm hơn.”
Chị cũng nói, giờ thì Kênh Giao thông đã trở thành “người bạn” mỗi khi chị lên xe. Thậm chí đôi lúc chị còn gọi điện đến kênh này và nhờ tư vấn xem đoạn đường nào vắng để tới đích một cách chóng vánh.
Một chủ xe khác cho hay, ngoài việc nhận được thông tin, anh còn thích nghe kênh này bởi nhiều chương trình đặc sắc về giao thông được phát thường xuyên (Văn hóa giao thông, Bánh xe đồng vọng, Xe hỏng tìm ai, Biển báo giao thông, Thức đêm cùng bạn…).
“Thú vị hơn cả, người ta có thể tha hồ nghe và làm theo chỉ dẫn của radio mà chẳng phải đóng bất kỳ khoản lệ phí nào cho ‘người hướng đạo’ này,” anh nói.
Tìm hiểu, phóng viên Vietnam+ được biết, Kênh Giao thông này được hình thành với sự quyết tâm cao độ của “nhà đài,” đặc biệt là Giám đốc Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ - ông Vũ Minh Tuấn.
Trao đổi với Vietnam+, Ông Tuấn nói rằng, ý tưởng thành lập một kênh giao thông đã được ông nung nấu từ lâu. Vượt qua nhiều khó khăn, cuối cùng, một hệ thống công nghệ đã được hoàn tất và đi vào vận hành vào ngày 18/5/2009.
Không chỉ phục vụ cho… nhà giàu
Ông Tuấn nói, với 65 camera ở những nút giao thông quan trọng trong nội đô Hà Nội, những người làm chương trình đã nắm bắt được hầu hết chốt giao thông của Thủ đô.
Với hơn 20 giờ phát sóng mỗi ngày, Kênh Giao thông bố trí hơn 40% thời lượng phát sóng tập trung thông tin chỉ dẫn. Vào những giờ cao điểm, các phát thanh viên đã phát thanh trực tiếp đến thính giả nghe đài (sáng, trưa, chiều).
Ông Tuấn cho biết kênh này cũng đặc biệt chú tâm đến sự tương tác trong việc truyền tải thông tin giao thông. Ở những nơi mà camera của mình không nắm bắt được - khi nhận được yêu cầu của thính giả - “nhà đài” sẽ lên sóng đề nghị thính giả nào tham gia giao thông ở khu vực đó, cập nhật tình hình để đài thông tin tới đông đảo công chúng.
Trên thực tế, những thính giả trung thành với sóng của Kênh Giao thông hiện hầu hết là những người lái xe ôtô. Tuy nhiên, ông Tuấn nói, kênh này không chỉ phục vụ cho… nhà giàu.
Lý giải, ông nói rằng, những người tham gia giao thông, khi sử dụng chiếc điện thoại rẻ tiền, có đài FM cũng sẽ bắt được sóng của kênh này một cách đơn giản.
Trong thời gian tới, ông Tuấn sẽ phối hợp cùng với kênh truyền hình VOVTV, xây dựng website để phát sóng chỉ dẫn khán giả tham gia giao thông. Ngoài ra, đơn vị này cũng tích hợp thông tin cho điện thoại di động với 3 loại hình: tin nhắn SMS, tin nhắn tiếng, hình…
Ông Tuấn tin tưởng, khi những loại hình dịch vụ tiện ích trên được đi vào hoạt động, nhiều người dân sẽ cảm thấy thoải mái và tự tin hơn khi bước ra đường. Mối lo tắc nghẽn giao thông sẽ không còn quá đáng sợ bởi thông tin đường sá sẽ không mù mờ như trước.
Nói về việc, tại sao kênh này chỉ “phủ sóng” ở Hà Nội, ông Tuấn nói rằng, do kinh phí hiện còn khó khăn mà lại không có sự trợ giúp của đơn vị khác. Tuy nhiên, hướng phấn đấu của đơn vị này sẽ là làm suốt quốc lộ 1 để thông tin giao thông Bắc-Nam và các tỉnh, thành phố lớn.
Hiện, lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam đã đồng ý đầu tư hơn 20 tỷ đồng, lắp đặt khoảng 200 camera để thông tin giao thông tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Chị Thu và nhiều lái xe, khi được hỏi, đều nói, họ mong chờ ngày Kênh Giao thông làm được điều ấy. Bởi, không chỉ ở Hà Nội, mà các thành phố lớn khác cũng liên tục xảy ra tình trạng tắc đường mà lời giải cho vấn đề này vẫn đang là bài toán hóc búa.
Kênh phát thanh Giao thông của Đài Tiếng nói Việt Nam do Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ Phát thanh thực hiện trên sóng FM, tần số 91 MHz. Thời lượng phát sóng là 20 giờ/ngày (từ 5h30giờ sáng hôm trước tới 2 giờ sáng hôm sau).
Hiện, người tham gia giao thông có thể tiếp cận thông tin qua radio hoặc gọi điện đến Trung tâm thông tin theo số điện thoại: 04.62729191, 04.62829191, 04.62929191 để nhận được thông tin hữu ích khi tham gia giao thông trên đường phố Hà Nội.
Theo Vietnam+
Bình luận