Thông báo của SCTV về việc chuyển các kênh CNN và BBC qua truyền hình số

Liên tục thời gian gần đây, nhiều người xem truyền hình tại TP.HCM thường xuyên gặp phải tình trạng các kênh truyền hình cáp quen thuộc của mình bị thay đổi vị trí. Có người phải dò lại toàn bộ kênh mới biết vị trí mới, nhưng cũng có người dò lại rồi thấy mất hẳn.

Đem thắc mắc đến nhà đài thì chỉ nhận được những giải thích chung chung là vì phải “thay đổi vị trí các kênh để nâng cao chất lượng phục vụ” hay “chưa thương thảo được bản quyền phát sóng nên tạm thời cắt”, “kênh có quá ít người xem nên cắt để thay kênh khác vào”...

Điệp khúc thay đổi và cắt

Khách hàng Nguyễn Lê Quang Anh cho biết: “Sáng 2-7, tôi bật kênh HTV2 trên hệ thống truyền hình cáp SCTV thì thấy dòng thông báo kênh HTV2 sẽ bị cắt vào ngày 1-8 để thay vào kênh CVTV2 của Cần Thơ. Tôi cảm thấy rất bức xúc và khó hiểu khi đang sống tại TP.HCM mà lại không được xem đầy đủ các kênh của HTV. Gần đây, các kênh MTV (kênh âm nhạc), Super Sport 3 (kênh chuyên về bóng đá), MATV và Celestial Movies (kênh phim Hong Kong) cũng lần lượt bị cắt bỏ”. Anh Quang Anh cho rằng nhà đài không thể biện hộ lý do bản quyền hay tín hiệu xấu để cắt kênh một cách tùy tiện như vậy, “nhất là khi kênh HTV2 vốn đã quá quen thuộc với người dân TP.HCM từ nhiều năm qua”.

Khách hàng Hồ Tấn (quận Gò Vấp, TP.HCM) cũng bức xúc không kém: “Tại sao HTVC tùy tiện thay đổi thứ tự kênh và cắt kênh BBC vô tội vạ như vậy? Trước đây việc phân chia các kênh theo thứ tự gộp nhóm gần nhau rất thuận tiện cho khách hàng, như: nhóm tin tức tiếng Anh gồm NHK World, BBC News, Bloomberg liền kề nhau; kênh phim nước ngoài HBO, Star Movies, Cinemax. Nhưng từ ngày 11-7 thì kênh BBC bị cắt. Thứ tự kênh thay đổi mà không rõ vì mục đích gì.

Các kênh không còn được gộp nhóm như trước mà thay đổi loạn xạ, gây bất tiện cho người dùng. Các kênh bị phân tán một cách khó hiểu: Cinemax nằm ở kênh 28, nhưng HBO và Star Movies lại nhảy đến kênh 60 và 62”. Người dùng đều chung ý kiến rằng việc thay đổi các kênh liên tục của các nhà đài sẽ làm “các kênh xáo trộn lẫn nhau, ảnh hưởng đến tâm lý khi xem truyền hình. Nhà đài phải xem lại đã tôn trọng khách hàng của mình hay chưa”.

Giá tăng, chất lượng phục vụ giảm

Trước đây, rất nhiều người dùng đã phản ảnh mạnh mẽ về tình trạng chất lượng truyền hình cáp xuống cấp. Mặc dù các nhà đài không ngừng thông báo nâng cấp chất lượng nhưng đến giờ có vẻ vẫn chưa cải thiện được nhiều. Người dùng vẫn còn bức xúc về tình trạng chất lượng hình ảnh và âm thanh của một số kênh: “kênh VTV1 xuống cấp trầm trọng!”, “kênh Bloomberg không thể nghe được vì rè ở mức khó chấp nhận”...

Nhiều người dùng cùng chung phản ảnh khi mở những kênh truyền hình yêu thích như HBO, Star Movies, Star Sports... trên SCTV đều có một hàng chữ quảng cáo chen ngang, thậm chí có chương trình còn bị cắt để chen quảng cáo. Việc cắt giảm, thay thế kênh làm khách hàng cảm thấy bị xem thường theo kiểu “muốn cho gì thì phải xem nấy”.

Một số phụ huynh bức xức về kênh Bibi vốn dành cho thiếu nhi: “Không hiểu lý do gì mà giờ đây hoàn toàn không còn tìm thấy kênh Bibi trên hệ thống truyền hình SCTV nữa, thay vào đó là kênh Sao TV với hàng loạt quảng cáo theo kiểu “dụ dỗ” trẻ em gọi điện thoại để gặp chị Thỏ Hồng”. Nhiều khách hàng khác cũng thắc mắc việc SCTV thông báo từ 1-9-2009 sẽ chuyển các kênh CNN và BBC vào hệ thống truyền hình số mà không phát trên analog nữa, nhưng khi hỏi SCTV thì họ vẫn không có câu trả lời rõ ràng.

Phát cho đối tượng hạn chế?

Theo thông tin chúng tôi có được, sau khi Sở Thông tin - truyền thông thông báo việc rà soát thông tin và phát hiện 34 kênh truyền hình của HTVC không có giấy phép thì đơn vị này đã cắt một loạt kênh truyền hình để chờ giấy phép.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Đức Hùng, giám đốc HTVC, cho biết: “Việc sắp xếp lại kênh gồm hai lý do. Một là các kênh như BBC... phải phát cho một số đối tượng hạn chế theo quy định của Bộ Thông tin - truyền thông. Hai là giá bản quyền tăng như kênh Play House sau một thời gian được ưu đãi thì bản quyền đã tăng giá đến năm lần nên chúng tôi không thể kham nổi, buộc lòng phải đưa những kênh này vào truyền hình số để quản lý trả theo người sử dụng.

Vừa qua, theo chỉ đạo của Sở Thông tin truyền thông TP.HCM, sau khi rà soát 34 kênh chúng tôi thấy chỉ có năm kênh chưa có phép, trong đó có bốn kênh (từ BTV2 đến BTV5) của Đài Bình Dương và ĐN2 của Đài Đồng Nai, thì chúng tôi đã cắt. Tháng 7 vừa qua Bộ Thông tin - truyền thông đã cấp phép cho HTVC được phát 42 kênh trong nước và 53 kênh nước ngoài, trong đó có 34 kênh trả tiền. Hiện có 23 kênh đang được chúng tôi bao cấp phát sóng nhưng không biết việc bao cấp này sẽ kéo dài bao lâu”.

Trong khi đó, dù cố gắng liên lạc với lãnh đạo SCTV nhưng đơn vị này vẫn chưa chính thức trả lời các thắc mắc.

(Theo Tuổi trẻ online)



Bình luận

  • TTCN (0)