Sở Thông tin và truyền thông (TT&TT) TP.HCM vừa kiến nghị Bộ TT&TT giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động truyền hình, trong đó có việc ban hành và công khai thủ tục cấp phép hoạt động truyền hình cáp, thủ tục bổ sung kênh truyền hình cáp. Theo sở này, làm như vậy nhằm thúc đẩy phát triển, ngăn chặn tiêu cực.
Sở TT&TT TP cho biết đầu tháng 7/2009 đã yêu cầu Đài truyền hình TP.HCM (HTV) rà soát các kênh truyền hình cáp, với những kênh truyền hình đang phát sóng không phép thì phải ngưng. Tuy nhiên chỉ trong vòng 15 ngày, HTV đã được cấp giấy phép cho hơn 50 kênh mới, trong đó có 32 kênh đang phát sóng không có giấy phép và nhiều kênh khác chưa phát sóng.
Sở TT&TT TP cho rằng việc nhiều kênh truyền hình đã được cấp phép mà không thông qua cơ quan chủ quản, cấp phép dồn dập trong thời gian ngắn, cấp phép không căn cứ vào năng lực của đơn vị xin phép dẫn đến nhiều bất cập trong hoạt động truyền hình tại TP.HCM.
Cũng tại văn bản này, Sở TT&TT TP kiến nghị bộ yêu cầu VTC báo cáo việc phát triển truyền hình kỹ thuật số (digital) thời gian qua, đồng thời kiểm điểm vi phạm pháp luật về việc phát truyền hình kỹ thuật tương tự (analog) không phép trong thời gian dài. Sở đề nghị có biện pháp xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, yêu cầu VTC ngưng phát một kênh truyền hình tương tự còn lại tại Hà Nội.
Kiến nghị không cho phát sóng truyền hình analog
Đặc biệt, Sở TT&TT còn đề nghị bộ không kiến nghị Chính phủ cho phép VTC phát sóng truyền hình analog. Lý do: mục đích thành lập VTC là để thí điểm và phát triển truyền hình kỹ thuật số. Thế nhưng VTC lại phát truyền hình theo kỹ thuật cũ lạc hậu (analog).
Sở cũng cho rằng việc cho phép VTC phát sóng truyền hình analog tiếp tục sẽ sai với quy hoạch truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình được Thủ tướng phê duyệt tháng 2/2009, đồng thời gây khó khăn cho cơ quan quản lý của địa phương và không được sự đồng tình của các đài truyền hình VTV, HTV.
Ngoài ra, cho phép phát truyền hình kỹ thuật analog còn gây lãng phí lớn về tần số, hiện đã hết tần số dành cho truyền hình, trong khi việc phát sóng truyền hình kỹ thuật analog sử dụng tần số hiệu quả không cao: một tần số chỉ phát được một kênh truyền hình, trong khi kỹ thuật số, một tần số phát được 12-16 kênh truyền hình.
Sở TT&TT TP cho rằng VTC đưa ra lý do tiếp tục phát kênh analog để phục vụ người nghèo hoặc ở vùng sâu vùng xa là không thuyết phục. Theo đó, trong sáu địa phương mà VTC đang phát sóng truyền hình analog thì có năm thành phố trực thuộc trung ương, những nơi có tỉ lệ hộ nghèo rất thấp.
Sở TT&TT TP nhấn mạnh việc đề nghị riêng cho VTC phát truyền hình analog có thể tạo môi trường hoạt động không bình đẳng khi HTV phải ngưng phát ba kênh analog không phép và Đồng Nai cũng ngưng phát một kênh analog không phép. Các đài truyền hình này là những đơn vị đã được phép phát analog, vừa qua chỉ phát thêm các kênh analog. Còn VTC được giao nhiệm vụ chỉ phát kỹ thuật số nhưng phát nhiều kênh analog không phép. Như vậy, sai phạm của VTC có thể nói là trầm trọng hơn nhưng lại được ưu tiên hơn.
Sở TT&TT TP cho biết thời gian qua đã xử lý các hành vi vi phạm của VTC như: phát sóng một kênh truyền hình sai giấy phép và phát sóng ba kênh truyền hình không có giấy phép. Sở buộc VTC phải phát đúng tần số một kênh truyền hình, xử phạt vi phạm và buộc ngưng phát ba kênh truyền hình không phép. VTC đã sử dụng đến 105 tần số, trong đó có 51 tần số không phép. VTC cũng phát 14 kênh truyền hình analog tại các địa phương: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Kiên Giang và Cần Thơ. Trong 14 kênh này có năm kênh có giấy phép phát sóng truyền hình kỹ thuật số nhưng thực tế VTC phát sóng analog, chín kênh phát sóng analog khác cũng đều không có giấy phép. Đến nay VTC đã ngưng hầu hết các kênh analog, chỉ còn một kênh tại Hà Nội.
Sở TT&TT TP cũng đã xử phạt vi phạm hành chính Công ty SCTV về hành vi phát 29 kênh truyền hình không có giấy phép, buộc ngưng phát các kênh truyền hình này. HTV cũng bị phạt vì phát 32 kênh truyền hình không có giấy phép.
Xin cấp phép rất khó
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Quang Nguyên, giám đốc Đài PT-TH Vĩnh Long, cho biết: “Bộ TT&TT có quy định mỗi tỉnh chỉ được một kênh truyền hình, những trường hợp đặc biệt có thể có nhiều hơn một kênh, chẳng hạn như TP.HCM hay Hà Nội. Bộ cũng không công khai thủ tục cấp phép kênh truyền hình cho các tỉnh nên việc xin cấp phép thêm một kênh truyền hình hiện nay là rất khó khăn”.
Đối với đài truyền hình được cấp phép nhiều kênh, ông Nguyên nói: “Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết thực tế hiện nay có một số đài xin nhiều kênh truyền hình chỉ nhằm để “liên kết” với các doanh nghiệp. Có đài lúc xin giấy phép thì lấy nội dung kênh là dành cho thể thao, thiếu nhi, gia đình... này nọ nhằm dễ thuyết phục để được cấp phép. Đến khi có giấy phép rồi đưa cho tư nhân làm với nội dung biến đổi hoàn toàn. Có đài mang tiếng làm truyền hình nhưng “sống” chủ yếu bằng tiền bán kênh cho các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp tư nhân lại đổ xô vào làm truyền hình, mục đích chỉ vì lợi nhuận là miếng bánh quảng cáo rất béo bở chứ không phải vì làm nội dung truyền hình đích thực”.
Hiện nay có một thực tế là nhiều đơn vị thật sự muốn tham gia làm truyền hình nhưng vẫn chưa rõ ràng về thủ tục và cách thức. Việc cấp phép cần phải được công khai, có quy định rõ ràng, có điều kiện ràng buộc rõ ràng, đơn vị nào đủ điều kiện sẽ được làm. Họ làm được hay không khán giả sẽ quyết định, sự cạnh tranh sẽ tự động đào thải những đơn vị không đủ khả năng.
(Theo Tuổi trẻ online)
Bình luận