Trong khi nền kinh tế Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi suy thoái thì số thuê bao và nhu cầu sử dụng dịch vụ GPRS lại tăng mạnh Các mạng di động đang đồng loạt tung ra gói cước GPRS không giới hạn để đáp ứng nhu cầu này.

Giới chuyên môn cho rằng, nếu như các dịch vụ khác bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế thì lĩnh vực thông tin di động vẫn đang là “con gà đẻ trứng vàng” bởi nhu cầu của xã hội đang tăng mạnh. Trên thực tế, trong lĩnh vực thông tin di động đang có sự chuyển dịch nhu cầu tương đối rõ rệt sau khi các mạng di động tuyên bố phủ sóng GPRS và EDGE trên toàn quốc. Nếu như trước đây doanh thu của các mạng di động chủ yếu là thoại thì cho đến thời điểm này, các mạng di động đều khẳng định doanh thu từ dữ liệu đã chiếm vị trí tương đối tốt trong tổng doanh thu của họ.

Đại diện MobiFone cho biết, hiện lưu lượng dịch vụ GPRS tăng rất mạnh bởi nhiều khách hàng sử dụng các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền GPRS. “Nếu so với năm ngoái thì thời điểm này, lưu lượng dịch vụ GPRS đã tăng gấp đôi. Hiện mạng MobiFone đang có khoảng 3 triệu thuê bao thường xuyên sử dụng dịch vụ GPRS. Cho dù kinh tế có bị suy thoái, nhưng nhưng điều đó không mấy ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng bởi các chỉ số thông kê cho thấy doanh thu cả thoại và dữ liệu vẫn tăng trưởng tốt” một đại diện MobiFone nói.

Đồng tình với MobiFone, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó giám đốc Viettel Telecom khẳng định, cho dù kinh tế suy thoái nhưng việc tăng trưởng của dịch vụ dữ liệu là tất yếu vì ngày càng có nhiều dịch vụ giá trị gia tăng dựa trên GPRS. Ông Dũng còn cho rằng, sắp tới chắc chắn nhu cầu này tiếp tục tăng mạnh vì các mạng di động chuẩn bị cung cấp dịch vụ 3G. Lúc đó, tốc độ truy cập dịch vụ dữ liệu trên mobile có thể tương đương với dịch vụ ADSL. Vì vậy, chắc chắn trong thời gian tới doanh thu từ dịch vụ này sẽ chiếm vị trí đáng kể trong tổng doanh thu của các mạng di động.

Khác với MobiFone và Viettel, phía VinaPhone cho biết, nhu cầu sử dụng dịch vụ dữ liệu đang tăng nhưng không có đột biến như các mạng di động khác. Thế nhưng phía VinaPhone cũng khẳng định chắch chắn nhu cầu này sẽ tăng mạnh trong thời gian tới vì ngày càng có nhiều ứng dụng trên mạng di động và các mạng di động sẽ triển khai 3G vào năm tới.

Đón trước nhu cầu sử dụng dịch vụ GPRS ngày càng tăng, nhiều mạng di động đã thiết kế gói cước không giới hạn cho các thuê bao di động sử dụng dịch vụ này của mình. Mới đây, MobiFone đã tung ra gói cước không giới hạn về dung lượng dành cho các thuê bao trả trước với tên gọi GPRS Unlimited. Với gói cước này khách hàng chỉ phải trả phí là 137.500 đồng/tháng. MobiFone cho biết, gói cước GPRS Unlimited nhằm vào những đối tượng khách hàng năng động, ưa thích các tiện ích công nghệ cao.

Đặc biệt, gói cước này giúp khách hàng vừa kiểm soát được chi phí sử dụng GPRS hàng tháng, vừa có thể sử dụng không giới hạn các tiện ích mà GPRS mang lại, như: kết nối Internet qua điện thoại di động để nhận và gửi email, đọc tin tức, truy cập các website, và tải các tiện ích, phần mềm, sử dụng các dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại di động... Để sử dụng GPRS Unlimited, các thuê bao trả trước của MobiFone chỉ việc đăng ký hoặc thông báo ngừng sử gói cước này một cách đơn giản bằng tin nhắn cho nhà cung cấp dịch vụ.

Cùng với MobiFone, VinaPhone cũng tung ra gói cước GPRS không giới hạn có mức cước tương tự như mạng MobiFone với mức cước là 113.636.000 đồng/tháng. VinaPhone hy vọng với gói cước này sẽ là động lực kích cầu khách hàng sử dụng dịch vụ GPRS trong thời gian tới. Không nằm ngàoi cuộc chạy đua này, phía Viettel tung ra gói cước không giới hạn D300 với mức cước 300.000 đồng/tháng.

Cùng với việc tung ra gói cước không giới hạn cho những khách hàng sử dụng dịch vụ dữ liệu trên Mobile, các mạng di động cũng đồng loạt tung ra dịch vụ lướt net trên laptop qua sóng Mobile. Phía Viettel và MobiFone cho biết, tuy nhu cầu sử dụng dịch vụ này không nhiều bằng việc các thuê bao lướt net trên “dế” của mình, song nó sẽ đáp ứng được nhu cầu khách hàng thường xuyên di chuyển và nhưng vẫn muốn lướt net trên laptop của mình.

(Theo Dân trí)



Bình luận

  • TTCN (0)