Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện nhân: "Triển vọng quốc gia và năng lực cá nhân phải kết hợp hài hòa với nhau". Ảnh: Trần Hải.

"Các nhà quản lý phải là người có ý tưởng táo bạo, thực tiễn mới có thể thực hiện những đột phá, đưa CNTT lên một tầm cao mới", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định với sinh viên rằng, Chính phủ đang rất coi trọng phát triển CNTT- TT, mục tiêu đưa CNTT- TT thành ngành kinh tế mũi nhọn bởi những tác dụng không thể phủ nhận của nó trong việc mang lại hiệu quả kinh tế cao cho mọi ngành nghề khác, góp phần vào việc thúc đẩy sự phát triển của trình độ tư duy, dân trí. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn tồn tại thực tế là CNTT- TT chưa đạt được xứng tầm bởi những yếu tố khách quan và chủ quan. Do đó, trong định hướng của Nhà nước từ nay đến năm 2020, CNTT sẽ phải có những bước tăng tốc và đột phá quyết liệt, mạnh bạo để có thể tạo nên một diện mạo mới.

Là Trưởng ban chỉ đạo CNTT quốc gia, Phó Thủ tướng cũng bày tỏ quan điểm của một nhà hoạch định rằng, muốn phát triển CNTT- TT cần phải kết hợp 3 yếu tố: Thứ nhất, phải nắm chắc nhu cầu thị trường, trong nước (như phần mềm, công nghiệp CNTT, CPĐT…) và quốc tế để từ đó phát triển và khai thác hiệu quả các lĩnh vực thế mạnh trong CNTT. Thứ hai, sẵn sàng nhân lực cho CNTT- TT tại mọi thời điểm với năng lực thích ứng tốt nhất. Người Việt Nam ham học, năng lực tư duy tốt, nếu được đào tạo đúng hướng sẽ làm nên kỳ tích về sức mạnh nguồn lực để phát triển ngành CNTT- TT và toàn bộ nền kinh tế nói chung. Chính các nhà quản lý phải là người có ý tưởng táo bạo và thực tiễn mới có thể thực hiện những bước đột phá, đưa CNTT nước nhà lên một tầm cao mới. Thứ ba, chính phủ có chương trình mục tiêu với CNTT là định hướng mũi nhọn để từ đó phát triển các chủ trương xoay quanh, lấy CNTT làm nền, và từ đó hướng ra phát triển các chỉ tiêu chính trị, kinh tế, công nghệ...

Ảnh
Giao lưu với sinh viên, Phó Thủ tướng chi sẻ: Việc lựa chọn theo ngành CNTT hay không còn phụ thuộc vào năng lực bản thân, tùy thuộc mỗi cá nhân nhận định về khả năng tư duy mà từ đó lựa chọn cho mình định hướng về nghề nghiệp và mục tiêu.Ảnh: Trần Hải.

Khi được hỏi nếu trẻ lại, ông có chọn CNTT làm lựa chọn nghề nghiệp không? Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Việc lựa chọn CNTT hay không còn phụ thuộc vào năng lực bản thân, tùy thuộc mỗi cá nhân nhận định về khả năng tư duy mà từ đó lựa chọn cho mình định hướng về nghề nghiệp và mục tiêu. Mỗi thời đại là một định hướng với chiến lược riêng của từng thời điểm, do đó, nếu cách đây 30 năm, thời của Phó Thủ tướng, CNTT chỉ là thủa sơ khai với nền tảng là những máy điện toán đục lỗ thì hiện nay nó đã là một ngành kinh tế tiềm năng và hiện đại, thay đổi từng giờ. Và Phó Thủ tướng lấy ví dụ bằng chính việc con trai đang theo học tiến sỹ ngành CNTT là đại diện của mình trong thời đại ngày nay, bởi chính những sinh viên, kỹ sư của Việt Nam hiện nay mới là đại diện của CNTT hiện đại.

Cuối cùng, muốn phát triển CNTT, Phó Thủ tướng khẳng định: Triển vọng quốc gia và năng lực cá nhân phải kết hợp hài hòa với nhau.

Nói đến vai trò của quản lý nhà nước trong việc thúc đẩy Internet, mang cả thế giới tìm tòi sáng tạo đến với lớp trẻ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng chia sẻ: Vai trò của Nhà nước rất quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế, thông tin. Tuy nhiên, cần khẳng định rằng, yếu tố quan trọng nhất là từ bản thân mỗi người. Nếu mỗi cá nhân đều có nhận thức tư duy tốt, đúng đắn thì Internet sẽ là nguồn tài nguyên quý báu giúp phát triển cá nhân và từ đó phát triển đất nước. Còn nếu lợi dụng Internet để khai thác các chiều hướng xấu thì đây là mặt trái tiêu cực và dẫn đến những kết quả khôn lường.

"Do đó, một nhiệm vụ quản lý không kém phần quan trọng chính là việc giáo dục mỗi thành phần tham gia phải có nhận thức tốt, tư duy đúng để từ đó biết cách vận dụng hiệu quả tài nguyên Internet vào công cuộc phát triển chung", ông Hồng nói.

(Theo Vietnamnet)



Bình luận

  • TTCN (0)