“Việt Nam đang ở trong một vị thế rất thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp nội dung và dịch vụ số, bởi giới trẻ Việt Nam rất sành và mê công nghệ. Đây là một lợi thế mà không phải quốc gia đang phát triển nào cũng có được.”
Lời nhận định của ông Frank Donovan, Giám đốc USAID Việt Nam trên sân khấu diễn đàn WITFOR 2009 đã khiến nhiều cử tọa bên dưới cảm thấy "nức lòng", bởi ngành công nghiệp nội dung số (DCI) đang được xác định là một hướng phát triển đầy tiềm năng, hứa hẹn và cũng nhận được sự hậu thuẫn về chiến lược từ Chính phủ Việt Nam. Nhận định khách quan từ một chuyên gia quốc tế, đến từ một quốc gia có nền công nghiệp công nghệ phát triển như Mỹ đã giúp cho những ai quan tâm tới DCI củng cố thêm niềm tin.
Dù chưa thể phát triển tương xứng với kỳ vọng, song thời gian qua, thị trường DCI Việt Nam cũng đã tạo được nhiều dấu ấn đáng khích lệ. Hiện tại, bốn lĩnh vực đem lại doanh số lớn cho DCI Việt Nam là: nội dung cho mạng di động; game; quảng cáo Internet và thương mại điện tử. Trong đó, doanh thu lĩnh vực nội dung cho mạng di động vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất. Nhiều chuyên gia kỳ vọng với việc Chính phủ vừa chính thức cấp phép 3G, ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam sẽ có một cú hích cần thiết và đủ mạnh để "bùng nổ" trong thời gian tới.
Theo ông Donovan, dự đoán về thời cơ của DCI Việt Nam hoàn toàn có căn cứ và không hề chủ quan, bởi tốc độ phổ cập băng thông rộng tại Việt Nam đang ở mức "chóng mặt". Khả năng truy cập, tiếp cận Internet ngày càng dễ dàng, hợp túi tiền với phần đa người dân là một nền tảng hết sức quan trọng, theo ông, để có thể xây dựng và phát triển ngành công nghiệp ICT bền vững. Tuy nhiên, căn cứ trên tình hình và năng lực thực tế, ông đã khuyến nghị Việt Nam nên tập trung cho lĩnh vực nội dung & dịch vụ số.
Những kế sách mà ông "hiến kế" tại WITFOR 4 cũng nhận được sự tán thưởng từ giới chuyên gia, bởi rất thực chất và khá cụ thể. "Muốn Việt Nam sở hữu được một ngành công nghiệp nội dung số xứng tầm khu vực, bản thân các nội dung mà doanh nghiệp cung cấp phải đạt tới độ cuốn hút, hấp dẫn tối đa. Chỉ có như vậy, họ mới có thể thuyết phục và giữ chân người dùng lâu dài. Xuất phát từ nội lực, như vậy, chính là điểm quan trọng nhất.
Tương tự, các dịch vụ cũng phải hết sức thiết thực, có giá trị và đem lại lợi ích cho người dùng. Nói một cách khác, doanh nghiệp cần trả lời rõ câu hỏi "Tôi nhận được gì?" từ phía khách hàng. Và các dịch vụ công điện tử, theo ông Donovan, chính là một xuất phát điểm rất tốt.
Nhận định về những bước chập chững phát triển của thị trường nội dung - dịch vụ số Việt Nam vài năm qua, ông Donovan đánh giá cao vai trò của khu vực tư nhân. "Họ rất nhanh nhạy và sáng tạo trong các nội dung, dịch vụ cung cấp, từ giải trí, thông tin cho đến giá trị gia tăng". Ông tin chính các doanh nghiệp tư sẽ tạo ra một động lực mạnh để thúc đẩy toàn bộ guồng quay lớn, hút vốn đầu tư và buộc các "đại gia công" phải vắt sức cạnh tranh.
Trên thực tế, nội dung và dịch vụ được các nhà hoạch định chính sách Việt Nam "đôn" lên ngang ngửa với những thị trường khổng lồ như viễn thông, phần cứng, phần mềm, điện tử với tư cách các trụ cột của ngành công nghiệp ICT tương lai.
Còn nhớ cách đây vài năm, cựu Bộ trưởng BCVT Đỗ Trung Tá từng khuyến cáo rằng: "Các hãng, tập đoàn lớn của nước ngoài chưa chắc đã tập trung vào lĩnh vực mà chúng ta nghĩ là hạ tầng mạng, mà có thể họ sẽ chuyển hướng sang nội dung số". Khi ấy, ông Tá đã nhấn mạnh rằng chính nội dung số mới là "mảnh đất màu mỡ nhất", đầu tư ít, không quá lệ thuộc vào hạ tầng mà lại thu về lợi nhuận cao.
Chia sẻ với VietNamNet, ông Phạm Mạnh Lâm, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông Việt Nam cũng cho biết mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2010, tổng giá trị sản lượng của ngành công nghiệp ICT sẽ đạt 6-7 tỷ USD. Trong đó, riêng thị trường nội dung và dịch vụ sẽ chiếm khoảng 8%, tương đương với 560 triệu USD.
Còn trong đề cương Tăng tốc của Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông, mục tiêu tổng quát từ nay đến năm 2015 là phải phát triển được công nghiệp nội dung số thành một ngành kinh tế trọng điểm, đóng góp nhiều cho GDP. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng phải đạt trung bình từ 35-40%/năm. Thị trường phải xây dựng được từ 10-20 doanh nghiệp nội dung số thực sự mạnh.
Dĩ nhiên, điều khó khăn nhất là triển khai những mục tiêu này vào thực tiễn, để chúng không chỉ là những số liệu chết cứng và duy lý trí trên giấy. Muốn ngành công nghiệp DCI thực sự phát triển, doanh nghiệp cung cấp nội dung cần nhận thức rõ lợi nhuận và hiệu quả đầu tư mà họ có thể đạt được, để rồi từ đó dồn công dồn sức vào làm cho "ra ngô ra khoai". Bên cạnh đó, chính sách pháp luật của Việt Nam cần tạo được một hành lang pháp lý an toàn, bình đẳng cho doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp nước ngoài. Việc các doanh nghiệp VN thường bị cơ quan hữu trách quản lý rất chặt, trong khi việc quản lý các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh nội dung số tại Việt Nam lại quá lỏng lẻo, mà trường hợp Yahoo Việt hóa chính là một thí dụ điển hình, các chuyên gia tư vấn.
Phát biểu một cách thẳng thắn trên sân khấu diễn đàn WITFOR 4, Tiến sĩ Alexander Ntoko, Giám đốc bộ phận Chiến lược tập đoàn của ITU, thừa nhận ông "thực sự ấn tượng với tiến trình phát triển ICT của Việt Nam từ năm 2002 trở lại đây". Mặc dù vậy, ông chờ đợi hơn nữa ở những lĩnh vực "nóng" như y tế điện tử, giáo dục điện tử, thương mại điện tử và nhất là chính phủ điện tử. Ông Nkoto đánh giá kinh nghiệm xây dựng và phát triển ngành công nghiệp CNTT của Hàn Quốc mà cựu Bộ trưởng Truyền thông và Công nghệ nước này mang tới WITFOR rất gần gũi và hữu ích với Việt Nam, từ việc hoạch định chính sách, chuẩn bị nhân lực, huy động tài chính, kêu gọi sự tham gia của cộng đồng...
"Nếu các bạn rút ra được những kinh nghiệm phù hợp và triển khai một cách đúng đắn, có tính toán, chắc chắn triển vọng thị trường Việt Nam sẽ rất rộng mở", ông Nkoto kết luận.
Theo VietNamNet
Bình luận