Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu. Mặc dù chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam năm nay tụt 5 bậc nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia ở nửa trên bảng xếp hạng về sáng tạo. Ngoài ra, Việt Nam trong top 12 chi cho công nghệ hiện đại.

Hôm nay, tại thành phố Đại Liên (Trung Quốc), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã công bố báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Report 2009-2010). Theo báo cáo này, Việt Nam xếp hạng 75 trong tổng số 133 nền kinh tế so với hạng 70/134 của năm ngoái. WEF đánh giá năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế dựa trên 12 trụ cột: Cơ sở hạ tầng, sự ổn định của kinh tế vĩ mô, Thể chế, Y tế và giáo dục tiểu học, Giáo dục Đại học và dạy nghề, Sự hiệu quả của thị trường hàng hóa, Thị trường lao động, Sự phức tạp của thị trường tài chính, Sự sẵn sàng về công nghệ, Quy mô thị trường, Sự phức tạp trong kinh doanh và Khả năng sáng tạo.

WEF nhận xét tụt hạng năng lực cạnh tranh là tình trạng chung của nền kinh tế thế giới do tác động của khủng hoảng kinh tế, trong đó các nền kinh tế lớn như Mỹ, Hàn Quốc, Đan Mạch, Hà Lan. Các nước trong khu vực Đông Nam Á bị tụt hạng có thể kể đến Thái Lan (tụt 2 hạng), Malaysia (tụt 2 hạng), Philippines (tụt 16 hạng).

Theo WEF, các yếu tố ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế cũng như năng lực cạnh tranh của Việt Nam là sự gia tăng của thâm hụt thương mại, nền kinh tế phát triển nóng, giá hàng hóa, nguyên vật liệu toàn cầu gia tăng khiến tỷ lệ lạm phát của Việt Nam tăng đến mức 23%. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến chỉ số lòng tin của người tiêu dùng suy giảm, lãi suất hay bị thay đổi và đồng VND mất giá.

Mặc dù bị tụt hạng về năng lực cạnh tranh tổng thể, nhưng theo đánh giá của WEF, Việt Nam được xếp hạng khá cao về sáng tạo. Trong số 133 nền kinh tế, trụ cột Sáng tạo của Việt Nam xếp hạng 44.

Cụ thể, Năng lực sáng tạo xếp thứ 33, đạt 3,7 điểm (7 là cao nhất, điểm trung bình là 3,3); Chất lượng của các viện nghiên cứu khoa học xếp hạng 64, đạt 3,7 điểm (điểm trung bình 3,9); Chi tiêu của doanh nghiệp cho nghiên cứu và phát triển (R&D) xếp thứ 27, đạt 3,8 điểm (điểm trung bình 3,3); Hợp tác ngành với đại học về R&D xếp thứ 59, đạt 3,5 điểm (trung bình 3,6); và Nguồn lực sẵn có về kỹ sư và nhà khoa học hạng 62, đạt 4,2 điểm (trung bình 4,1).

Đặc biệt, chỉ số Chi tiêu của Chính phủ cho các sản phẩm công nghệ hiện đại của Việt Nam xếp hạng 11, đạt 4,5 điểm (trung bình 3,6), trên cả Trung Quốc, Anh, Hàn Quốc…

Về Trụ cột sẵn sàng về công nghệ, Việt Nam xếp hạng 73. Trong đó, chỉ số Sự sẵn có các công nghệ mới nhất của Việt Nam đứng hạng 81, đạt 4,5 điểm (trung bình là 4,9); Trình độ công nghệ của doanh nghiệp xếp hạng 51, đạt 5,1 điểm (trung bình là 4,8); Luật pháp liên quan đến ICT xếp hạng 70, đạt 3,8 điểm (trung bình là 4); Đầu tư trực tiếp nước ngoài và chuyển giao công nghệ hạng 48, đạt 5 điểm (trung bình 4,7); Mật độ thuê bao điện thoại di động/ 100 dân xếp hạng 79, đạt mật độ 79,1; Dự tính mật độ người dùng Internet trên 100 dân là 20,5, xếp hạng 76; Số máy tính cá nhân trên 100 dân là 9,5, xếp hạng 62; Mật độ thuê bao băng rộng Internet trên 100 dân là 1,5, xếp hạng 77.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)