Bộ thiết bị đầu cuối tại nhà của 1 hộ dân. Ảnh: VNN/Anh Chiến.

Sau một năm triển khai, chiều hôm qua (20/9), chương trình thử nghiệm công nghệ băng rộng WiMAX tại Lào Cai đã kết thúc giai đoạn 1. Ba đơn vị phối hợp thực hiện là Tập đoàn VNPT, USAID và Intel đã tiếp tục công bố giai đoạn 2.

Giai đoạn 1: Đủ kinh nghiệm để triển khai thực tế

Ngày 27/10 năm ngoái, thử nghiệm giai đoạn 1 đã bắt đầu với 19 điểm, trải dài trong bán kính 5 km tại thị xã Lào Cai và khu vực lân cận, bao gồm: 6 trường học, 3 điểm công cộng, 2 trạm y tế, 5 đơn vị hành chính địa phương, 2 DN nhỏ và 1 hộ nông dân. Các thiết bị được kết nối bao gồm cả máy tính và điện thoại VoIP. Những người sử dụng Internet băng rộng và thoại IP tại các điểm này được hoàn toàn miễn phí.

Tổng kết sau 1 năm thử nghiệm, ông Phạm Anh Chiến, kỹ sư của công ty VDC (thuộc VNPT) cho biết: người dân tại các điểm Bưu điện Văn hóa xã, các trường học và tại nhà 1 hộ dân là 3 nơi có nhu cầu sử dụng WiMAX nhiều nhất, sau đó mới tới các cơ quan chính quyền và các doanh nghiệp. Lý do là bởi: người dân Lào Cai chủ yếu sử dụng băng thông rộng WiMAX để gọi điện thoại VoIP miễn phí. Trong khi đó, nhu cầu gọi điện thoại tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp không nhiều, vì họ có đường thoại cố định rồi.

Ảnh
Thiết bị tiếp sóng tại các cột anten rất cao. Ảnh: A.C.

Ông Chiến cũng cho biết, tốc độ truy nhập Internet tốc độ cao ở khoảng cách xa khá tốt, chất lượng thoại VoIP cũng tạm chấp nhận được với chi phí rẻ, dịch vụ truyền số liệu rất tốt, còn Wi-Fi Phone thì chưa được tốt lắm.

Những thách thức được đặt ra sau khi kết thúc giai đoạn 1 thử nghiệm gồm: trạm gốc phát sóng cần phải có cột anten thật cao; các thiết bị đầu cuối cố định khá phức tạp, giá thiết bị đắt, và đặc biệt, khả năng sử dụng máy tính của người dân vùng xa là vô cùng hạn chế, phải đào tạo kỹ lưỡng và kiên trì.

Đánh giá sau 1 năm phối hợp thử nghiệm, ông Vũ Hoàng Liên, Giám đốc Công ty VDC cho rằng, chương trình đã đạt mục tiêu mong muốn của giai đoạn 1, đã đánh giá được các khả năng thực tế về công nghệ mới, về nhu cầu ứng dụng, thể nghiệm được năng lực triển khai... Chương trình thành công sẽ giúp Việt Nam rút ngắn khoảng cách giữa người dân vùng sâu, vùng xa với thành phố, rút ngắn khoảng cách giữa những nước đang phát triển và những nước phát triển.

Giai đoạn 2: Tính đến tiềm năng du lịch

Ảnh
Máy tính nối mạng Internet tốc độ cao và điện thoại VoIP tại một trạm y tế của Lào Cai. Ảnh: A.C.

Tả Van nằm trong một thung lũng rất đẹp, cách SaPa 9km. Dân số của xã Tả Van khoảng 700 người, chủ yếu là người dân tộc H’Mông và Dáy. Các hộ gia đình tại Tả Van hiện đang đón khá nhiều khách du lịch, với mức thu nhập bình quân khoảng 50 USD/1tháng.

Do địa hình hiểm trở, nên việc xây mạng điện thoại qua cáp ở đây là không khả thi. Hiện toàn xã Tả Van chỉ có 2 máy điện thoại cố định, sóng di động rất yếu và hoàn toàn chưa có truy nhập Internet.

Nhận thấy tiềm năng này từ phía người dân Tả Van và cả khách du lịch, các nhà tổ chức đã tiếp tục triển khai thử nghiệm giai đoạn 2 WiMAX tại đây. Trạm gốc sẽ được kết nối đến 12 dịch vụ trung kế qua vệ tinh IPStar, cung cấp Internet và thoại VoIP. 10 trạm đầu cuối (các PC) sẽ được phân bổ cho trường học Tả Van, trạm y tế, nhà khách và một vài hộ dân.

Ảnh
Ông Thân Trọng Phúc, Tổng Giám đốc, Intel Việt Nam (thứ 2 từ trái sang): "Dự án này có ảnh hưởng rất lớn đến các vùng xa xôi hẻo lánh trên toàn thế giới" Ảnh: VTC/Thùy Linh.

Các chuyên gia đánh giá, nếu việc thử nghiệm tại Tả Van thành công, sẽ trình diễn một mô hình khả thi cho Quỹ dịch vụ Viễn thông công ích và những dự án viễn thông nông thôn trong tương lai.

(theo VietNamNet, VTC)




Bình luận

  • TTCN (1)
Nemo Nguyen  21665

Nhớ cách đây vài tháng...có đọc blog 1 đồng chí nhá bác nào đó đi kiểm tra thực tế Wimax ở Lao Cai... thì kết luận là đa số đều "trùm mền", đặt biệt là voIP qua Wimax ko hoạt động.