Ảnh: BW Online.

Bất chấp những dấu hiệu cho thấy Linux đang dần được ưa chuộng (ví như việc Motorola phát hành con dế RAZR2 cài hệ điều hành Linux), nhưng chính sự cạnh tranh khốc liệt giữa các hãng phần mềm và sức ỳ cao của các liên minh, hiệp hội nguồn mở lại đang cản đường "Chim cánh cụt"... cất cánh.

Theo dự đoán của hãng nghiên cứu ABI Research, từ nay đến năm 2012, doanh số thiết bị di động Linux xuất xưởng sẽ đạt 331 triệu máy.

Dự đoán này đã thu hút được sự quan tâm của không chỉ các hãng điện thoại, mà ngay các mạng di dộng và phát triển phần mềm cũng tỏ ra thèm muốn.

Mạnh ai nấy làm

Quỹ LiMo, Diễn đàn chuẩn Điện thoại Linux, rồi thì Sáng kiến Linux di động của Phòng thí nghiệm phát triển nguồn mở... chỉ là 3 trong số hàng loạt tổ chức mới được thành lập trong 1,2 năm trở lại đây. Mục tiêu của họ đều không khác nhau là bao: Khuyến khích sự liên thông, giảm thiệu sự phân tán, chia rẽ trong nội bộ cộng đồng Linux di động.

Ấy thế nhưng suốt từ khi thành lập đến nay, chẳng tổ chức nào làm được gì mấy. "Ngay đến việc bố trí họp mặt ở đâu, họ cũng còn chưa hình dung ra", ông Jim Ready, Giám đốc công nghệ của MontaVista, bình luận.

Những tiến triển ở Quỹ LiMo chậm tới mức khiến ai quan tâm theo dõi tới tổ chức này cũng phát... buồn ngủ, Ready cho biết. "Tôi không hiểu họ sẽ làm được gì cho thị trường, bởi vì các công ty vẫn đang mạnh ai nấy làm, đua nhau tung ra các mẫu điện thoại Linux để tranh thủ kiếm chác".

Lẽ dĩ nhiên, các hãng ĐTDĐ và giới phát triển phần mềm không thể ngồi chờ cho tới khi những Liên minh kiểu này thống nhất về chuẩn và nền tảng chung được.

Hệ quả là họ vẫn tiếp tục sản xuất ra những sản phẩm dùng chuẩn của riêng mình, mà chẳng cần quan tâm xem chuẩn đó có liên thông, hay có được các Hiệp hội thông qua hay không.

Vấn đề muôn thuở

Trên thực tế, "liên thông" đã là vấn đề muôn thuở của ĐTDĐ. Rất khó có ứng dụng nào mà lại chạy được êm ả trên tất cả các máy điện thoại, và điều này khiến người dùng gặp phải muôn vàn bất tiện.

Cũng bị ảnh hưởng không kém là các hãng phần mềm, vì họ buộc phải tung ra cùng lúc nhiều phiên bản ứng dụng khác nhau, dành cho các dòng máy khác nhau. Điều đó khiến cho chi phí và công sức phát triển bị "phình" ra rất nhiều.

Một số mạng di động như Vodafone Group từng tuyên bố rằng họ sẽ yêu cầu tất cả các mẫu điện thoại trong mạng của mình chỉ chạy trên 2-3 hệ điều hành cụ thể, nhằm đảm bảo ứng dụng nào cũng chạy được.

Vấn đề là Linux rất khó chen chân vào trong danh sách "2 hoặc 3 hệ điều hành đó", chung quy cũng chỉ vì vấn đề tương thích.

Tích cực nhất và hiệu quả nhất trong khối Linux di động có lẽ là MontaVista. Theo thống kê không chính thức, có khoảng 90% số thiết bị Linux di động hiện nay (bao gồm cả Motorola Razr 2) đang sử dụng phiên bản Linux của MontaVista.

Quyền được lựa chọn

"Các mạng di động hàng đầu đang kêu gọi cộng đồng Linux sáp nhập với nhau. Họ hy vọng sẽ chỉ phải sử dụng 1, hoặc cùng lắm là 2 phiên bản Linux mà thôi, thay vì tình trạng bát nháo như hiện nay", Ready cho biết. Theo nhẩm tính của ông, hiện có tới... 22 phiên bản Linux di động khác nhau đang lưu hành trên thị trường.

Nhân tố quan trọng nhất thúc đẩy cỗ xe "Cánh cụt di động" tiến lên phía trước chính là "sự lựa chọn" của các mạng di động.

"Họ không muốn bị trói buộc với Symbian và Microsoft Windows giống như những đồng nghiệp bên địa hạt PC. Họ muốn có những giải pháp và những sự lựa chọn thay thế."

Tất nhiên, có quá nhiều sự lựa chọn cũng là một rắc rối. Nhưng nếu không có cái nào mà chọn thì sự việc còn trở nên tồi tệ hơn.

(theo VietNamNet)




Bình luận

  • TTCN (0)