Hội thảo và Triển lãm Ứng dụng Công nghệ thông tin trong ngành Tài chính lần thứ 6 vừa qua đã đặt ra một vấn đề cấp bách hiện nay liên quan đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các dịch vụ tài chính công. Hướng phát triển có nhiều, nhưng xem ra để hoàn thiện một nền tài chính công điện tử vẫn còn quá nhiều việc phải làm.
Tài chính công Điện tử, xu hướng tất yếu
Tốc độ phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong những năm vừa qua là một trong những nguyên nhân làm phát sinh các quan hệ kinh tế. Các quan hệ kinh tế sẽ kéo theo nhu cầu thanh toán giữa các bên liên quan. Nhưng theo số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thì một năm trung bình doanh nghiệp Việt Nam tốn khoảng 1.050 giờ để lo việc thuế. Trong khi đó, con số này tại Singapore chỉ là 84 giờ. Doanh nghiệp cho biết, chính khâu chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ gây tốn nhiều thời gian nhất (trên 80%). Những con số đó không chỉ thể hiện sự yếu kém trong việc chậm áp dụng công nghệ thông tin, các phần mềm kế toán của doanh nghiệp, mà nó còn thể hiện sự rườm rà trong thủ tục thuế.
Trước thực trạng đó, việc xây dựng một nền Tài chính công Điện tử hiện đại đã trở thành nhu cầu cấp bách, nhưng để những mong muốn đó trở thành hiện thực trước mắt vẫn còn quá nhiều việc phải làm.
Cần sự nỗ lực từ nhiều phía
Phát biểu tại Hội thảo, bà Lê Hồng Hải, Phó Cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, khi hệ thống thuế điện tử được triển khai sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho người nộp thuế, mà cho ngay cả cơ quan thuế và Nhà nước.
Nhưng để xây dựng được một dịch vụ Tài chính công Điện tử hoàn thiện đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ từ phía các cơ quan Nhà nước, mà cần cả sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp. Cụ thể, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải chủ động xây dựng thói quen trả lương theo tài khoản và áp dụng triệt để công nghệ thông tin trong xử lý công việc, có như vậy mới tạo ra được sự đồng bộ trong việc quản lý của Nhà nước với doanh nghiệp.
Để có một Dịch vụ Tài chính công Điện tử hoàn thiện chúng ta cũng cần một hệ thống cơ sở hạ tầng thiết bị đồng bộ từ Trung ương tới địa phương, tránh tình trạng chỉ có các doanh nghiệp tại các thành phố lớn được hưởng lợi từ dịch vụ tài chính điện tử. Bên cạnh đó, hệ thống hành lang pháp lý đủ mạnh cũng sẽ là một công cụ đắc lực giúp cho việc xây dựng một nền tài chính điện tử hoạt động hiệu quả hơn, ví dụ như những quy định về việc công nhận tính pháp lý của thư điện tử (Email), hay triển khai áp dụng chữ ký điện tử…
Cuối cùng, quan trọng nhất vẫn là việc số hóa dữ liệu và tổ chức hệ thống thông tin đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu quản lý và điều hành nền tài chính quốc gia. Hiện nay, phần lớn các dữ liệu của Việt Nam được xây dựng dưới dạng nội dung thông tin thiếu những chuẩn hóa. Do vậy, để có những cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất thì việc số hóa các dữ liệu này phải được thực hiện ngay.
Việc xây dựng một Dịch vụ Tài chính công Điện tử mạnh là công việc không chỉ của một ban, ngành cụ thể nào, thời gian để xây dựng có thể là 5 năm, 10 năm hay lâu hơn nữa tùy thuộc vào sự nỗ lực chung của toàn xã hội. Nhưng chỉ có như vậy Việt Nam mới dần cải thiện được môi trường kinh doanh trong mắt bạn bè thế giới.
Theo Khoa Học & Phát Triển.
Bình luận