Mặc dù laptop đã có những bước tiến mạnh mẽ trên thị trường trong vài năm gần đây, nhưng máy tính để bàn cũng đang khẳng định vị trí vững chắc nhất định.

Với sự phát triển của mô hình sử dụng điện toán hình ảnh có tính trực giác cao như biên tập và chỉnh sửa ảnh và video, các môi trường mô phỏng tương tác, các ứng dụng đòi hỏi sức mạnh của CPU và các game trực tuyến đang làm mới lại sở thích của người sử dụng đối với máy tính để bàn.

Thêm vào đó, sự phổ biến của các thiết bị số như máy ảnh, máy nghe nhạc cùng các trào lưu Internet như tạo lập các nội dung số và tốc độ đường truyền băng thông rộng đang góp phần thúc đẩy sự phát triển của máy tính để bàn khi ngày càng nhiều những người đam mê sức mạnh điện toán đòi hỏi phải được hiệu suất hoạt động tốt nhất, tốc độ nhanh nhất và làm việc hiệu quả nhất, những nhân tố chỉ có thể được mang lại bởi máy tính để bàn.

Thời kỳ một bộ vi xử lý một nhân được dùng để thực hiện các tác vụ tính toán cơ bản như xử lý văn bản đã không còn nữa. Thay vào đó, các công nghệ đa nhân thông minh cần phải thực hiện nhiều tác vụ phức tạp hơn như xử lý video, các ứng dụng đa tác vụ phong phú và phát triển các nội dung số.

Tạo lập các nội dung số

Nhu cầu tạo lập nội dung số đang phát triển rất mạnh mẽ ở khu vực Đông Nam Á. Ngày càng nhiều người sử dụng Internet trong khu vực trở thành những nhà sản xuất tích cực các nội dung số cũng như trở thành những tín đồ cuồng nhiệt của nó.

Ví dụ, tại Philippine, 65% người dùng Internet sử dụng blog, 85% tải ảnh lên web và 60% tải và chia sẻ video trực tuyến. Còn tại Việt Nam, theo Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), tính đến tháng 6/2009, tổng số người sử dụng Internet đã đạt tới trên 21,5 triệu người, chiếm khoảng 25% tổng dân số, trong đó tổng thuê bao băng rộng mới chỉ là khoảng 2,5 triệu thuê bao.

Tuy nhiên, lượng thuê bao băng rộng được dư đoán là sẽ phát triển bùng nổ trong thời gian tới, với những chính sách ưu tiên phát triển của Chính phủ Việt Nam. Người dùng Internet tại Việt Nam cũng đã quen thuộc với khái niệm về blog (tạm dịch là nhật ký cá nhân điện tử) trong khoảng 3 năm trở lại đây. Hiện có tới 18 triệu khách hàng của Yahoo Vietnam sử dụng các dịch vụ Yahoo Messager, Yahoo Mail và Yahoo 360!. Các mạng xã hội khác cũng ngày càng trở nên phổ biến và thu hút cư dân mạng tại Việt Nam, đặc biệt là đối với giới trẻ, như Facebook, MySpace, Multiply... Chính trào lưu tạo lập các nội dung số này đã thúc đẩy nhu cầu về những chiếc máy tính mạnh mẽ hơn. Các địa chỉ lưu trữ và chia sẻ video như Youtube hiện đã cho phép đăng tải các video dài với chất lượng cao và giới hạn dung lượng của phim được nới rộng lên tới 1GB. Trong khi đó, Youtube chỉ là một trong rất nhiều trang web như vậy.

Còn đối với Facebook, với 200 triệu người sử dụng trên toàn thế giới, tiếp nhận 850 triệu bức ảnh và 10 triệu video được tải lên mỗi tháng. Trang web này đồng thời cũng quan tâm đến sự phát triển của nhóm người sử dụng “nhà sản xuất – người tiêu dùng” (những người sử dụng Internet tham gia vào việc tạo lập các nội dung số). Nhóm sử dụng này chỉnh sửa các bức ảnh của mình bằng các phần mềm như Photoshop, Picasa và họ tự sản xuất những đoạn video riêng với phần mềm iMovie của Apple hay Windows Movie Maker. Đây thật sự là một số lượng nội dung số khổng lồ được tạo lập và chia sẻ trên mạng.

Khi chất lượng của các nội dung số được tạo lập bởi người sử dụng Internet ngày càng được cải thiện và số lượng những người tạo lập các nội dung số ngày càng gia tăng, nhu cầu sở hữu những bộ vi xử lý máy tính để bàn nhanh hơn và mạnh mẽ hơn cũng ngày càng lớn.

Bạch Thành Trung, thường được biết đến với tên gọi fRzzy, quản trị một diễn đàn trực tuyến tại Việt Nam, hiện đang điều hành một nhóm các tình nguyện viên chịu trách nhiệm biên tập và sản xuất nội dung cập nhật hàng ngày cho trang tin của cộng đồng. Khai thác những xu hướng mới nhất trong việc xuất bản nội dung trực tuyến, nội dung các cập nhật của họ thường xuyên bao gồm các nội dung đa phương tiện, như ảnh, video và âm thanh.

"Mặc dù đối với tôi, một chiếc laptop là không thể thay thế được để làm việc với tần suất cập nhật thông tin nhanh như hiện tại, nhưng chỉ có sức mạnh xử lý của một chiếc desktop mới có thể đáp ứng được nhu cầu xử lý các nội dung như video và biên tập hình ảnh. Tất nhiên, tôi tin rằng trong tương lai gần, mỗi một người đều sẽ có, và nên có, một chiếc laptop bởi sự thuận tiện mà nó mang lại, nhưng tôi và các đồng nghiệp của tôi đều đồng ý rằng một chiếc desktop là không thể thay thế được. Sưc mạnh xử lý của chúng sẽ luôn tạo ra sự khác biệt, chúng được gọi là những "trạm làm việc" là có lý do của nó".

Trung không phải là một trường hợp đặc biệt, có rất nhiều người đang làm những công việc như anh, với cách làm như anh trên toàn thế giới.

Những đột phá về công nghệ

Bên cạnh việc hiện có rất nhiều công cụ đang sẵn sàng giúp những người tạo lập nội dung số sáng tạo, đăng tải và chia sẻ tác phẩm của họ, các thiết bị số cho phép họ sáng tạo những tác phẩm cá nhân cũng được cải thiện mạnh mẽ trong vài năm gần đây. Người sử dụng giờ đây có thể dễ dàng sở hữu một chiếc máy ảnh 10 megapixel cùng chiếc máy quay video HD, những thiết bị có thể giúp họ ghi lại những bức ảnh và video với độ phân giải rất cao.

Người sử dụng giờ đã quen làm việc với những nội dung có dung lượng lên tới hàng gigabyte. Mới chỉ cách đây không lâu, những nội dung như vậy mới chỉ xuất hiện trong các công việc của những người sử dụng chuyên nghiệp.

Sức mạnh xử lý đòi hỏi để đáp ứng những công việc như vậy từng chỉ tồn tại trong các thiết bị chuyên nghiệp cao cấp. Ví dụ, sự khác nhau giữa một chip Pentium 4 và một chip Core i7 chính là sự cải thiện hiệu suất hoạt động từ 5 tới 10 lần khi xử lý render các khung hình video. Bước đột phá này là rất lớn nhưng hoàn toàn không đáng ngạc nhiên vì con chip Pentium huyền thoại này được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1999.

Những màn hình hiển thị lớn hơn

Trong vòng 5 năm trở lại đây, các màn hình rộng đã không ngừng phát triển về kích thước. Những màn hình 20 inch hay lớn hơn nữa hiện nay đã trở thành một điều bình thường chứ không còn là những trường hợp cá biệt nữa. Những màn hình lớn này còn hỗ trợ cả khả năng tận hưởng nội dung HD và đồ hoạ 3D vốn là những khả năng thúc đẩy sự bùng nổ dữ liệu hiện nay.

Vận động viên thể thao điện tử (e-Sports) chuyên nghiệp Dương Vi Khoa (hiện đang là Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển e-Sports Quốc gia) có một niềm đam mê dành cho những môn thể thao điện tử như Counter Strike, Crossfire, Sudden Attack…

“Thật chán ngắt khi tập luyện thể thao điện tử trên máy tính cấu hình cao nhưng lại với một màn hình nhỏ. Màn hình càng rộng, bạn càng phấn khích với trò chơi hơn. Bên cạnh một cấu hình máy tính mạnh mẽ, một màn hình rộng là không thể thiếu được đối với tôi”, Khoa nói.

Đây là một xu thế phát triển mạnh mẽ đối với những môi trường sử dụng phong phú hơn, đam mê hơn, vốn là điều sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu sử dụng đối với máy tính để bàn. Mặc dù những chiếc máy tính xách tay có màn hình rộng hiện cũng đã được sản xuất, nhưng chúng có những giới hạn của riêng mình vì màn hình hiển thị được gắn liền với máy. Một số chiếc máy tính xách tay đã có những đột phá để tăng kích thước màn hình, nhưng lúc đó, chiếc máy tính xách tay thật sự biến thành những sự thay thế cho máy tính để bàn và tính di động và khả năng tiết kiệm diện tích cũng trở nên han chế hơn.

Khả năng xử lý đa tác vụ với các ứng dụng phong phú

Trong khi khả năng xử lý đa tác vụ không còn là một khái niệm mới thì nhu cầu thực hiện đa tác vụ trên máy tính trước đây chỉ đơn giản là các bảng tính và tài liệu đơn giản – nội dung chỉ cơ bản là những trang chữ 2D. Ngày nay, khả năng xử lý đa tác vụ là phải xử lý nhiều ứng dụng đòi hỏi sức mạnh xử lý cùng một lúc. Người sử dụng hiện nay có thể vừa biên tập những đoạn phim cá nhân mới nhất với chương trình Final Cut Pro vừa thiết kế bìa đĩa DVD trong Photoshop, đồng thời cùng lúc đó là xử lý một bản nhạc với chương trình Logic Express.

Trong khi các ứng dụng ngày càng phức tạp và chiếm nhiều tài nguyên điện toán hơn, kỳ vọng của người sử dụng vẫn không hề thay đổi. Người sử dụng mong muốn tương tác với các ứng dụng và muốn các ứng dụng đó xử lý và cho kết quả ngay lập tức cho dù họ đang di chuyển giữa các trang trong một văn bản hay giữa các khung hình của một đoạn phim.

Có lẽ đây mới chỉ là điểm cơ bản. Những mô hình ứng dụng đã chuyển từ những nội dung chỉ là những dòng chữ thụ động và cố định mà chúng ta lần lượt tạo ra để có thể in ra, thành những nội dung số đa dạng như hình ảnh và video mà chúng ta tạo lập, đăng tải lên mạng và chia sẻ. Tuy nhiên, những kỳ vọng của chúng ta về khả năng xử lý của những ứng dụng này khi chúng ta tương tác với chúng vẫn không thay đổi. Chúng ta kỳ vọng có được những trải nghiệm liền mạch, ngay tức thì và trơn tru. Để đáp ứng những nhu cầu này, các nhà sản xuất chip đã không ngừng cải tiến mạnh mẽ công nghệ cũng như nâng cao khả năng xử lý trong các dòng sản phẩm của mình.

Hiện không có một tín hiệu nào chứng tỏ những xu thế này sẽ chậm lại. Một điều chắc chắn là Internet và những ứng dụng “khát khao sức mạnh xử lý” sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ khi càng ngày càng có nhiều người tham gia vào cộng đồng mạng. Các thiết bị điện tử tiêu dùng cũng sẽ ngày càng được cải tiến, cho phép người sử dụng tạo ra những nội dung số có chất lượng cao hơn nữa. Với mỗi sự phát triển thành công, nhu cầu của người sử dụng đối với những chiếc máy tính nhỏ bé – công cụ tạo lập những nội dung số - cũng sẽ lớn hơn và chắc chắn rằng máy tính để bàn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ để đáp ứng những thách thức này.

Thân Trọng Phúc (đăng trên báo Bưu Điện).




Bình luận

  • TTCN (0)