Domain dùng bảng chữ cái La tinh không còn độc quyền trên Internet và người sử dụng sẽ sớm thấy tên miền bằng tiếng Ả rập, Nhật, Trung Quốc và hàng chục ngôn ngữ khác khi truy cập web.
Hiện nay, hơn 50% trong số 1,6 tỉ người sử dụng Internet không dùng tiếng La tinh. Họ có tên gọi riêng bằng thứ ngôn ngữ của quốc gia mình, nhưng khi đăng kí tên miền và địa chỉ e-mail, họ phải chuyển chúng sang tiếng Anh.
Cuối tuần qua, trùng với lễ kỷ niệm 40 năm Internet ra đời, tổ chức tên miền quốc tế ICANN phê chuẩn kế hoạch triển khai tên miền phi La tinh vào giữa năm 2010. Những domain này được gọi là IDN - “tên miền quốc tế hóa” (Internationalized Domain Name).
IDN đã được thảo luận trong nhiều năm nhưng giờ mới bắt đầu thành hiện thực dù còn tồn tại nhiều vấn đề. Chẳng hạn, ngoài nguy cơ bảo mật, người sử dụng cũng thắc mắc liệu họ có thể gõ tên miền quốc tế hóa nếu bàn phím không hỗ trợ các kí tự phi La tinh hay phải tải bàn phím ảo. Về mặt logic, các nhà sản xuất PC không thể cung cấp bàn phím vừa có bảng chữ cái ABC, vừa chứa bộ kí tự của cả tiếng Nhật, Nga, Ả rập, Hy Lạp, Kirin, Hebrew...
ICANN giới thiệu vai trò của IDN qua video dài 7 phút, trong đó người dân ở các quốc gia trên thế giới khẳng định IDN giúp họ “địa phương hóa” bàn phím và địa chỉ e-mail, không bị “ép” phụ thuộc vào tiếng Anh nữa.
Theo VnExpress.
Bình luận
Trong đó vấn đề quan trọng nhất là bàn phím! Chưa giải quyết được mà đưa ra IDN, tôi có cảm giác ICANN muốn kiếm tiền thì đúng hơn.
Nhìn một tên miền trên tờ quảng cáo, không biết làm sao để gõ đây? Như vậy các tên miền kiểu này chỉ tồn tại trong phạm vi hẹp: một quốc gia. Nhưng mà điều này lại trái với mục đích của “Internet”. Các doanh nghiệp đăng kí tên miền tiếng Anh rồi thêm mấy cái đuôi khác đã mệt, giờ thêm một đống tên miền khác. Tên miền tiếng Việt đã có bao giờ được (người dùng) ủng hộ đâu?
Còn về “phi La tinh” - có cái bàn phím nào mà không gõ được tiếng La tinh đâu.