Các nhà khoa học đang kêu gọi người dùng tình nguyện hiến tặng thời gian máy tính rỗi để phục vụ các nghiên cứu khoa học phức tạp thông qua “mạng lưới điện toán”.
Các tiến bộ trong khoa học máy tính đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà nghiên cứu y học có thể mô phỏng sự lây lan các bệnh dịch phức tạp trong môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, các mô phỏng ngày càng lớn và phức tạp hơn, khiến các máy tính ở các viện nghiên cứu không đáp ứng được nhu cầu xử lý.
Thay vì việc kêu gọi đầu tư mua máy chủ tính toán lớn, các nhà khoa học đang xây dựng mạng lưới điện toán cho phép họ tận dụng thời gian rỗi của các máy tính trong xã hội. Đến nay, có hàng triệu máy tính ở nhiều quốc gia trên thế giới đã tình nguyện tham gia, cho phép các nhà khoa học sử dụng năng lực xử lý trong máy tính của họ những lúc không dùng tới để nghiên cứu.
Để tham gia hoạt động, những người tình nguyện tải một ứng dụng về máy tính của họ để kết nối vào mạng lưới cùng với những người tình nguyện khác. Sau đó, mỗi khi máy tính của họ rảnh rỗi, năng lực xử lý của máy tính đó sẽ được tận dụng để phục vụ cho nghiên cứu khoa học.
Đã có không ít viện nghiên cứu phải nhờ đến sự trợ giúp của rất nhiều máy tính để thực hiện các nghiên cứu phức tạp. Hãng máy tính IBM cũng đang triển khai dự án phi lợi nhuận Mạng máy tính cộng đồng toàn cầu (World Community Grid) để hỗ trợ các nghiên cứu về y học.
Các dự án mạng máy tính tình nguyện này chủ yếu dựa trên phần mềm nguồn mở Boinc của đại học Berkerly (Mỹ). Những người tình nguyện tải ứng dụng đó từ địa chỉ boinc.berkeley.edu, và đăng ký vào các dự án họ muốn hỗ trợ.
Hiện nay có khoảng 60 dự án sử dụng mạng lưới Boinc với khả năng xử lý lên tới 2.500 teraflop (gấp hai lần khả năng xử lý của siêu máy tính lớn nhất thế giới hiện nay), trong đó có khoảng 20 nghiên cứu về y học. Mạng lưới kết nối những người tình nguyện bằng phần mềm Boinc hiện có 4 triệu máy tính tình nguyện.
Bất cứ nhà khoa học nào có kỹ năng thiết lập máy chủ có thể trở thành một phần của mạng Boinc. Các nhà khoa học hay viện nghiên cứu tham gia vào mạng lưới này để phân tích dữ liệu phức tạp chỉ phải mất khoản phí rất nhỏ so với việc đầu tư 1 triệu USD mỗi năm cho một siêu máy tính cấp thấp.
Ví dụ, viện nghiên cứu Rosetta thuộc đại học Washington đang tham gia Boinc để mô phỏng hoạt động của protein, hứa hẹn sẽ dẫn đến việc tìm ra cách điều trị một loạt bệnh. Mô phỏng hoạt động của protein trong nghiên cứu của Rosetta là bài toán rất phức tạp, phải dùng tới sức mạnh xử lý của 80.000 máy tính tình nguyện. David Baker, người phụ trách viện nghiên cứu Rosetta cho biết đang có kế hoạch dùng mạng máy tính tình nguyện để phân tích các biến thể của virus cúm H1N1.
Tuy nhiên, với những người tình nguyện hiến tặng máy tính, hóa đơn tiền điện của họ sẽ cao hơn, khoảng 3 USD/tháng tốn thêm tính theo giá điện ở Mỹ.
Theo ICTnews (WSJ)
Bình luận