Trong một động thái được cho là khá bất ngờ, EU đã từ chối thông qua thỏa thuận sáp nhập Oracle-Sun trị giá 7,4 tỉ USD mà Bộ Tư pháp Mỹ đã chấp thuận trước đó.

Bất ngờ nhưng không ngạc nhiên bởi Ủy ban chống độc quyền EU từng nhiều lần bày tỏ sự nghi hoặc về thỏa thuận Oracle-Sun. Quan điểm của EU là vụ sáp nhập này có thể ảnh hưởng xấu tới thị trường cơ sở dữ liệu toàn cầu. Tháng 9 vừa rồi, EU cũng chính thức tiến hành điều tra về thỏa thuận này nhằm tìm kiếm những bằng chứng cho thấy chúng vi phạm luật chống độc quyền.

Và như vậy, sau khi được Bộ Tư pháp Mỹ thông qua tháng 8/2009, Oracle và Sun đã không thể vượt qua rào cản cuối cùng là EU. Giới phân tích cho rằng đây sẽ là một thử thách thú vị cho chính quyền Obama, từng tuyên bố sẽ mạnh tay với các hành vi độc quyền. Nay thì bản thân các công ty Mỹ lại gặp rắc rối với chính cơ quan chống độc quyền EU.

Thực tế cho thấy, Sun đang rất cần bàn tay che chở của Oracle. Cả hai đều hy vọng thương vụ này sẽ hoàn tất trong mùa hè năm nay, mà nếu không thành thì Sun sẽ là hãng bị tổn thất nhiều nhất. Sun đã đánh mất quá nhiều thị phần vào tay các đối thủ khác như IM và HP trên thị trường máy chủ doanh nghiệp. Tuần trước, Sun công bố số liệu cho biết hãng này đã mất 120 triệu USD trong quý 3 kết thúc vào ngày 27/9 vừa qua.

Trong báo cáo gửi lên Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ hôm 9/11, Sun nhấn mạnh rằng phản đối của EU là kết quả của cuộc điều tra sơ sài, và rằng EU vẫn đưa ra quyết định cuối cùng. Sun và Oracle vẫn được phép tranh luận vụ việc với EU, tuy nhiên cơ quan này cho biết quyết định trên là chính thức.

Phản ứng với tuyên bố trên của Oracle, EU cho rằng đó là những quan điểm “hời hợt và nông cạn”. Phát ngôn viên EU, Jonathan Todd, cho biết các nhà điều tra chống độc quyền đã làm việc thực sự nghiêm túc trước khi đưa ra kết luận chính thức. Tuy nhiên, phải đến tháng giêng năm tới, các kết luận cuối cùng về vụ việc này mới được EU chốt lại.

EC từng nói rằng thỏa thuận Oracle-Sun có thể khiến cho các lựa chọn của khách hàng về cơ sở dữ liệu ít đi. Bản thân Oracle là hãng cung cấp phần mềm CSDL thương mại hàng đầu thế giới, còn MySQL (Sun) cũng đứng đầu trong số các phần mềm CSDL nguồn mở hiện nay.

Theo VnMedia (AP, AFP)



Bình luận

  • TTCN (0)