Việt Nam đã chính thức "điền tên mình vào bản đồ 3G thế giới". 3G đã chính thức mở thêm một kênh phát triển Internet băng rộng quan trọng cho Việt Nam.
Những nghiên cứu kinh tế đã chỉ ra rằng với mỗi phần trăm tăng thêm trong tỷ lệ sử dụng Internet băng rộng của quốc gia, tỷ lệ GDP trên đầu người sẽ tăng tương ứng khoảng 10%, và cứ mỗi phần trăm gia tăng trong tỷ lệ người sử dụng di động của quốc gia, mức tăng GDP theo đầu người sẽ tăng tương ứng khoảng 5%.
Hơn nữa, những đầu tư trực tiếp vào việc phát triển công nghệ truyền thông sẽ góp phần mạnh mẽ trong việc tạo ra công ăn việc làm. Tổ chức Wireless Intelligence năm 2008 đã thống kê rằng cứ mỗi một triệu USD đầu tư vào ngành viễn thông tại Mỹ sẽ tạo ra 18 việc làm mới.
Nhìn ở những con số thống kê này, có thể thấy tiềm năng lớn mà 3G có thể đóng góp cho sự phát triển kinh tế của quốc gia.
Khi băng rộng di động vượt qua cố định
Các tổ chức nghiên cứu như Strategy Analytics, Wireless Intelligence hay In-Stat đều thống nhất nhận định rằng số lượng thuê bao băng rộng di động (gồm các chuẩn công nghệ CDMA 2000EV-DO, HSPA và LTE) sẽ vượt số lượng thuê bao băng rộng cố định (gồm có các hình thức truy cập qua cáp modem, DSL, FTTH, qua vệ tinh…) trong năm 2010, và đến năm 2011, trên 60% trong tổng số gần 1,5 tỷ thuê bao băng rộng sẽ là những thuê bao di động.
“Thế giới hiện có xấp xỉ 830 triệu thuê bao 3G và đến năm 2013, 3G (gồm công nghệ EV-DO, HSPA và TD-SCDMA) sẽ chiếm tới khoảng 89% số lượng thuê bao băng rộng di động trên toàn cầu”, ông William F. Davidson, Phó chủ tịch cao cấp phụ trách tiếp thị toàn cầu và quan hệ nhà đầu tư của Tập đoàn Qualcomm đã chia sẻ với các biên tập viên các tờ báo ICT hàng đầu của các thị trường đang phát triển tại trụ sở chính của Qualcomm ở San Diego (Mỹ) trong tháng 10 vừa qua. “Trong đó, HSPA sẽ có khoảng 1,4 tỷ thuê bao và EV-DO sẽ có được 330 triệu thuê bao. Doanh thu từ các thiết bị cầm tay 3G cũng sẽ chiếm tới 79% trong tổng doanh thu 179,2 tỷ USD từ thiết bị cầm tay vào năm 2013”.
“Thời của Internet băng rộng di động đang đến, đó là bởi xuất phát từ những đặc điểm rất độc đáo và mạnh mẽ của chính yếu tố ‘di động’”, ông Dan Novak, Phó chủ tịch phụ trách marketing, PR và truyền thông toàn cầu của Qualcomm lý giải. “Các thiết bị di động có thể luôn ở bên bạn, luôn kết nối mà không phụ thuộc vào vị trí địa lý. Yếu tố cá nhân hóa luôn được đề cao ở những thiết bị di động. Hơn nữa, công nghệ xử lý ngày càng mạnh mẽ cũng như pin hoạt động ngày càng khỏe cũng sẽ là những yếu tố giúp các thiết bị di động băng rộng như ĐTDĐ, PDA hay laptop ngày càng trở nên phổ dụng”.
3G: Nhìn từ xung quanh
Trung Quốc, quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai cùng lúc 3 chuẩn công nghệ 3G, với 3 nhà khai thác là China Mobile (chuẩn TD-SCDMA, đã triển khai tại 284 thành phố ở Trung Quốc), China Telecom (chuẩn EV-DO, triển khai trên toàn quốc) và China Unicom (chuẩn WCDMA, triển khai tại 238 thành phố). “Nếu như trong năm 2008 đầu tiên triển khai 3G, Trung Quốc mới có 28 triệu thuê bao so với tổng số 591 triệu thuê bao GSM, thì đến năm 2013, dự báo tỷ lệ này tương ứng sẽ là 279 triệu thuê bao và 783 triệu thuê bao. Tức là trong 5 năm tới, 3G tại Trung Quốc sẽ đạt tốc độ tăng trưởng tới… 901%”, ông Jing Wang, Phó chủ tịch điều hành Qualcomm tại thị trường Châu Á – Thái Bình Dương, Trung Đông và Châu Phi cho biết.
Tại thị trường Nhật Bản, tính đến tháng 4/2009, đất nước mặt trời mọc này đã sở hữu 100 triệu thuê bao 3G CDMA (trong đó 94,8% là thuê bao di động). Tỷ lệ doanh thu từ dịch vụ dữ liệu (data) trên 3G của các nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu Nhật Bản như NTT Docomo, KDDI hay SoftBank cũng rất ấn tượng, chiếm tỷ lệ tương ứng là 44%, 40% và 45%.
Hay như ở Hàn Quốc, số lượng thuê bao 3G cũng đang chiếm tỷ trọng áp đảo, với 25,8 triệu thuê bao CDMA (chiếm 54,3%) và 21,3 triệu thuê bao WCDMA (chiếm 45,2%). Chuẩn băng rộng di động WiBro của riêng Hàn Quốc hiện chỉ là 224 ngàn thuê bao (chiếm 0,5%).
Không chỉ riêng ở thị trường Châu Á – Thái Bình Dương, tốc độ tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ dữ liệu di động trên nền 3G của các nhà khai thác trên toàn cầu như Vodafone (Anh), Telstra (Úc) hay AT&T, Verizon (Mỹ) đều ở mức ấn tượng – trên 30% (từ tháng 1/2008 – 1/2009: Vodafone đạt doanh thu 888 triệu bảng Anh (tăng 34%); Telstra đạt 979 triệu AUD (tăng 37%); Verizone đạt 3,9 tỷ USD (tăng 33%) và AT&T đạt 3,4 tỷ USD (tăng 36%).
3G đang tạo ra một thị trường dịch vụ nội dung đầy tiềm năng. Ngay cả những hãng chuyên về những phát minh công nghệ 3G như Qualcomm cũng không bỏ qua thị trường này với việc tập trung triển khai cung cấp các dịch vụ nội dung như Flo TV tại thị trường Mỹ, giải pháp quản lý hệ thống vận tải đường dài (QES) lớn nhất thế giới hay hợp tác với các công ty sản xuất thiết bị y tế để cùng phát triển các giải pháp chăm sóc sức khỏe di động.(Qualcomm Wireless Health) – một ngành công nghiệp mới dự kiến sẽ đạt quy mô 7 tỷ USD vào năm 2012…
Tương lai sáng của 3G ở Việt Nam
Đông Nam Á và Thái Bình Dương (SEA&P) là thị trường lớn thứ 3 trên thế giới về thiết bị 3G trong 5 năm tới (chiếm 11%), xếp sau khu vực Tây Âu (20%) và thị trường Mỹ/Canada (18%), theo nghiên cứu của tổ chức WCIS+ tháng 7/2009. Trong khu vực SEA&P, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 về quy mô (chiếm 16%) và chỉ xếp sau Indonesia (42%).
“Chúng tôi đánh giá rất cao việc Chính phủ Việt Nam cấp 4 giấy phép triển khai 3G cho các mạng di động Việt Nam. 3G chắc chắn không chỉ đóng góp chung vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, mà còn tạo ra một sân chơi đầy “sáng tạo” cho Việt Nam – quốc gia có tỷ lệ dân số trẻ và rất đông đảo, khát khao sáng tạo”, ông Jing Wang nhận xét. “Chúng tôi đã có mặt tại Việt Nam và với việc tổ chức nhiều khóa đào tạo về nền tảng công nghệ BREW để sáng tạo ra các dịch vụ nội dung cho các chuyên gia công nghệ Việt Nam, chúng tôi khẳng định cam kết mạnh mẽ của mình trong việc hỗ trợ Việt Nam phát triển 3G trong thời gian tới”.
Theo ICTnews
Bình luận
Hình như có mỗi Vinaphone triển khai như kế hoạch, còn Viettel, Mobifone vẫn chưa bắt đầu triển khai 3G. Chán quá đi