Di động có thiết kế gần giống sản phẩm chính hãng, chất lượng không thua kém bao nhiêu bởi có chung nguồn gốc linh kiện và có “giá rẻ bất ngờ” đang khiến các hãng di động lớn đứng ngồi không yên.
"Chợ xám" bùng nổ
Giới kinh doanh gọi đó là thị trường di động “chợ xám”. Khác với thị trường “chợ đen”, nơi chuyên tiêu thụ những sản phẩm “nhái 100%”, thị trường “chợ xám” đã tiến thêm một bước với các sản phẩm “gần tương tự” các mẫu máy chính hãng từ kiểu dáng cho đến chất lượng và có hẳn một thương hiệu khác. Những mẫu di động này ngày càng thu hút được nhiều người dùng nhờ lợi thế giá rẻ. Và không ít những nhà mạng, hãng sản xuất di động đang phải nhận quả đắng từ các dòng sản phẩm này.
Di động chợ xám không chỉ đang bùng nổ ở Trung Quốc mà còn bắt đầu lên cơn sốt tại châu Phi, Đông Âu, Mỹ Latinh và thậm chí ngay tại Mỹ. Điểm yếu của những chiếc di động chợ xám chỉ là chúng không được bảo hành.
Châu Á đang là quê hương của những mẫu di động chợ xám. “Bạn có thể tìm thấy bất cứ một mẫu di động đang “hot” nào tại các xưởng sản xuất nhỏ bé ở châu Á. Họ đang có những sản phẩm rất sáng tạo và sẵn sàng cạnh tranh với bất cứ hãng di động lớn nào”, Frank Meehan, Giám đốc hãng sản xuất ĐTDĐ INQ nói.
Đối phó cách nào?
Làm thế nào để chống lại sự tấn công của thị trường chợ xám vẫn là bài toán chưa có lời giải của các hãng di động. “Chúng tôi khuyên khách hàng không nên mua sản phẩm từ những kênh phân phối không chính thức”, hãng di động Mỹ Motorola vừa gửi đến các khách hàng của mình bản thông cáo. Các hãng di động khác đến nay vẫn chưa thấy có động thái cụ thể nào.
Một xu hướng thị trường mới phát sinh cũng được cho là sẽ “gặm dần” lợi nhuận của các hãng di động, đó là: doanh số của thị trường máy cũ (đã qua sử dụng) đang tăng mạnh. Số liệu của website CellularCountry.com cho biết, doanh số máy cũ của họ đang tăng từ 3 – 5%. Còn Huntington Beach (có trụ sở tại California – Mỹ) tiết lộ mỗi tháng họ bán được khoảng 10.000 chiếc di động đã qua sử dụng.
Để chống lại cả 2 thị trường này, các hãng di động đang tìm đến “công cụ” tòa án với những đơn kiện nhằm vào các xưởng sản xuất và nhà phân phối của họ. Một số còn kiên quyết hơn khi gây sức ép để buộc các hãng cung cấp linh kiện không bán linh kiện ra thị trường chợ xám nữa.
“Cuộc chiến tại tòa án sẽ vô cùng gian nan và cách tốt nhất là các nhà sản xuất di động lớn nên học cách chấp nhận chung sống với chợ xám, tự thay đổi các chiến lược kinh doanh, chính sách giá bán và thúc đẩy quá trình sáng tạo của mình”, Frank Meehan của hãng INQ kết luận.
Theo ICTnews (BusinessWeek)
Bình luận