Từ hơn 4 năm trước, khi Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC) đặt tại Khu công nghệ Phần mềm, Đại học Quốc gia TPHCM ra đời (5/8/2005) và tái cơ cấu vào ngày 5/3/2007, đã là nơi gửi gắm hy vọng của các cơ quan quản lý, các nhà khoa học… và cũng chứa đựng không ít hoài nghi. Chưa tròn 1 năm sau, 16/1/2008, con chip SigmaK3 “thuần Việt” đầu tiên do ICDREC thiết kế đã ra đời, thử nghiệm thành công trong điều khiển quang báo và robo tự hành.
Đây cũng là lúc ICDREC chứng minh được rằng: Việt Nam đã làm được chip vi xử lý. Với bước đệm SigmaK3, Việt Nam tiếp tục cho ra đời chip vi xử lý VN8-01 vào 21/9/2009 vừa qua, với kiến trúc, tập lệnh... hoàn toàn do người Việt thiết kế. VN8-01 đã được ứng dụng thành công tại Tổng Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải II, giúp việc kiểm tra các thông tin: trạng thái hoạt động của đèn, tọa độ phao… trong hệ thống giám sát và kiểm soát bảo đảm hàng hải từ xa trở nên thuận tiện, dễ dàng. Ngay sau khi VN8-01 ra đời, UBND TPHCM đã quyết định đầu tư, giao ICDREC thương mại hóa sản phẩm với cái tên SG8-01 vào năm 2010…
Như thấy được tiềm năng của Việt Nam, nhất là sau khi ICDREC ra đời, ngày 18/3/2008, Tập đoàn Vi mạch ứng dụng Applied Micro Circuits Corporation của Mỹ đã đầu tư 1 triệu USD thành lập Trung tâm thiết kế vi mạch AMCC tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TPHCM). Sau hơn 1 năm, ngày 18/11 vừa qua, AMCC đã mở rộng văn phòng, khu vực nghiên cứu, tăng nhân lực từ 70 lên 100 kỹ sư phần mềm người Việt Nam tài năng, được đào tạo bài bản.
Tiến sĩ Paramesh Gopi, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành của Applied Micro cho biết, Applied Micro luôn nỗ lực cạnh tranh trên toàn cầu, hướng tới những sản phẩm bộ xử lý, phần mềm… có chất lượng hàng đầu thế giới ngay tại Việt Nam.
Ngay sau ngày Applied Micro ra đời, trong lễ trao giải thưởng cuộc thi “Nhân tài đất Việt 2009” 20/11/2009, sản phẩm “Vi mạch điều khiển VN8-01” đã được hội đồng trao giải nhì duy nhất của nhóm các sản phẩm có tiềm năng ứng dụng, đồng thời là giải thưởng cao nhất của lĩnh vực CNTT. Khi được hỏi về vị trí của VN8-01 so với những con chip đang có trên thị trường Việt Nam, Thạc sĩ Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC cho biết, VN8-01 còn “đơn giản” so với những con chip của các tập đoàn quốc tế, trình độ của ICDREC còn cách thế giới khoảng 8-10 năm, nhưng hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp đặt hàng và VN8-01 đã được xuất hiện trên sàn giao dịch chip vi xử lý quốc tế.
Rõ ràng, Việt Nam không thể “chạy tắt đón đầu” bởi trình độ nhân lực còn hạn chế. Để có “ngành công nghiệp” thiết kế vi mạch bán dẫn, đòi hỏi một khoảng thời gian tối thiểu 3 - 5 năm, cần phải có sự đầu tư rất lớn về vốn, công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Điều này đã dần thành hiện thực.
(Theo SGGP)
Bình luận