Sẽ không là quá “ngoa” nếu ai đó nói rằng năm 2009 là “Năm của Google” bởi lẽ dấu ấn mà gã khổng lồ tìm kiếm này để lại cho làng công nghệ thế giới là rất đậm nét.

Họ hiện diện bằng sự “ngày càng nổi” với rất nhiều dự án… Nhưng không chỉ có vậy, Google còn khép lại năm 2009 của mình bằng sự có mặt tại hầu hết các điểm nóng, các cuộc tranh cãi gay gắt.

Bành trướng

Nhắc đến Google, chúng ta thường nghĩ đến hình ảnh của một cỗ máy tìm kiếm trực tuyến. Nhưng giờ đây có lẽ cũng chẳng sai là bao nhiêu khi cho rằng Google đang dần biến thành một hãng phần mềm.

Tháng 4/2001, Google ra mắt dịch vụ thư điện tử Gmail khơi mào cho làn sóng xuất hiện những dung lượng khổng lồ lên tới vài GB. Nhưng chỉ đến khi Google trực tiếp đối đầu với hãng phần mềm lớn nhất Microsoft bằng việc ra mắt trình duyệt Google Chrome nhiều người mới giật mình nhận ra rằng, gã khổng lồ tìm kiếm đã đủ lớn và bắt đầu bành trướng.

Tháng 4/2008, trình duyệt Chrome ra đời với hệ thống Javascript hiện đại cho phép tốc độ lướt web được cải thiện một cách đáng kể và cơ chế làm việc độc lập của các tab. Chỉ 6 tháng sau, Google tiếp tục “đánh cắp” sân chơi của Microsoft bằng việc chính thức công bố dự án xây dựng hệ điều hành Chrome OS. Tổng giám đốc Google, Eric Schmidt cho biết, Chrome OS là hệ điều hành web, hoạt động như một ứng dụng web nên có thể chạy trên bất cứ chiếc máy tính nào mà không đòi hỏi về phần cứng. Trong khi đó, mỗi phiên bản Windows của Microsoft mới lại đòi hỏi phần cứng “khủng” hơn, gây bất lợi và tốn kém cho người dùng.

Với Google, Chrome OS sẽ không chỉ là “phát súng” đánh vào Windows của Microsoft mà nếu thành công, hệ điều hành này còn là bệ phóng giúp Google Apps, đặc biệt là Google Docs, gói ứng dụng văn phòng dùng trên nền web của họ tăng trưởng lên một tầm cao mới và tiếp tục tấn công vào “con bò sữa” bộ ứng dụng Office của đối thủ.

Không chỉ mải mê với cuộc chiến nhằm đánh bại Microsoft, Google còn cho cả thế giới thấy tham vọng của họ lớn hơn như thế rất nhiều với việc ra mắt nền tảng di động Android hồi năm 2008. Dù chỉ mới hơn 1 tuổi nhưng Android đã hứa hẹn sẽ là một thế lực không hề nhỏ trong tương lai. Khi Google Apps đã liên kết chặt chẽ hơn với hệ điều hành Chrome OS, hệ điều hành di động Android và trình duyệt Web Chrome của hãng này, thì mọi sự thay đổi sẽ diễn ra, hứa hẹn hay thậm chí là định hình lại kỷ nguyên công nghệ hiện nay, có thể thay đổi cách thức mọi người làm việc và giải trí.

Những ngày cuối năm 2009, Google còn tiếp tục gây sốc với thế giới công nghệ khi tuyên bố chuẩn bị ra mắt mẫu điện thoại di động đầu tiên của mình mang tên Nexus One. Bằng sản phẩm này, ông vua tìm kiếm đã chính thức đặt chân vào lĩnh vực phần cứng và quan trọng hơn là mảnh đất viễn thông màu mỡ. Nếu đúng như những gì họ dự định, Nexus One sẽ cho phép người dùng gọi điện thoại, nhắn tin thoải mái và miễn phí.

Nhưng Google vẫn là… Google

Mải mê chinh chiến trên các mặt trận mới nhưng Google vẫn không quên củng cố thế mạnh của mình trong lĩnh vực tìm kiếm. Họ cung cấp Public DNS giúp tăng tốc cho các trình duyệt, đặc biệt là khi người dùng sử dụng các dịch vụ cơ bản của Google như tìm kiếm, email, Google Apps. Họ xây dựng một giao thức web mới có tên là SPDY với khả năng hạn chế những nguy cơ tiềm ẩn và giúp người dùng tăng tốc độ lướt web bằng giao thức truyền thống HTTP.

Trước sức ép của Bing – máy tìm kiếm do Microsoft xây dựng vừa ra mắt hồi tháng 6/2009, Google quyết định đẩy nhanh tiến trình xây dựng cơ chế tìm kiếm theo thời gian thực tức các kết quả tìm kiếm sẽ không “nằm yên” như trước mà sẽ được cập nhật liên tục từng giây theo thông tin từ các mạng xã hội, blog. Ngoài ra, Google còn đang thử nghiệm một loạt tính năng tìm kiếm mới ví dụ như Goggles – dịch vụ tìm kiếm thông tin dùng “từ khóa” là một bức ảnh; công nghệ tìm kiếm và phiên dịch bằng giọng nói...

Trong lĩnh vực tìm kiếm di động, Google đang phát triển tiện ích gọi là “Google Suggest”, có thể đưa ra gợi ý thông minh cho người dùng dịch vụ tìm kiếm địa điểm bằng di động.

Và bắt đầu trở nên “đáng ghét”

Sự tham lam nếu không được tiết chế một cách hợp lý sẽ biến người ta trở nên đáng ghét và Google đã đi theo con đường này. Điển hình nhất của sự đáng ghét là dự án số hóa sách mang tên Google Books. Kế hoạch của Google là chuyển thể hàng triệu cuốn sách bằng mọi ngôn ngữ trên thế giới sang dạng số và lập thành một thư viện cho phép mọi người truy cập một cách miễn phí trên Internet. Nhưng họ đã vấp phải một sự phản đối vô cùng mạnh mẽ từ hầu hết các quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Đức, Pháp, Anh và ngay tại nước Mỹ quê nhà. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy mới đây đã từng tuyên bố: “Chúng ta sẽ không để toàn bộ di sản văn học quốc gia bị đánh cắp bởi người bạn lớn thân thiện mang tên Google”. Nói là làm, ngày 18/12/2009, tòa án Paris đã ra phán quyết cáo buộc chương trình Google Books vi phạm luật bản quyền của nước Pháp và tuyên phạt Google 10.000 euro mỗi ngày cho đến khi không còn một tác phẩm nào của Pháp tồn tại trên thư viện của gã khổng lồ tìm kiếm nữa.

Trước đó, ngày 16/11/2009, Hiệp hội xuất bản và tác giả ngoài nước Mỹ cũng đã chiến thắng trong vụ kiện đối với Google Books và buộc hãng này phải soạn thảo lại thỏa thuận với tác giả của các tác phẩm mà họ đưa lên mạng.

Tuy nhiên, Google Books “chưa là gì” so với những dấu ấn mà họ đã để lại trong năm 2009 nếu so sánh với cuộc chiến giữa Google với ông trùm truyền thông Rupert Murdoch. Bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng báo chí toàn cầu trong năm 2009, Rupert Murdoch đã lên tiếng chỉ trích Google một cách gay gắt và gọi họ là “kẻ ăn cắp” hay “con quái vật chuyên đi hút máu các tờ báo”. Theo giới truyền thông và Murdoch, Google đã lợi dụng các website tin tức để thu hút người dùng web và lấy đó làm nguồn để kiếm bộn tiền từ mảng dịch vụ quảng cáo trực tuyến của mình.

Theo ICTnews



Bình luận

  • TTCN (1)
Minh Tuấn

Google không đáng ghét

Tôi là sinh viên. Tôi cần tài liệu để học tập. Google books là một thứ tôi rất cần. Tôi yêu nó. Các nhà sách thì thừa sách đầy ra đó.