Tuy nhiên, đến cuối năm 2009 hàng loạt những tín hiệu vui lại xuất hiện.
Lao đao trong “bão”
Ngay từ nửa cuối năm 2008, đa số các công ty phần mềm, đặc biệt là những công ty chuyên về gia công xuất khẩu phần mềm hay tỷ trọng gia công xuất khẩu phần mềm chiếm phần lớn trong cơ cấu doanh thu đều đã chịu những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Đơn cử như tại FPT Software – một trong những công ty phần mềm hàng đầu Việt Nam - tốc độ tăng trưởng về doanh số khoảng 40%, giảm một nửa so với năm 2007, đạt khoảng 42 triệu doanh thu, trong đó 60% nguồn thu đến từ thị trường Nhật Bản. Đến giữa năm 2009, FPT Software dự kiến rất khiêm tốn về tốc độ tăng trưởng doanh thu trong năm, chỉ ở mức khoảng 10% đến 20% - một tốc độ thấp “chưa từng thấy” trong nhiều năm qua ở doanh nghiệp này. Mảng gia công xuất khẩu ở những công ty có tiếng như CMC Soft, Tinh Vân, Vietsoftware, TMA, NEC Solutions Việt Nam… cũng ở trong tình trạng “ảm đạm” chung khi bản thân những khách hàng của họ ở Bắc Mỹ hay Tây Âu, Nhật Bản… cũng còn đang lao đao trong “bão kinh tế”. Một lãnh đạo của FPT Software tiết lộ, đã có lúc trong quãng thời gian qua họ phải “cắn răng” nuôi không hàng vài trăm kỹ sư phần mềm trong vài ba tháng dù không có hợp đồng nhưng cũng không thể sa thải họ, vì đến lúc hợp đồng về, khách hàng đến thì tuyển dụng làm sao kịp lại được.
Bức tranh “đầy màu xám” của ngành phần mềm Việt Nam trong năm 2008-2009 còn được tái hiện trong kết quả cuộc khảo sát được VINASA thực hiện trong tháng 5-6/2009 và công bố hồi cuối tháng 8/2009, với 64% doanh nghiệp phần mềm Việt Nam tăng trưởng âm so với năm 2008, trong đó 12% số các doanh nghiệp phần mềm “bị suy giảm nghiêm trọng và gặp khó khăn về tài chính”. Chỉ có 36% số doanh nghiệp được hỏi cho biết khả năng sẽ đạt tốc độ tăng trưởng ổn định bằng hoặc cao hơn năm 2008.
Những số liệu, thông tin khác được đưa ra sau nửa đầu năm 2009 cũng đều mang cùng một tông màu xám, như báo cáo của Sở TT&TT TP. HCM cho biết trong nửa đầu năm 2009, ngành công nghiệp CNTT của thành phố đầu tàu này chỉ đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 10%, hay tại Đà Nẵng, tốc độ tăng trưởng của công nghiệp CNTT thành phố này không hề tăng so với cùng kỳ năm 2008…
Năm 2009 được đánh giá là “một năm đen tối của ngành công nghệ” thế giới, khi những “đại gia” như Intel bị thất thu trầm trọng, Microsoft lần đầu tiên nghe đến khái niệm “thua lỗ”, khi mà chi tiêu cho CNTT toàn cầu giảm ít nhất 11% trong năm 2009 (dự báo của hãng nghiên cứu thị trường Forrester Research tháng 6/2009)…, thì bức tranh chủ đạo gam màu xám của phần mềm Việt Nam cũng không thực sự phải là một cú sốc.
Bước sang nửa cuối năm 2009, nhiều nhận định của các chuyên gia hay doanh nghiệp đều chung một quan điểm: Suy thoái chưa chạm đáy và chưa thể nhìn thấy “ánh sang ở cuối đường hầm” mà ngành phần mềm Việt Nam đang bước đi.
Sau cơn mưa, trời sẽ hửng sáng
Dẫu khó khăn vẫn chưa dứt, song những tín hiệu lạc quan cho sự phục hồi và phát triển của ngành phần mềm Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện trong nửa cuối năm 2009 và gây dựng lại tinh thần lạc quan cho những người trong cuộc. Ngay trong những ngày đầu tháng 9/2009, FPT Software đã công bố dự án phần mềm Nina trị giá khoảng 2 triệu USD với một công ty Nhật Bản - đây được xem như là một dự án phần mềm quy mô lớn nhất tại Việt Nam với thị trường xứ sở Hoa anh đào. Trong tháng 11/2009, FPT Software cũng chính thức cho biết đã mời ông Ogawa Takeo, nguyên Tổng giám đốc Hitachi Software về làm tổng giám đốc của FPT Japan với tham vọng tấn công mạnh mẽ hơn nữa vào thị trường Nhật Bản trong những năm tiếp theo.
Với những người lạc quan, không phải họ không nhận ra những cơ hội cho phần mềm Việt Nam trong giai đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu, khi mà những lợi thế về chi phí nhân công và những chi phí khác có thể thấp hơn tới 30% so với các “cường quốc” phần mềm khác như Trung Quốc hay Ấn Độ. Trong thời buổi “gạo châu, củi quế” như thế, việc chọn lựa gia công phần mềm ở những khu vực có chi phí thấp thường là ưu tiên của các khách hàng.
Về mặt truyền thông, những bản báo cáo, xếp hạng của các hãng nghiên cứu thị trường và tư vấn toàn cầu hàng đầu như Gartner xếp hạng Việt Nam nằm trong 10 quốc gia có dịch vụ gia công phần mềm đứng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương, hay đứng thứ 10 trong bảng xếp hạng Top 50 quốc gia hấp dẫn nhất về gia công phần mềm toàn cầu trong công bố của hãng tư vấn AT Kearney rõ ràng cũng đã tạo hiệu ứng lớn về mặt hình ảnh và thương hiệu của phần mềm Việt Nam trong cộng đồng phần mềm toàn cầu. Khi kinh tế toàn cầu phục hồi và chi tiêu cho CNTT tăng trở lại, những bảng xếp hạng như vậy chắc chắn sẽ tác động lớn đến lựa chọn của các khách hàng phần mềm trên toàn thế giới.
Dẫu rằng vẫn còn đó bộn bề khó khăn và vẫn còn rất nhiều việc phải làm để phần mềm Việt Nam trở thành một “thế lực” mới, song khi năm 2009 chưa kết thúc, những con số mà Vụ CNTT, Bộ TT&TT công bố về phần mềm Việt Nam trong năm 2009 với tổng doanh số đạt khoảng 880 triệu USD, với tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức 35% và vượt mục tiêu 800 triệu USD mà Chính phủ đề ra cho phần mềm Việt Nam vào năm 2010 chắc chắn sẽ tạo niềm hưng phấn và động lực to lớn để phần mềm Việt Nam chuẩn bị đón nhận những cơ hội và thành công mới trong năm 2010 và những năm tiếp theo.
Tại một cuộc hội thảo về phần mềm được tổ chức hồi đầu năm 2009, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam (VINASA) và là Chủ tịch của Công ty FPT, ông Trương Gia Bình, đã nhận định tốc độ tăng trưởng toàn ngành của phần mềm Việt Nam trong năm 2009 chỉ khoảng 10% so với tốc độ tăng trưởng 20% của phần mềm năm 2008 mà nguyên nhân chủ yếu là do “hoàn lưu của cơn bão” kinh tế toàn cầu.
Theo ICTnews
Bình luận