Giờ thực hành của sinh viên Ảnh: Tổng hợp.

Mục tiêu của Việt Nam là tiến tới “xuất khẩu” nguồn nhân lực CNTT vào năm 2020, mà bước đệm cho tham vọng đó là từ nay đến 2015 việc đào tạo nguồn nhân lực ở bậc ĐH phải đạt trình độ tiến tiến trong khu vực ASEAN. Để đạt được “đỉnh cao” đó chắc chắn phải trải qua không ít thác ghềnh.

Những… “cái khó bó cái khôn” trong đào tạo

Cái khó ở nước ta là các chương trình đào tạo CNTT đều dựa trên một khung chương trình của Bộ GD và ĐT, mà trên thực tế sự phát triển của CNTT là liên tục đổi mới. Vậy làm thế nào để xây dựng được một chương trình CNTT chất lượng ổn định lại phù hợp với những thay đổi nhanh chóng đó là một thách thức lớn cho những người xây dựng chương trình.

Theo khảo sát hiện nay chương trình khung đã cũ và cứng nhắc, học sinh phải học quá nhiều các môn giống nhau. Những môn này đa số sinh viên nghĩ không quan trọng, không cần thiết nên học không chú tâm, mang tính đối phó cho đủ điểm. Bên cạnh đó các môn xã hội chiếm thời lượng quá nhiều như: kỹ thuật quân sự, triết học, chính trị,… Mặt khác chương trình khung này sẽ đào tạo các sinh viên IT giống nhau như khuôn đúc trong phần kiến thức đại cương. Muốn nâng cao chất lượng đào tạo các trường nên chủ động biên soạn chương trình để trong cùng một ngành, mỗi trường sẽ có chương trình đặc thù mang thế mạnh riêng của trường mình.

Về cơ sở vật chất do đặc thù của ngành CNTT phát triển rất nhanh, do đó các trang thiết bị máy móc phục vụ cho thực hành thí nghiệm chỉ sau một hai năm đã không thể đáp ứng được nhu cầu thực hành thí nghiệm với công nghệ mới. Bên cạnh đó các trường chỉ có thể trang bị các thiết bị phần cứng, còn phầm mềm chủ yếu là không có bản quyền nên khi sinh viên thực hành trên đó gặp nhiều lỗi không kiểm soát được.

Cái khó tiếp theo là việc xây dựng một chương trình đào tạo chuyên ngành CNTT theo chuẩn quốc tế, phù hợp với nhu cầu xã hội Việt Nam. Hiện nay, các trường không đủ kinh phí và uy tín để có thể mua một bản quyền của một chương trình nổi tiếng.

Chương trình đào tạo giữa các ngành CNTT và truyền thông chưa có sự liên kết, liên thông dẫn tới tình trạng kỹ sư ngành CNTT lập trình giỏi nhưng không đủ kiến thức về các hệ thống, các thiết bị đầu cuối để lập trình. Ngược lại các kỹ sư ngành Viễn thông có các kiến thức về hệ thống và các thiết bị đầu cuối nhưng thiếu kỹ năng lập trình lại không tốt để lập trình điều khiển hệ thống.

Đó chính là những thách thức lớn, phức tạp đối với chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam trong hiện nay và tương lai. Như vậy, việc ưu tiên hàng đầu để phát triển CNTT, là phải ưu tiên những nghiên cứu liên ngành một cách cụ thể.

Giảng dạy theo kiểu “độc quyền”

Để đào tạo có chất lượng, đương nhiên đội ngũ giáo viên cần có kiến thức chuyên môn sâu và kinh nghiệm thực tế để truyền đạt. Tuy nhiên với nhưng người đủ tiêu chuẩn này, mức lương nhà trường chi trả không thể cạnh tranh được với khối doanh nghiệp, vì vậy việc thu hút nhân tài có trình độ cao để thực hiện kế hoạch giảng dạy là một thách thức rất lớn.

Việc giáo viên giảng dạy theo kiểu “độc quyền” là chuyện vẫn thường diễn ra tại các trường. Chúng ta thấy rõ giáo viên dạy môn học được phân công cho lớp nào thì hầu như “bao thầu trọn gói” tự mình quyết định từ nội dung, việc dạy, việc học, đánh giá kết quả, thậm chí cả thời lượng giảng dạy. Nhiều môn học gồm nhiều hoạt động như: học lý thuyết, tham gia thực hành thí nghiệm, thảo luân, làm bài tập lớn,…cũng do một giáo viên đảm nhận, thậm chí các giáo viên làm trợ giảng cũng tham gia giảng dạy theo kiểu “độc quyền” này và ngay cả giáo viên hướng dẫn thực hành, thí nghiệm, hướng dẫn đồ án,…cũng vậy.

Sinh viên học thụ động và chỉ học những gì giáo viên truyền đạt, bài giảng của giáo viên ít cập nhật cho phù hợp với thực tế, nên đa số sinh viên chỉ cố gắng học đủ điểm đạt. Việc học lại, thi lại diễn ra tại các trường phổ biến từ 15% đến 50%, đây là tình hình rất đáng lo ngại.

Việc “học” vẫn thiếu “hành”

Trường đại học là nơi không những truyền đạt kiến thức đỉnh cao mà còn tạo ra tri thức mới, thông qua nghiên cứu thực tế. Nhưng hiện nay chương trình “học” vẫn thiếu “hành” và chậm đổi mới là thực tế ở các trường đào tạo CNTT, sự liên kết giữa các trường và với các doanh nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn, các công ty chỉ nhận được một số lượng hạn chế sinh viên thực tập trong khi đó số lượng sinh viên của các trường lại tương đối lớn. Vì đặc thù của chuyên ngành đào tạo đòi hỏi phải có trang thiết bị hiện đại về CNTT nên rất khó tìm được nhiều cơ sở đáp ứng được, do số lượng sinh viên đông đến thực tâp tức là đã dùng các thiết bị như: máy tính, phòng thí nghiệm, trạm điều khiển,… của họ, mà những thiết bị đó chỉ cần ít người thao tác, dễ hư hỏng, dễ có sự cố, nhưng rất… đắt tiền!

Lâu nay, hầu hết những nơi sinh viên thực tập tốt nghiệp một phần tự liên hệ, một phần là do khoa liên hệ, gửi gắm tùy theo sự “hảo tâm” hay năng lực thực tế của các doanh nghiệp đó, thực tế trường không có điều kiện bố trí giáo viên đi cùng sinh viên, nên không theo dõi được quá trình học và hành trong môi trường thực tế của sinh viên. Giáo viên chỉ có được kết quả qua các phiếu nhận xét của nơi sinh viên thực tập mà thường là “tốt”, và các báo cáo cuối kỳ cũng mang tính hình thức. Đây chính là thách thức đặt ra cho lãnh đạo các doanh nghiệp và các trường, tìm lời giải đáp tích cực nhất cho nguồn nhân lực của mình.

Thực tế cho chúng ta thấy, còn có quá nhiều “chướng ngại vật” trên đường đi tới “đỉnh cao”, nó tạo sức ép rất lớn cho công tác đào tạo nhân lực CNTT trong các trường đại học, mà không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Để thực hiện được mục tiêu như đã đề ra, chúng ta cần phải có một lộ trình, giải pháp mang tính tổng thể và toàn diện với sự phối hợp tích cực giữa các Bộ, ban, ngành cũng như các nhà hoạch định chính sách để tạo ra sự phát triển bền vững của hệ thống CNTT Việt Nam.

Theo VnMedia



Bình luận

  • TTCN (1)
vo duy thanh

Phản Ánh Việc Học "Khuôn Khổ " ở Bậc Đại Học

Bài viết rất hay , đa số các trường giảng dạy thường là dạy theo khuôn bậc của bộ giáo dục đưa ra là ok mà không biết là nó quá cũ mà CNTT thì nó mõi ngày mõi mói đòi hỏi phải thay đỏi liên tục