Con đường cung cấp dịch vụ thoại cố định của FPT Telecom được nhận định không phải con đường được trải hoa hồng khi mà nó được ví như "chiếc bánh" không còn vị ngọt.
Sau khi được cấp phép cung cấp dịch vụ điện thoại cố định (ĐTCĐ), FPT Telecom dự kiến sẽ cung cấp dịch vụ này vào tháng 3/2007 và đến hết năm 2007 sẽ có khoảng 250 000 thuê bao ĐTCĐ. Tuy nhiên, FPT Telecom đã phải lỗi hẹn với thị trường bởi những dự định ban đầu tưởng như là nhiệm vụ "bất khả thi".
Trước thực tế này, nhiều người nhận định có thể FPT Telecom sẽ bỏ cuộc chơi. Nhưng thực tế lại không phải vậy, mới đây, FPT Telecom tuyên bố 2 tháng nữa sẽ cung cấp dịch vụ ĐTCĐ với đầu số là 30xxxxx.
Trong lần trả lời báo Bưu điện Việt Nam gần đây, ông Trương Đình Anh, Tổng Giám đốc FPT Telecom cho biết: FPT Telecom sẽ cung cấp dịch vụ ĐTCĐ trên nền mạng NGN. Với công nghệ này, trên 1 đường dây thuê bao, FPT Telecom có thể cung cấp được nhiều số thuê bao và cá nhân hoá được cả số thuê bao cố định trong mỗi gia đình. Ngoài ra, trên mạng NGN còn có thể cung cấp được cả dịch vụ IP phone. Theo kế hoạch, FPT Telecom sẽ triển khai dịch vụ ĐTCĐ tại 5 tỉnh thành là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Hải Phòng.
Việc FPT Telecom nhảy vào thị trường ĐTCĐ hữu tuyến được giới chuyên môn nhận định là con đường đầy chông gai và khắc nghiệt.
Theo FPT Telecom, cuối năm 2007, công ty có thể đạt đến con số 300 000 thuê bao ADSL. Với số thuê bao này, FPT Telecom trở thành "ông lớn" trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ Internet băng rộng, nhưng trong viễn thông thì doanh nghiệp này vẫn là "chàng tí hon". Số thuê bao ADSL của FPT Telecom hiện chỉ tập trung ở 2 thị trường lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. FPT Telecom đang hy vọng số thuê bao này sẽ trở thành những khách hàng sử dụng dịch vụ ĐTCĐ của mình.
Thế nhưng, đa số những khách hàng sử dụng dịch vụ ADSL của FPT đang sử dụng dịch vụ ĐTCĐ của nhà khai thác khác như VNPT, Viettel - những doanh nghiệp đã xác lập được thương hiệu trên thị trường. Điều này cho thấy, FPT Telecom không dễ chèo kéo những khách này chuyển sang sử dụng dịch vụ ĐTCĐ của mình. Lợi thế về hạ tầng và khách hàng của ADSL chưa hẳn đã là lợi thế cho FPT Telecom trên hành trình tiến vào thị trường ĐTCĐ.
Liên tục trong thời gian dài, dịch vụ ĐTCĐ trầm lắng bởi các nhà cung cấp dịch vụ hiểu rằng, dịch vụ này đòi hỏi đầu tư rất lớn, trong khi đó xu hướng tiêu dùng đang chuyển sang dịch vụ di động nên doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao ĐTCĐ sẽ chẳng còn nhiều. Trên thực tế hiện nay, nhu cầu sử dụng dịch vụ vẫn còn khá nhiều ở vùng nông thôn. Thậm chí nhiều nơi người dân vẫn xếp đơn dài cổ chờ được lắp điện thoại.
Song giới phân tích cho rằng, "chàng tí hon" FPT Telecom không đủ tiền, không đủ lực, không đủ người để vươn tới những vùng này. Hơn nữa FPT Telecom cũng chẳng dại gì "húc đầu vào đá" để đầu tư dịch vụ ĐTCĐ ở nơi mà rất khó sinh lời. Trong khi đó, thị trường được nhận định là mầu mỡ như tại các khu đô thị mới thì VNPT cơ bản đã vét hết khách hàng. Thậm chí, người đi sau là Viettel cũng gần như phải buông thị trường này cho VNPT mà tiến quân xuống huyện, xã.
Mặc dù Viettel chỉ mất 3 năm để vươn lên vị trí số 1 về thuê bao di động, nhưng chuyện vượt qua mặt VNPT về số thuê bao cố định chưa hề được Viettel mơ tới. Ngay cả Saigon Postel đã nhập cuộc cung cấp dịch vụ điện thoại khá lâu nhưng giờ đây vẫn chỉ loanh quanh tại thị trường TP Hồ Chí Minh. Thậm chí có doanh nghiệp như Hanoi Telecom đã được cấp phép cung cấp dịch vụ ĐTCĐ từ lâu những vẫn ở cảnh "án binh bất động". Nhiều nhà cung cấp dịch vụ điện thoại cố định đã chuyển hướng sang cung cấp dịch vụ ĐTCĐ không dây trên hạ tầng mạng di động chứ không cung cấp dịch vụ điện thoại hữu tuyến để giải quyết bài toán hiệu quả kinh tế như VNPT, Viettel và EVN Telecom.
Như vậy, câu chuyện nhập cuộc thị trường ĐTCĐ của FPT Telecom được ví như "lách qua khe cửa hẹp". Thế nhưng, dẫu có khó khăn đi chăng nữa thì việc FPT Telecom nhập cuộc sẽ là tín hiệu mừng cho khách hàng bởi họ sẽ có thêm sự lựa chọn.
(theo ICTnews)
Bình luận
Tương lai thì làm cái ĐTCĐ này có lời không ta?
NGN cho mạng cố định bao gồm: ADSL, điện thoại IP... FPT sẽ triển khai thêm điện thoại cố định IP thôi vì chi phí chẳng thêm bao nhiêu hết. Còn tương lai mạng điện thoại ADSL sẽ còn lợi nhuận dài dài... FPT chắc cũng tính đến chuyện bắt chước FON, khuyến khích khách hàng chia sẽ Wi-Fi (dùng mạng ADSL cua FPT)... để kiếm lời
Bây giờ thử cho gọi điện thoại IP cố định ko giới hạn (cả ngày hoặc 1 vài giờ) qua mạng NGN (giống các nước phát triển), bà con đổ về dùng FPT ào ào cho xem.