“Cổng thông tin điện tử Chính phủ” do Ban điều hành đề án 112 Chính phủ xây dựng (http://www.gov.vn) thường xuyên bị lỗi và không sử dụng được. Sản phẩm này hiện không được thừa nhận.

Lâu nay, nhiều người thường biết trang tin điện tử của Chính phủ tại địa chỉ www.chinhphu.vnwww.vietnam.gov.vn. Tuy nhiên, có một nơi cũng tự xưng là “cổng thông tin điện tử (CTTĐT) Chính phủ” được “treo” tại địa chỉ www.gov.vn, song đây lại là “đứa con” không được thừa nhận.

Vay tiền để “đẻ” ra cổng thông tin điện tử!

CTTĐT www.gov.vn được Ban điều hành đề án 112 Chính phủ giới thiệu là CTTĐT của Chính phủ và các thông tin tại đây được tích hợp tự động từ các nguồn tin mới nhất của các website chính thức của các cơ quan hành chính phục vụ yêu cầu của Chính phủ, công dân, doanh nghiệp và người nước ngoài. Theo Ban điều hành đề án 112 Chính phủ, đây là một trong các thành phần nền tảng cơ bản của hệ thống thông tin điện tử Chính phủ nhằm tích hợp thông tin điện tử thuộc hệ thống thông tin điện tử của các bộ, tỉnh do đề án 112 xây dựng. Ngoài ra, đây cũng là công cụ để từ trung ương truy cập các thông tin điều hành của bộ, tỉnh phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ.

Tháng 5/2005, Ban điều hành đề án 112 Chính phủ kết thúc giai đoạn thử nghiệm xây dựng cổng www.gov.vn và vận hành trên mạng Internet. Tháng 9/2005, cổng này chính thức khai trương.

Nằm trong nội dung thực hiện của đề án 112 song CTTĐT Chính phủ www.gov.vn lại sử dụng nguồn vốn vay 170 tỉ đồng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Theo Ban điều hành đề án 112 Chính phủ, “CTTĐT Chính phủ” là một trong các điều kiện rút vốn từ nguồn thuộc hiệp định khoản vay do ADB hỗ trợ nhằm thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước (giai đoạn 2001 - 2005).

Ban điều hành đề án 112 Chính phủ cho biết thêm giám đốc ADB đã kiểm tra, đánh giá và chấp thuận kết quả xây dựng đáp ứng điều kiện giải ngân cuối cùng thuộc hiệp định vay vốn của ADB. Tuy nhiên, ông Lương Cao Sơn, thư ký Ban điều hành đề án 112 Chính phủ, cho hay chưa biết cụ thể số tiền xây dựng CTTĐT này là bao nhiêu. Tuy vậy, ông Sơn cũng nói chỉ riêng số tiền mua bản quyền giải pháp công nghệ để xây dựng CTTĐT này vào khoảng 3 000 - 4 000 USD.

Vô trách nhiệm với Chính phủ và nhân dân!

Ảnh
Trang tin điện tử của Chính phủ hiện là kênh thông tin chính thức của Chính phủ (do Ban quản lý dự án website Chính phủ xây dựng) và có quyết định xây dựng thành cổng giao tiếp điện tử Chính phủ.

Như chúng tôi đã đề cập, hiện CTTĐT chính thức của Chính phủ (được nâng cấp từ website Chính phủ) có hai địa chỉ gồm www.chinhphu.vnwww.vietnam.gov.vn. Website này được Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm thay mặt Thủ tướng ký quyết định thành lập vào tháng 11/2003 và được Thủ tướng đồng ý đổi tên thành CTTĐT Chính phủ vào tháng tư vừa qua.

Tháng 9/2005, khi CTTĐT chính thức của Chính phủ chưa ra đời thì Ban điều hành đề án 112 đã chuẩn bị khai trương sản phẩm của mình cũng với tên CTTĐT Chính phủ. Ngay lập tức, ông Nguyễn Công Hóa, trưởng ban quản lý dự án website Chính phủ (hiện đã được Thủ tướng quyết định nâng thành CTTĐT của Chính phủ), đã có văn bản trình bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định CTTĐT Chính phủ do Ban điều hành đề án 112 Chính phủ đưa lên Internet “có nhiều bất cập cả về tính pháp lý, cả về công nghệ và đặc biệt là những nội dung thông tin đưa vào cổng này”. Theo ông Hóa, nếu không làm rõ mục đích, nội dung và xử lý kịp thời có thể dẫn đến việc hiểu nhầm cho nhiều người, làm ảnh hưởng đến Thủ tướng và Văn phòng Chính phủ về sự chồng chéo, lãng phí trong ứng dụng công nghệ thông tin...

Cụ thể, ông Hóa cho rằng CTTĐT Chính phủ của đề án 112 chưa có quyết định thành lập và phê duyệt thiết kế, chưa có giấy phép của Bộ Văn hóa - thông tin, tổng biên tập (trưởng Ban điều hành đề án 112 Chính phủ Vũ Đình Thuần kiêm chức tổng biên tập) chưa có quyết định của người có thẩm quyền bổ nhiệm. Về mặt kỹ thuật, ông Hóa nói trang này sử dụng công nghệ cổng hút tin từ các trang khác không cần quan tâm đến số lượng, chất lượng và an ninh dữ liệu. Việc bố trí các chuyên mục bên trong rất tùy tiện.

Bản báo cáo của ông Hóa kết luận: “Có nhiều công việc cấp thiết cần sự đầu tư cả về trí tuệ và nguồn lực, tài chính của hoạt động triển khai đề án 112 Chính phủ. Nhất là sau khi các cơ quan trung ương và địa phương cả nước, trong đó có Văn phòng Chính phủ, mấy năm qua đã bỏ ra nhiều trăm tỉ đồng từ nguồn vốn của ngân sách cấp cho đề án 112 để mua sắm máy móc thiết bị, giờ đây rất cần được thiết kế tổ chức xây dựng các tổng kho dữ liệu điện tử quốc gia (không chỉ là những website nội dung nghèo nàn, trùng lặp) để tích hợp vào hệ thống thiết bị, đưa vào vận hành khai thác, phục vụ lợi ích của quốc dân. Vì vậy, chúng tôi không hiểu sao Ban điều hành đề án 112 lại đi làm một công việc khó hiểu này? Phải chăng vì sức ép của nước ngoài mà phải vội vàng làm ra một sản phẩm không phải “cháo” mà cũng không phải “cơm” như vậy?...”.

Dưới góc độ chuyên môn, ông Trần Lương Sơn, tổng giám đốc Công ty phần mềm VietSoftware, khẳng định CTTĐT Chính phủ do đề án 112 xây dựng là sản phẩm mà ở đó thể hiện sự vô trách nhiệm với Chính phủ và nhân dân.

Việc xây dựng “CTTĐT Chính phủ” do đề án 112 thực hiện là một sự lãng phí tiền của Nhà nước, đặc biệt đó là nguồn vốn vay! Ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi tiền ngân sách đổ vào đây để làm ra một sản phẩm gọi là “cổng thông tin của Chính phủ” nhưng nó không được sử dụng như một kênh thông tin chính thức của Chính phủ?

(Quốc Thanh - Khiết Hưng, TTO)




Bình luận

  • TTCN (0)