Ông Ray Owen, Giám đốc công nghệ khu vực châu Á của Motorola. Ảnh: Thái Khang.

Motorola cho rằng năm 2008, WiMAX sẽ cất cánh tại Việt Nam, là đòn bẩy đẩy mạnh số thuê bao băng rộng tại Việt Nam, và rộng hơn là tăng trưởng kinh tế.

Ngày 16/10/2007, Motorola đã tổ chức buổi hội thảo chuyên đề về WiMAX. Ông David Knapp, Trưởng đại diện Motorola tại Việt Nam cho biết, việc Chính phủ Việt Nam đã đồng ý cho 5 nhà khai thác được thử nghiệm công nghệ này là động thái để đẩy mạnh số thuê bao băng rộng tại Việt Nam, đồng thời thúc đẩy sự tăng trưởng của GDP của quốc gia.

Ảnh
Ông David Knapp, Trưởng đại diện Motorola tại Việt Nam. Ảnh: Thái Khang.

Motorola đang kỳ vọng cuối năm 2007 Việt Nam tiến hành thử nghiệm WiMAX ở chuẩn 802.16e (WiMAX di động) và đến năm 2008 có thể thương mại hoá được.

"Hiện thiết bị WiMAX của Motorola đã sẵn sàng để chuyển sang sang Việt Nam trong dự án thử nghiệm với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT). Tuy nhiên, chúng tôi còn chờ sự đồng ý của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tôi cho rằng năm 2008 sẽ là năm của WiMAX tại Việt Nam", ông David Knapp nói.

Motorola cho biết, hiện trên thế giới đã có tới 580 giấy phép triển khai WiMAX sử dụng băng tần 2,3 - 2,5 GHz. Nếu Việt Nam triển khai WiMAX trên băng tần này sẽ có lợi thế quy mô khi mà nhiều nhà khai thác sử dụng băng tần này sẽ có nhiều thiết bị được sản xuất nên giá thiết bị sẽ giảm mạnh. Bên cạnh đó Việt Nam không chỉ nên triển khai WiMAX tại các trung tâm lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mà nên triển khai rộng rãi hơn.

Tiến sĩ Ray Owen, Giám đốc công nghệ khu vực châu Á của Motorola đưa ra khuyến nghị Việt Nam nên dùng băng tần 2,3 GHz và 2,5 GHz cho WiMAX, vì đây là băng tần được nhiều quốc gia sử dụng cho công nghệ này. Khi cấp băng tần WiMAX, Việt Nam nên cấp lớn hơn 30 MHz cho mỗi nhà để họ có đủ băng tần phát triển khách hàng.

Về sự "cạnh tranh" giữa WiMAX và công nghệ di động thế hệ thứ 3 (3G), ông Ray Owen nói mục đích chính của WiMAX là đưa dịch vụ Internet băng rộng không dây đến cho khách hàng, từ đó khách hàng có thể thể sử dụng các dịch vụ băng rộng trên mạng WiMAX này và đương nhiên là cả dịch vụ thoại. Trong khi đó 3G đóng vai trò như tăng dụng lượng cho mạng di động và chống nghẽn băng tần cho mạng 2G. Trong thời gian tới, chipset hỗ trợ WiMAX có thể được tích hợp trong các thiết bị điện tử để điều khiển như tivi, tủ lạnh... Lộ trình phát triển của WiMAX cũng sẽ đi theo hướng năm 2007 đóng vai trò kéo dài cho DSL, năm 2008 sẽ được ứng dụng trong máy tính xác tay, và năm 2009 sẽ tích hợp vào các thiết bị di động cầm tay.

"WiMAX giúp khách hàng kết nối Internet băng rộng không dây và có chi phí rẻ hơn nhiều so với việc triển khai Internet băng rộng qua cáp đồng, điều này sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cho nhà khai thác. Thực tế hiện nay, WiMAX đã được thương mại hoá ở Pakistan bởi nhà khai thác Wateen Telecom để cung cấp nhiều dịch vụ cho hộ gia đình, doanh nghiệp, thậm chí kết nối hệ thống ATM của các ngân hàng. Chỉ trong 9 tháng, Wateen Telecom đã phủ sóng WiMAX được tại 14 tỉnh lớn của Pakistan. Trong khi đó HSPA lại là sự thổi phồng về tốc độ bởi 5 năm gần đây công nghệ 3G không đạt được tốc độ băng thông như đã hứa. Nhiều nhà khai thác đã phải chi phí hàng tỷ USD cho 3G nhưng doanh thu vẫn chủ yếu là thoại và SMS. Vì vậy, Việt Nam có thể học mô hình triển khai WiMAX của Pakistan", ông Ray Owen khuyến nghị.

(theo ICTnews) 




Bình luận

  • TTCN (0)