Nước ngoài đánh giá WiMAX ở Việt Nam là “dẫn đầu”, “cuộc cách mạng ở nông thôn”. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam kêu khó thương mại hoá WiMAX vì thiết bị đắt.
Báo nước ngoài: Việt Nam dẫn đầu về WiMAX
Vào đầu tháng Tám, trang Web telecomasia.net chuyên về tin tức viễn thông trong khu vực châu Á có bài viết với tựa đề “Cuộc cách mạng ở nông thôn”. Dự án thí điểm WiMAX ở tỉnh Lào Cai của Việt Nam được đưa ra làm dẫn chứng xuyên suốt cho bài báo về cuộc cách mạng đó.
Bài báo nêu thực trạng chung ở nhiều nước là sự bão hoà của dịch vụ viễn thông ở khu vực đô thị, nhận thức của chính phủ về lợi ích kinh tế xã hội đã thúc đẩy việc triển khai WiMAX, một công nghệ cho phép truy cập băng rộng không dây trong một phạm vi rộng.
Lấy ví dụ triển khai WiMAX ở Lào Cai, bài viết chứng tỏ Việt Nam dẫn đầu về WiMAX và coi các người khổng lồ công nghệ châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc là “đang ngủ”. Bài viết nhận xét, dự án ở Lào Cai minh hoạ cho xu hướng hợp tác chung giữa chính phủ, các nhà cung cấp thiết bị và doanh nghiệp viễn thông để tận dụng các cơ hội mới cho phát triển kinh tế. Hãng Intel, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và Công ty Điện toán và truyền số liệu (VDC) từ năm ngoái đã thử nghiệm WiMAX ở tỉnh miền núi phía Bắc Lào Cai với kỳ vọng các ngành truyền thống như lâm nghiệp, nông nghiệp có thể sử dụng hạ tầng viễn thông mới để phát triển kinh doanh và có thể thu hút trao đổi thương mại với Trung Quốc. Giai đoạn hai của dự án sẽ kết thúc vào tháng Mười sắp tới.
WiMAX ở Lào Cai có thực giúp Việt Nam dẫn đầu?
Tại Lào Cai, VDC đã cùng với Công ty Intel và Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) thử nghiệm thử nghiệm WiMAX ở chuẩn 802.16d trong phạm vi thị xã Lào Cai và các xã vùng ven thị xã. VDC và Intel tiến hành thử nghiệm cho 19 thuê bao với các mô hình khác nhau như cho trường học, bệnh viện, quán cà phê Interrnet, hộ gia đình, điểm Bưu điện Văn hoá xã (BĐVHX)…
Qua thời gian thử nghiệm VNPT cho rằng, công nghệ WiMAX cố định đã chín muồi để đưa vào triển khai trong thực tế và dễ dàng triển khai một cách nhanh chóng cho bất kỳ địa điểm vùng sâu vùng xa nào. Bên cạnh đó, WiMAX có thể kết hợp tốt với nhiều công nghệ truyền dẫn khác nhau (giai đoạn 1 sử dụng công nghệ truyền dẫn qua ADSL, giai đoạn 2 sử dụng công nghệ truyền dẫn qua VSAT-IP). Tuy nhiên, do trong quá trình thử nghiệm chưa có hệ thống quản lý và tính cước và giá thiết bị còn cao nên chưa có khả năng đưa vào khai thác thương mại. Bên cạnh đó, hệ thống tường lửa chưa được trang bị chuyên nghiệp nên dễ bị tấn công, ảnh hưởng đến hoạt động của mạng. Ngoài ra, do số lượng trạm thu phát còn ít nên hạn chế khả năng phủ sóng, do đó thử nghiệm chưa thực sự đánh giá được tiềm năng thật của hệ thống.
Hiện nay, hầu hết các hãng cung cấp thiết bị viễn thông lớn (Alcatel, Siemens, Motorola…) có xu hướng đầu tư nghiên cứu sản xuất thiết bị theo hướng WiMAX di động ở chuẩn 802.16e. Trong khi đó, ở Việt Nam các doanh nghiệp lại thử nghiệm WiMAX chuẩn d, tại tần số 3,3 GHz. Cho nên, số lượng đối tác có thiết bị thử nghiệm rất ít làm cho giá thiết bị và đầu cuối cao, khó thực hiện ở quy mô lớn.
Thử nghiệm nhiều nhưng khả năng thương mại hoá thấp
Ngoài VNPT, còn có VTC, Viettel và FPT đã tiến hành thử nghiệm WiMAX ở Hà Nội. Cũng như VNPT, các doanh nghiệp đều "kêu" khó khăn về giá thiết bị.
Viettel cho biết, việc thử nghiệm WiMAX cố định ở tần số 3,3 - 3,4 GHz gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thiết bị sử dụng, giá thiết bị đắt đỏ nên chưa thể mở rộng quy mô thử nghiệm. Bên cạnh đó, việc triển khai WiMAX cố định trong phạm vi băng tần này là rất hẹp không đủ cho việc phát triển quy mô lớn.
Theo FPT Telecom, thực tế thử nghiệm cho thấy, hệ thống IPTV, VoD hiện có của FPT Telecom chạy trên nền WiMAX tốt, hình ảnh không bị giật, chơi game online không bị dừng hình, đặc biệt khi sử dụng điện thoại VoIP thông qua hệ thống WiMAX âm thanh không bị nhiễu. Tuy nhiên báo cáo của FPT Telecom không có nhận xét đánh giá về kết quả thử nghiệm và chưa có ý kiến gì về vấn đề cấp phép cũng như thử nghiệm công nghệ này.
Sau 1 năm thử nghiệm, phía VTC cho biết chất lượng cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng, VoD, VoIP tốt, dễ triển khai và ổn định. VTC cũng đang xin phép tiếp tục thử nghiệm ở các thành phố khác ngoài Hà Nội như: Đà Nẵng, Hồ Chí Minh và tăng thêm số lượng khách hàng tham gia thử nghiệm dịch vụ WiMAX. VTC xin phép được triển khai thử nghiệm WiMAX tại băng tần 2,3 GHz với độ rộng dải tần số 30 MHz.
Qua việc thử nghiệm của các doanh nghiệp cho thấy WiMAX ở Việt Nam vẫn là câu chuyện của thì tương lai. Các nhà khai thác viễn thông cho thấy họ đã "ngán ngẩm" với chuẩn được thử nghiệm là chuẩn WiMAX cố định 802.16d và băng tần 3,3 - 3,4 GHz. Các nhà khai thác này muốn chuyển sang cung cấp dịch vụ này ở chuẩn Mobile WiMAX 802.16e ở băng tần 2,3 - 2,5 GHz. Tuy nhiên, hiện chuẩn này vẫn chưa thực sự hoàn thiện và chưa có thiết bị để thử.
Có quá nhiều rào cản đặt ra cho việc đem công nghệ WiMAX vào Việt Nam như giá thiết bị và các dịch vụ cung cấp mà doanh nghiệp cung cấp chưa phong phú mà chỉ mang tính cầm chừng để đợi hoàn thiện chuẩn. Các dịch vụ thử nghiệm còn đơn điệu, chủ yếu là dịch vụ VoIP nội mạng và truy nhập Internet vô tuyến. Hơn nữa, mô hình thử nghiệm của các doanh nghiệp Việt Nam theo báo cáo là rất nhỏ nên việc đánh giá thực sự chất lượng chưa hoàn toàn chính xác.
Tâng bốc WiMAX Việt Nam để bán thiết bị?
Mặc dù Việt Nam chưa thể thương mại hóa công nghệ WiMAX và người dân chưa thể hưởng lợi gì từ công nghệ này, nhưng giới truyền thông trên thế giới lại thổi Việt Nam như con chim đầu đàn về triển khai WiMAX.
Tại hàng loạt các cuộc triển lãm lớn trên thế giới như 3GSM ở Tây Ban Nha, 3G ở Hong Kong, Communic 2007 ở Singapore, qua quan sát của phóng viên báo Bưu điện Việt Nam, Việt Nam được đánh giá như là ngôi sao sáng trên bản đồ WiMAX thế giới.
Không chỉ WiMAX, công nghệ truyền hình số DVB-H cho điện thoại di động do VTC đang triển khai cũng đã được đẩy lên như người tiên phong mở đường trên thế giới. Nhân dịp diễn ra 3GSM ở Tây Ban Nha, Communic 2007 ở Singapore, Việt Nam liên tục được giới truyền thông nêu tên. Thậm chí, các phóng viên mỗi khi gặp phóng viên báo Bưu điện Việt Nam là hỏi đến dịch vụ này.
Thực tế, việc triển khai dịch vụ truyền hình di động của VTC đến nay mới chỉ thu hút khoảng 5.000 thuê bao, phạm vi cung cấp dịch vụ hẹp 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Một số khách hàng phản ánh chất lượng dịch vụ này vẫn chưa thật tốt như quảng bá.
Như vậy, cả hai công nghệ Việt Nam đang tiên phong là WiMAX và công nghệ truyền hình số BVB-H xem ra vẫn chỉ là "hữu danh".
Trước tình trạng được “tô vẽ” như vậy, nhiều ý kiến cho rằng, các nhà nắm giữ công nghệ và sản xuất thiết bị muốn đẩy truyền thông đi trước một bước để muốn nhân rộng điển hình và có cơ hội bán thiết bị.
(theo ICTnews)
Bình luận
Con 1 ly do nua de VN tich cuc trien khai, thu nghiem la de tha ho su dung tien R&D cua VNPT. Tien nhieu de ko lam gi
BVB-H là gì thế? Mình tưởng là đang nói đến DVB-H? Phải chăng tác giả đã nhằm lẫn hay vẫn có tồn tại cái gọi là BVB-H?
Cái gọi là thế giới ca ngợi thì cũng chỉ là một trò chơi của báo chí và PR thôi. Cái thế giới đấy bé lắm.
Chính xác là DVB-H, copy paste từ ICTnews đọc vội quá không để ý kĩ
Không hiểu ý anh lắm ở cái nhận xét thứ 2 ?