Chris Chen, giám đốc điều hành VanceInfo thành lập năm 1995, không e dè tuyên bố sẽ đưa công ty của mình trở thành “công ty gia công phần mềm lớn nhất trên thế giới”.
VanceInfo không phải là doanh nghiệp Trung Quốc duy nhất bày tỏ tham vọng này. Nhiều công ty gia công phần mềm khác của Trung Quốc như Neusoft (công ty gia công phần mềm lớn nhất Trung Quốc hiện nay) đang trên đà trở thành những ông lớn thực sự trong thị trường gia công phần mềm toàn cầu. Neusoft hiện có 15.000 nhân viên, 8.000 khách hàng doanh nghiệp và có doanh thu 540 triệu USD trong năm 2009.
Trung Quốc là thị trường có tiềm năng phát triển gia công phần mềm rất lớn. Quốc gia này có nguồn nhân lực dồi dào đủ kỹ năng để xử lý các công việc cơ bản trong ngành gia công như dịch vụ chăm sóc khách và cả những công việc đòi hỏi kỹ thuật CNTT cao hơn. Một điểm lợi thế lớn của các công ty gia công phần mềm của Trung Quốc là giá rẻ. So với Ấn Độ, giá nhân công của Trung Quốc rẻ hơn khoảng 30%.
Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc cũng có tham vọng đưa nước này trở thành quốc gia dẫn đầu trong thị trường gia công phần mềm. Chính phủ Trung Quốc đang xây dựng kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD để trợ cấp cho các doanh nghiệp làm gia công phần mềm và hỗ trợ đào tạo. Mục tiêu của nước này là hình thành 10 trung tâm gia công phần mềm lớn, phát triển 1.000 doanh nghiệp, thu hút 100 khách hàng là các tập đoàn đa quốc gia đến thuê gia công và tạo ra 1,2 triệu việc làm vào năm 2013.
Trung Quốc cũng có những bất lợi so với Ấn Độ trong lĩnh vực gia công phần mềm. Thứ nhất, Ấn Độ có lợi thế tự nhiên về kỹ năng ngôn ngữ tiếng Anh. Hai là, Ấn Độ được đánh giá có chính sách bảo vệ sở hữu trí tuệ tốt hơn. Ấn Độ cũng vượt trội hơn so Trung Quốc ở đội ngũ nhân lực có kỹ năng để xử lý những dự án lớn đòi hỏi trình độ kỹ thuật phức tạp hơn.
Năm ngoái, thị trường gia công phần mềm của Trung Quốc đã tăng khoảng 25% đạt doanh thu 25 tỷ USD. Đây là con số khá nhỏ so với doanh thu từ gia công phần mềm 60 tỷ USD (tăng trưởng 16%) của Ấn Độ trong năm 2009.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn có cơ hội vượt qua Ấn Độ trong lĩnh vực gia công phần mềm. Cơ sở hạ tầng là điểm Trung Quốc vượt trội hơn. Một số trung tâm công nghệ lớn của Trung Quốc như quận công nghệ Haidian ở Bắc Kinh và công viên phần mềm Zhangjiang ở Thượng Hải hiện có quy mô lớn hơn Bangalore, thủ phủ gia công phần mềm của Ấn Độ và là nơi đặt bản doanh của Infosys và Wipro. Hơn nữa, chính phủ Trung Quốc đang định hướng xây dựng các khu công nghệ gia công tập trung theo các chuyên môn khác nhau như y học, dịch vụ tài chính. Ví dụ, Nanjing hiện là thủ phủ về gia công các nghiên cứu phát triển y học và thử nghiệm lâm sàng.
Nhưng Trung Quốc cần tạo uy tín về gia công phần mềm trên toàn cầu. Theo Liu Jiren, giám đốc điều hành của Neusoft, thương hiệu toàn cầu là điều Trung Quốc còn thiếu trong thị trường gia công phần mềm. Đó là lý do tại sao Neusoft cũng như nhiều công ty gia công phần mềm khác của Trung Quốc hiện chủ yếu tập trung vào các khách hàng gần nước này, đặc biệt là Nhật. Các công ty gia công phần mềm của Trung Quốc chủ yếu đưa việc về nội địa, không như Ấn Độ thực hiện hầu hết việc gia công ngay tại các nước thuê gia công.
Có thể còn lâu Trung Quốc mới ngang ngửa với Ấn Độ trong thị trường gia công phần mềm nhưng với lợi thế nguồn nhân lực và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ, Trung Quốc đang trở thành con rồng thực sự trong lĩnh vực gia công phần mềm.
Theo ICTNews (Forbes)
Bình luận