Ngành CNTT của Triều Tiên bắt đầu phát triển mạnh từ năm 2000 sau khi Chủ tịch Kim Jong Il tuyên bố những người không dùng máy tính, hút thuốc lá và không hiểu âm nhạc là “chậm tiến”.
Từ nhiều năm nay, các trường đại học ở Triều Tiên vẫn đều đặn cho ra lò các lứa kỹ sư và các nhà khoa học máy tính. Các công ty bản địa gần đây cũng đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các công ty nước ngoài. Điều này đang biến Triều Tiên trở thành một điểm đến gia công phần mềm khác thường nhất thế giới.
Ngoại trừ Ấn Độ, các công ty gia công phần mềm ở các nước đang phát triển thường có quy mô nhỏ, với hơn 100 nhân viên, theo Paul Tija, chuyên gia tư vấn về gia công phần mềm có công ty đặt trụ sở tại Rotterdam (Hà Lan). Nhưng Triều Tiên đã có nhiều công ty gia công phần mềm có trên 1.000 nhân viên.
“Chính phủ nước này đang nhấn mạnh vào việc xây dựng ngành CNTT”, Paul Tija nói. “Sự sẵn có về nhân lực ở đây khá lớn”.
Hiện nay, các công ty gia công phần mềm của Triều Tiênđang nhắm đến nhiều lĩnh vực, gồm đồ họa máy tính, nhập dữ liệu và thiết kế phần mềm cho điện thoại di động. Các chính sách cấm vận của chính phủ Mỹ ngăn cản các công ty Mỹ làm ăn ở Triều Tiên nhưng hầu hết quốc gia khác không bị ảnh hưởng bởi các chính sách cấm vận.
Con đường tiến tới hiện đại hóa CNTT của Triều Tiên bắt đầu từ những năm 1990 nhưng phát triển chậm trong thập kỷ đầu. Tuy nhiên, ngành CNTT của nước này bắt đầu phát triển nhanh từ năm 2000 sau khi Chủ tịch Kim Jong Il tuyên bố những người không dùng máy tính, hút thuốc lá và không hiểu âm nhạc là “chậm tiến”.
Nhưng gia công phần mềm ở Triều Tiên cũng gặp những cản trở. Ngôn ngữ là một vấn đề. Bên cạnh đó, thiếu kinh nghiệm làm ăn với các công ty nước ngoài có thể làm việc cho việc phát triển gia công chậm hơn, Paul Tija nói. Nhưng nước này cũng có một lợi thế lớn.
“Đó là một trong những thị trường gia công cạnh tranh nhất trên thế giới. Không có nhiều nước bạn có thể tìm được đối tác có năng lực với mức giá rẻ như ở Triều Tiên”, Paul Tija nhận xét.
Công ty gia công phần mềm có tiểu sử ấn tượng nhất ở Triều Tiên hiện nay có thể là Nosotek. Công ty này, thành lập năm 2007, là một trong số rất ít công ty CNTT liên doanh với phương Tây ở Bình Nhưỡng, thủ đô của Triều Tiên.
“Tôi hiểu rằng ngành CNTT của Triều Tiên có tiềm năng tốt nhờ đội ngũ kỹ sư phần mềm có kỹ năng nhưng do thiếu hạ tầng viễn thông nên hầu như không thể làm việc với họ hiệu quả từ bên ngoài”, Volker Eloesser, chủ tịch Nosotek nói. "Do đó, tôi đã lập công ty đặt trụ sở ngay tại đây."
Theo Volker Eloesser, ở Triều Tiên, bạn có thể tìm các chuyên gia ở tất cả các ngôn ngữ lập trình, phát triển phần mềm 3D, thiết kế và mô hình 3D, các dạng công nghệ máy chủ, Linux, Windows và Mac.
Công việc chính của công ty Nosotek hiện nay là phát triển game Flash và game cho di động. Một số sản phẩm của công ty này đã có thành công nhất định, công ty này có một game cho iPhone được xếp trong top 10 game được tải nhiều nhất trên kho App Store của Đức. Nhiều game do Nosotek phát triển được hãng Exonet Games của Đức phân phối, trong số đó có một game gọi là "Bobby's Blocks."
“Họ đã phát triển các game rất tuyệt và khả năng giao tiếp cũng rất trôi chảy”, Marc Busse, giám đốc công ty phân phối các sản phẩm số Exonet Games có trụ sở ở Leipzig (Đức) nói. "Chắc chắn tôi sẽ giới thiệu Nosotek nếu ai đó muốn tìm đối tác làm gia công phát triển game".
Volker Eloesser cho rằng có một số thách thức khi làm gia công phần mềm ở Triều Tiên.
“Kỹ sư bình thường không được truy cập trực tiếp vào Internet do chính sách hạn chế của chính phủ. Đây là một trong những trở ngại lớn nhất khi kinh doanh CNTT ở đây”, Volker Eloesser nói. Các công ty làm gia công phần mềm cần kết nối Internet phải chuyển đến vùng biên giới với Trung Quốc.
Nhưng có lẽ vấn đề lớn nhất với ngành gia công phần mềm non trẻ của Triều Tiên là chính trị. Các lệnh trừng phạt thương mại với nước này do Mỹ đưa ra khiến các doanh nghiệp Mỹ và Triều Tiên không thể làm ăn với nhau.
“Tôi biết nhiều công ty Mỹ muốn đưa việc gia công phần mềm sang Triều Tiên nhưng do các vấn đề chính trị và cấm vận thương mại nên họ không thể”, Paul Tija nói.
Các quy định cấm vận không áp dụng với các công ty ngoài nước Mỹ nhưng những vấn đề chính trị của Triều Tiên cũng khiến các công ty phải cân nhắc. Tuy nhiên, các công ty như Exonet Games cho biết họ không cảm thấy bị hạn chế hay bị chính phủ gây khó khăn khi làm gia công phần mềm với các đối tác của Triều Tiên.
Theo ICTnews (PC World)
Bình luận
ố ồ
cứ tưởng 1 đất nước không có di động, không có internet, nhưng cố gắng phát triển vũ khí hạt nhân như Triều Tiên sẽ chẳng làm nên trò trống gì chứ...CNTT lại mang đến cho thế giới cái nhìn khác về TT với việc gia công phần mềm