Sự phát triển của điện toán đám mây đã làm cho nhiều người đang làm việc trong và ngoài lĩnh vực công phải đặt ra câu hỏi “nếu điện toán đám mây có thể đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp đến như vậy thì cớ gì mà nó lại không hiệu quả đối với các cơ quan chính phủ?”.
Không cần phải mất nhiều thời gian để có thể hiểu được những lợi ích mà điện toán đám mây mang lại cho doanh nghiệp như khả năng truy cập bất cứ lúc nào vào toàn bộ các năng lực kinh doanh của công ty, ít chi phí đầu tư vào các nguồn lực CNTT hơn, cũng như sự linh hoạt tuyệt đối mà điện toán đám mây mang lại cho doanh nghiệp thuộc mọi quy mô.
Kể từ khi trở thành một thứ “hàng nóng” khiến các gã khổng lồ mạng như Amazon, Google và Microsof cũng phải nhảy vào cuộc với một danh mục đa dạng các sản phẩm cung cấp ra thị trường, điện toán đám mây giờ đây đã có được một vị trí vững chắc trong ngành CNTT. Cùng với việc các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực CNTT như IBM, HP và Salesforce tiếp tục củng cố vị thế của mình trong lĩnh vực điện toán đám mây, điện toán đám mây dần đã chuyển mình từ một mảng còn khá sơ khai thành một lĩnh vực rộng lớn với nhiều tiềm năng tăng trưởng, đặc biệt khi ngành CNTT bắt đầu có dấu hiệu chuyển mình sau cơn suy thoái.
Sự phát triển của điện toán đám mây đã làm cho nhiều người đang làm việc trong và ngoài lĩnh vực công phải đặt ra câu hỏi “nếu điện toán đám mây có thể đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp đến như vậy thì cớ gì mà nó lại không hiệu quả đối với các cơ quan chính phủ?”.
Trong phiên điều trần tại Thượng Viện vào tháng 5 năm 2009, ông Aneesh Chopra, Giám đốc Công nghệ (CTO) đầu tiên của Hoa Kỳ đã phát biểu rằng điện toán đám mây có thể mang lại nhiều lợi ích cho chính phủ, trong đó có các yếu tố như “cắt giảm chi phí, nâng cao năng lực lưu trữ, khả năng tự động hóa, mức độ linh hoạt và di động của nhân viên cao hơn". Vì thế, ông Chopra đã tuyên bố, “Chính quyền liên bang cần nâng cao mức độ sử dụng điện toán đám mây khi thích hợp”.
Hầu hết những quan tâm đến điện toán đám mây tại chính phủ Mỹ hiện nay đều được khởi xướng bởi Giám đốc Thông tin đầu tiên của Liên Bang là ông Kundra. Quan điểm của ông Kundra về công nghệ thông tin trong chính phủ đã thay đổi hoàn toàn sau sự kiện 11 tháng 9 năm 2001, khi ông còn là Giám đốc Cơ sở hạ tầng Công nghệ tại Arlington, Virginia. Đó là một kinh nghiệm xương máu đối với Kundra, khi vụ tấn công vào Lầu Năm góc đã cho ông thấy lỗ hổng an ninh của các trung tâm dữ liệu.
Ông Kundra lưu ý rằng “Tại Arlington, điều mà chúng ra nhận ra sau vụ tấn công là, nếu chúng ta chỉ có duy nhất một trung tâm dữ liệu mà nó gặp sự cố thì chúng ta không còn gì để hỗ trợ cho các hoạt động của chính phủ nữa”. Khi ông Kundra đảm nhận cương vị Giám đốc Công nghệ của Quận Columbia vào năm 2007, ông đã nhanh chóng chuyển hệ thống email của chính quyền sang Google và khuyến khích sử dụng bộ ứng dụng Google Apps - chuyển công việc của 38.000 nhân viên và hơn 80 cơ quan chính quyền sang nền tảng điện toán đám mây. Việc chuyển sang thuê ứng dụng và máy chủ e-mail giúp chính quyền nâng cao năng lực đảm bảo độ liên tục trong hoạt động, nhờ có năng lực phân tán dữ liệu về mặt địa lý tới nhiều trung tâm dữ liệu ở xa.
Nhiều nhà phân tích tin rằng tình hình kinh tế hiện tại cùng với áp lực tài chính mà nó gây ra đối với các chính phủ sẽ làm gia tăng mức độ ứng dụng điện toán đám mây trong lĩnh vực công. Điện toán đám mây mang lại những lợi ích tài chính khó có thể bỏ qua như nâng cao mức độ sử dụng tài nguyên, hạ thấp mức độ tiêu thụ điện năng và độ sẵn sàng ứng dụng cao hơn. Bằng việc chuyển sang điện toán đám mây, bộ phận CNTT của chính phủ sẽ không còn chỉ đơn thuần sử dụng và quản lý máy chủ và thay vào đó tập trung vào các dự hoặc nhiệm vụ trọng yếu hơn. Đối với các cơ quan chính phủ, điều đó cũng có nghĩa là phục vụ công dân được tốt hơn.
Theo VTV
Bình luận
Lợi thì có lợi nhưng chắc gì các cơ quan chính phủ dám giao dữ liệu của mình cho các nhà cung cấp dịch vụ. Bảo mật là vấn đề đáng phải xét đến khi sử dụng điện toán đám.