DSLR phổ thông là sự lựa chọn hợp lý cho những người mới chơi hoặc đang tìm hiểu thêm về kỹ thuật nhiếp ảnh. Tuy nhiên, loại máy này vẫn không đáp ứng được một số tiêu chí khắt khe về độ bền cơ học, tốc độ hoạt động cũng như chất lượng ảnh. Khi nhu cầu sử dụng tăng lên, bạn buộc phải tìm đến những chiếc DSLR tầm trung do ưu thế không thể bàn cãi của chúng so với dòng cơ bản.
Mức giá của DSLR tầm trung hiện tại đã giảm khá nhiều và cũng không quá đắt đỏ như các model dành cho dân chuyên nghiệp. Tuy nhiên, khi đã mua một thân máy "khủng" thì bạn phải chấp nhận bỏ thêm tiền để có được chất lượng quang học cao hơn như những ống zoom một khẩu hoặc ống prime làm từ thấu kính đặc biệt. Do đó, chi phí chung để đầu tư cho một dàn máy tầm trung sẽ đội lên tương đối.
Sau đây là một vài mẫu DSLR tầm trung xuất sắc theo giới thiệu của trang web Cnet.
1. Canon EOS 5D Mark II
Sau ba năm chờ đợi, phiên bản Canon 5D Mark II đã thỏa lòng mong mỏi của giới nhiếp ảnh với những trang bị cao cấp cùng các thông số "chóng mặt" như cảm biến Full Frame 21,1 Megapixel, ISO trong dải 50-25.600, hệ thống làm sạch bụi EOS cao cấp, vi xử lý DIGIC 4 cùng công nghệ chuyển đổi A/D 14 bit cho phép đẩy nhanh quá trình xử lý đồng thời nâng cao chất lượng ảnh chụp. Tốc độ chụp liên tiếp dù chỉ đạt khoảng 4 hình/giây nhưng con số này quả là đáng nể nếu liên hệ với số điểm ảnh khổng lồ tích hợp trên sensor. Máy có khả năng tái hiện dải tương phản rất lớn với độ chính xác cao về màu sắc kể cả khi thiết lập ISO lên tới 6.400. Không chỉ hỗ trợ nhiều tính năng chụp hình, 5D Mark II còn là mẫu DSLR đầu tiên có khả năng quay video Full HD 1080p.
Máy có một số nhược điểm thể hiện ở khả năng cân bằng trắng không tốt dưới ánh sáng nhân tạo và tốc độ lấy nét liên tục chưa nhanh như đối thủ Nikon D700. Ảnh JPEG hơi mịn nếu xem trên màn hình lớn. Canon không bán kèm cáp HDMI, vốn là trang bị không thể thiếu nếu người dùng muốn xem lại clip trên TV.
2. Canon EOS 7D
Canon EOS 7D là câu trả lời mà "ông trùm ảnh số" hàng đầu thế giới dành cho Nikon sau một thời gian dài bị những model bán chuyên của đối thủ như D300 và D300s lấn sân. Quyết không từ bỏ cuộc đua đọ chấm, Canon đã trang bị cho model DSLR mới nhất của mình những "vũ khí" tối thượng như cảm biến APS-C 18 Megapixel, vi xử lý kép Dual DIGIC 4, hệ thống lấy nét cực nhanh 19 điểm, ISO trong dải 100-12.800, tốc độ chụp liên tiếp đạt tới 8 hình mỗi giây cùng một loạt tính năng cao cấp khác. Với việc nâng số cổng dữ liệu đầu ra lên 8 kênh, tốc độ chụp liên tiếp trên máy có thể đạt tới 8 hình/giây dù ở độ phân giải tối đa 5.184 x 3.456 pixel. Khả năng khử nhiễu tại ISO cao cũng được đánh giá ở mức độ hoàn hảo. File ảnh có chất lượng tốt bất chấp người dùng lưu ở định dạng JPEG hay RAW.
Canon EOS 7D chỉ có một số ít nhược điểm. Đáng kể nhất là sự thiếu vắng đến khó hiểu của đèn hỗ trợ lấy nét tự động. Tự động cân bằng trắng trên máy hơi kém dưới ánh sáng nhân tạo và có xu hướng phơi sáng già khi cảnh có độ tương phản lớn. Máy hơi chậm khi chuyển đổi sang chế độ ngắm ảnh sống. Độ chính xác lấy nét cũng không tốt bằng "đàn em" Canon 50D trong điều kiện thiếu sáng. Video quay ở độ phân giải HD 720p thỉnh thoảng xuất hiện răng cưa, tuy nhiên, lỗi này không đáng chú ý cho lắm.
3. Nikon D700
Sau D3, Nikon tiếp tục dấn sâu vào cuộc chơi máy ảnh Full-frame bằng D700, model ngang tầm với Canon EOS 5D và 5D Mark II. Máy được trang bị cảm biến 35mm độ phân giải 12,1 Megapixel, cơ chế lấy nét tự động 51 điểm (15 điểm Cross-type) và hệ thống cổng chuyển đổi A/D 14 bit. Thử nghiệm thực thế cho thấy, Nikon D700 cho chất lượng ảnh xuất sắc với độ nét rất cao, màu sắc rực rỡ. Ngay cả khi thiết lập ISO lên tới 6.400, nhiễu hạt vẫn ở mức chấp nhận được, độ tương phản vẫn được đảm bảo tốt. Lấy nét nhanh và chính xác kể cả trong điều kiện thiếu sáng nghiêm trọng do có sự trợ giúp của cảm biến MultiCam 3500FX. D700 còn có khả năng nhận dạng và lưu trữ các thiết lập của 12 ống kính nhờ vào số serial. Tốc độ chụp liên tiếp của máy khá cao, khoảng 5 hình/giây và có thể đạt tới 8 hình/giây nếu sử dụng thêm báng pin.
Nhược điểm lớn nhất của D700 là độ phân giải tương đối thấp so với các đối thủ Full-frame khác. Thân máy nặng và to khiến việc đem theo khi đi du lịch trở nên khá bất tiện. Cân bằng trắng dưới ánh sáng đèn dây tóc làm ảnh ngả ấm nặng. Viewfinder của máy dù khá rộng rãi nhưng chỉ có khả năng bao quát khoảng 95% trường nhìn.
4. Olympus E-3
Ra mắt cách đây 3 năm nhưng Olympus E-3 tỏ ra không hề kém cạnh khi đặt cạnh các mẫu DSLR tầm trung mới ra hiện nay. Máy được trang bị cảm biến Live MOS 10 triệu điểm ảnh, đo sáng 49 vùng, màn trập không gây ồn với tốc độ nhanh nhất 1/8.000 giây. Hệ thống lấy nét tự động 11 điểm có tốc độ và độ chính xác cao do trong mỗi điểm lấy nét lại chứa tới hai điểm cross-type. Màn hình 2,5 inch của E-3 còn có khả năng lật xoay linh hoạt quanh hai trục cố định. Thân máy làm từ hợp kim magiê cho khả năng chống bụi và chống sốc cực cao. Olympus cũng tích hợp sẵn cho E-3 cơ chế khiển đèn flash rời bằng sóng wifi. Hệ thống rũ bụi Super Sonic Wave Filter trang bị trên E-3 đã giúp Olympus giành giải thưởng của Viện đổi mới và sáng chế Nhật Bản năm 2010.
5. Sony Alpha A850
Alpha A850 là một trong những chiếc máy ảnh đầu tiên đánh dấu quá trình "bình dân hóa Full-frame" khi mức giá cho thân máy xuống dưới ngưỡng 2.000 USD. Phần quan trọng nhất của A850 là cảm biến CMOS độ phân giải "đạt ngưỡng" 24,6 Megapixel, tương đương dòng máy chuyên Nikon D3x (tuy nhiên, "hàng khủng" của Nikon có mức giá lên tới 8.000 USD). Cảm biến full-frame của A850 sử dụng công nghệ Exmor do Sony phát triển, hứa hẹn độ nhạy sáng và khả năng khử nhiễu ưu việt. Với trên 6.000 cổng chuyển đổi Analog/Digital, các dữ liệu màu sắc gần như ngay lập tức được chuyển về vi xử lý, hạn chế tối đa các tạp nhiễu điện tử phát sinh do quá trình nóng lên của sensor đồng thời tăng tốc quá trình ghi dữ liệu vào thẻ nhớ. Sony cũng chu đáo tích hợp cho A850 hệ thống chống rung cảm biến SteadyShot. Khe cắm thẻ nhớ đôi có thể làm việc với hai định dạng thẻ nhớ là CompactFlash và MemoryStick Duo. Điểm đặc biệt ở Sony A850 là hỗ trợ dòng ống kính DT, vốn chỉ dành cho các máy có cảm biến nhỏ APS-C.
Nhược điểm đáng kể nhất ở máy là tốc độ chụp chỉ 3 hình/giây, thấp nhất trong các máy full-frame. Thậm chí khi chuyển về chế độ APS-C (phân giải chỉ còn khoảng 11 Megapixel), tốc độ chụp liên tiếp của máy vẫn ì ạch như cũ. Máy cũng không hỗ trợ xem ảnh sống Live View và quay video dù hai chức năng này đã dần trở nên quen thuộc với hầu hết các máy DSLR.
6. Pentax K7
Pentax K-7 được xem là phiên bản kế tục dòng máy tầm trung K20D vốn rất thành công trong năm 2008. Sản phẩm "nồi đồng cối đá" này được thiết kế dành cho những tay máy ham du lịch với khả năng chịu đựng những điều kiện thời tiết khắc nghiệt như môi trường bụi và độ ẩm rất cao hay nhiệt độ thấp tới -10 độ C. Chất lượng ảnh chụp bởi K-7 được đánh giá nhỉnh hơn so với nhiều dòng máy tương đương của các hãng khác. Khi đặt mặc định, tính năng khử nhiễu tại ISO cao chỉ làm việc ở mức trung bình nên ảnh có xu hướng hơi sạn nhưng vẫn giữ được khá nhiều chi tiết. Màu sắc được tái hiện rất chuẩn với độ bão hòa tốt, hầu như không bị hiện tượng ngả vàng hay quá nhợt nhạt. Khả năng cân bằng trắng của máy cũng hoạt động chuẩn xác hơn đa số DSLR mà Pentax từng sản xuất trước kia. Dải ISO trong khoảng 100-6.400 tuy chưa thật sự ấn tượng nhưng là quá đủ để đáp ứng nhu cầu của giới nhiếp ảnh. Những thước hình chụp tại ISO 1.600 vẫn có thể in được trên giấy A4 mà không gây bất cứ trở ngại nào do nhiễu gây ra.
Về nhược điểm, máy có giao diện hơi phức tạp và hệ thống điều khiển tích hợp quá nhiều tính năng, đòi hỏi người dùng phải có kinh nghiệm. File video HD sử dụng code Motion JPEG khá quen thuộc nhưng lại khiến dung lượng phình ra nhiều. Máy cũng không hỗ trợ lấy nét tự động khi đang quay phim. Hệ thống chống rung cảm biến dù được thiết kế khá tốt nhưng cũng không tránh khỏi hiện tượng trôi ảnh trong một số trường hợp. Đặc biệt, K-7 tỏ ra đuối hơn tất cả các đối thủ trong bài test về khả năng tái hiện chi tiết tại những vùng có độ tương phản cao. Trong vài trường hợp chụp thiếu sáng, máy lấy nét thiếu chính xác và đèn trợ sáng cũng không tự động bật lên. Việc tăng độ tương phản cũng khiến các chi tiết tối trong ảnh trở nên sâu hơn trong khi một số vùng sáng lại bị đẩy lên quá mức bình thường một chút.
7. Nikon D300s
D300s được xem là phiên bản nâng cấp thành công của dòng máy bán chuyên sử dụng cảm quang APS-C sản xuất bởi Nikon. Tương tự "tiền nhiệm" ra mắt cách đây hai năm, D300s vẫn được tích hợp hệ thống lấy nét tự động 51 điểm và cơ chế đo sáng 1.005 pixel RGB. Thân máy làm từ hợp kim magiê với độ kín khít cao, giúp chống bụi và ẩm khi tác nghiệp trong các môi trường khắc nghiệt. D300s có tốc độ chụp liên tiếp lên tới 7 hình/giây nếu sử dụng pin thường hoặc 8 hình/giây nếu dùng báng rời. Do tích hợp một lượng vừa đủ điểm ảnh (12 Megapixel) lên phiến sensor nên ảnh cho bởi D300s vẫn giàu chi tiết kể cả khi nâng ISO lên 1600+. Máy còn cho phép quay video 720p, hỗ trợ lấy nét tự động. Âm thanh dù chỉ ở mức 11 kHz nhưng rất rõ nét và không bị hiện tượng ồn do cơ chế lấy nét trong ống kính hoạt động gây ra.
Theo SoHoa
Bình luận