Nikon 14-24mm f/2.8G ED AF-S Nikkor. Ảnh: Photoradar.

Tạp chí công nghệ Photo Radar đã bình chọn ra 10 ống kính độc đáo, từ các ống mắt cá tới ống tele. Phần lớn chúng tới từ các hãng khác nhau, nhưng đều chung một đặt điểm là không giống ai.

1. Ống zoom góc rộng nhất (full-frame) Nikon 14-24mm f/2.8G ED AF-S Nikkor

Được ra mắt kèm theo phiên bản DSLR full-frame đầu tiên D3 của Nikon, ống 14-24mm f/2.8G ED AF-S cũng có sức thu hút không kém với bởi lẽ nó có góc rộng tới 14mm. Ống góc rộng thì có nhiều nhưng chủ yếu vẫn là các ống prime hoặc ống mắt cá, chính vì thế mà sản phẩm này thuộc hàng hiếm có trong họ các ống zoom. Thứ nữa, nó lại khá nhanh với chỉ một độ mở f/2,8 thay vì hai độ mở như các ống zoom thông thường khác. Đây chính là những lý do khiến cho người chụp kể cả có đổi máy liên tục thì ống kính kiểu này chắc chắn sẽ vẫn được giữ lại dùng.

2. Ống góc siêu rộng (APS-C) Sigma 8-16mm f/4.5-5.6 DC HSM

Ảnh
Sigma 8-16mm f/4.5-5.6 DC HSM. Ảnh: PhotoRadar.

Ống kính góc siêu rộng với tương quan phối cảnh phi tỷ lệ luôn đáng giá cho nhiếp ảnh gia thể hiện sức sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực kiến trúc và nội thất. Điểm độc đáo mà Sigma mang lại cho ống kính siêu rộng của mình là đã vượt qua dải tiêu cự góc rộng thông thường (vốn chỉ 12 – 24 mm hay 10 – 24 mm) để đưa ra dải mới 8 – 16 mm, nhất là cho các máy cảm biến APS-C vốn luôn thiếu vắng các ống góc rộng thực sự. Ống có một hệ thấu kính khá phức tạp với 17 thấu kính chia thành 13 nhóm nhưng chỉ nặng khoảng nửa cân và chiều dài chỉ 89mm.

3. Ống zoom mắt cá Pentax smc DA 10-17mm f/3.5-4.5 ED (IF)

Ảnh
Pentax smc DA 10-17mm f/3.5-4.5 ED (IF). Ảnh: PhotoRadar.

Mặc dù Sigma có ống mắt cá còn tới 4,5mm nhưng không như ống Sigma là dạng mắt cá tròn (circular fisheye_bị viền đen tròn xung quanh ảnh), ống của Pentax là full-frame với góc rộng 180 độ. Nó còn đặc biệt ở chỗ do là ống zoom kiêm mắt cá, nếu không thích kiểu tỷ lệ phóng đại giữa tiền cảnh – hậu cảnh hơi quá, người chụp có thể thay đổi tỷ lệ này chỉ bằng cách xoay zoom về góc rộng mà không làm ảnh hưởng nhiều đến khung căn hình đã định. Dù không giống ống mắt cá khác chỉ có một độ mở, bù lại ống này có giá không hề đắt, đủ sức cho những người thu nhập trung bình có thể mua và thử nghiệm.

4. Ống zoom độ mở cố định lớn Olympus Zuiko Digital ED 14-35mm f/2 SWD

Ảnh
Olympus Zuiko Digital ED 14-35mm f/2SWD. Ảnh: PhotoRadar.

Olympus 14-35mm là một trong những ống kính chuyên nghiệp cho định dạng Four Thirds của hãng. Thay vì các ống zoom có một độ mở với tối đa f/2,8 thì sản phẩm của Olympus mở tới f/2, độ mở thuộc hàng độc nhất trong làng ống kính zoom, đủ giải quyết hầu hết các trường hợp thiếu sáng.

5. Ống prime độ mở lớn nhất Noktor HyperPrime 50mm f/0.95

Ảnh
Noktor HyperPrime 50mm f/0.95. Ảnh: PhotoRadar.

Mặc dù độ mở f/0,95 không phải là duy nhất nhưng điểm đáng giá của ống Noktor ở chỗ nó không thuộc hàng khó với như phiên bản f/0,95 của Leica (có giá tới trên 6.500 bảng). Thuộc hàng lính mới trên thị trường, Noktor đã chọn phiên bản ống prime độ mở siêu rộng này của mình là sản phẩm ra mắt đầu tiên hỗ trợ cho định dạng đang lên Micro Four Thirds. Chỉ có điều hơi băn khoăn là mặc dù hướng tới định dạng số tiên tiến nhưng cả độ mở và lấy nét đều phải chỉnh bằng tay.

6. Ống pancake siêu mỏng Pentax smc DA 40mm f/2.8 Limited

Ảnh
Pentax smc DA 40mm f/2.8 Limited. Ảnh: PhotoRadar.

Với bề dày chỉ 15mm, ống Pentax 40mm f/2.8 chỉ đủ chỗ in tên ống và một vòng chỉnh nét tay siêu mỏng với cơ chế đè tự động nét. Ống khi được lắp trên thân máy sẽ không làm tốn thêm tý không gian nào cho các máy DSLR vốn đã mang tiếng cồng kềnh. Tương đương 61mm cộng với sự thừa hưởng toàn bộ công nghệ quang học của Pentax từ thời máy phim, đây sẽ là ống hữu dụng cho các nhiếp ảnh gia gắn cho thân máy dự phòng mà không phải lo nghĩ về trọng lượng và không gian túi.

7. Ống tele siêu khủng Sigma 200-500mm f/2.8 EX DG

Ảnh
Sigma 200-500mm f/2.8 EX DG. Ảnh: PhotoRadar.

Hiếm có ống nào có dải tele siêu khủng cộng thêm với một độ mở cố định lớn tới f/2,8 như của Sigma. Bù lại giá của nó cũng thuộc hàng trên trời, còn trọng lượng cũng lên tới 15,7kg, đủ làm ngán ngẩm các nhiếp ảnh gia khỏe nhất. Dải zoom vừa đủ nhỏ cho chụp ảnh thể thao thông thường và cũng vừa đủ lớn cho chụp ảnh động vật hoang dã mà không lo sợ bị phát hiện. Nếu thích, người chụp cũng có thể tăng thêm dải tiêu cự bằng converter để đạt 400 – 1.000mm như một ống chụp thiên văn thực thụ mà cũng không phải hy sinh về độ mở với f chỉ lên 5,6, thừa đủ để giải quyết các vấn đề ánh sáng thông thường.

8. Ống siêu zoom Tamron AF 18-270mm f3.5-6.3 Di II VC LD Aspherical (IF) Macro

Ảnh
Tamron AF 18-270mm f3.5-6.3 Di II VC LD Aspherical (IF) Macro. Ảnh: Dpreview.

Khi mà dải zoom khủng 18 – 200mm (khoảng 11x) đã trở nên thông dụng, hãng nào cũng có, Tamron đã chọn cách làm mới bằng cách kéo dài thêm dải tele với ống AF 18 – 270mm của mình. Ống có tiêu cự tương đương 28 – 420mm khi lắp trên các máy APS-C cùng với đủ các tính năng cần có như chống rung, Macro, lấy nét siêu êm… Nó đủ đáp ứng hết mọi nhu cầu thể loại ảnh của những người bắt đầu chụp ảnh. Mặc dù cũng có những nhược điểm cố hữu của một ống zoom quá dài nhưng với mức giá không thể rẻ hơn thì Tamron AF 18 – 270mm vẫn xứng đáng lọt vào danh sách hàng độc.

9. Ống macro khủng nhất Canon MP-E 65mm f2.5 1-5x Macro

Ảnh
Canon MP-E 65mm f2.5 1-5x Macro. Ảnh: PhotoRadar.

Thông thường các ống macro thực thụ phải có khả năng tái hiện đối tượng với kích thước thật (tỷ lệ 1:1) như ngoài đời thực và các ống như vậy cũng đã được đánh giá thuộc hàng đẳng cấp so với các ống zoom "giả macro" đang ngày càng được các hãng tung ra trên thị trường. Nhưng MP-E 65mm của Canon còn đặc biệt hơn, bởi tỷ lệ 1:1 chỉ là bước khởi đầu khi mà nó còn có khả năng nhân tỷ lệ lên tới gấp 5 lần kích thước thực. Với tỷ lệ này, chỉ cần một con côn trùng ngắn 7mm cũng có thể được phóng toàn khung hình cảm biến của một máy full-frame. Tất nhiên, với những ống macro kiểu này, buộc phải đặt trên chân máy với đối tượng thực sự tĩnh và canh nét phải cực kỳ chính xác.

10. Ống chỉnh phối cảnh linh động nhất Canon TS-E 17mm f/4L

Ảnh
Canon TS-E 17mm f/4L. Ảnh: PhotoRadar.

Phối cảnh trong chụp ảnh kiến trúc vốn vô cùng quan trọng, vì thế mà các ống zoom hay góc rộng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu bởi nếu không hạn chế về chất lượng thì cũng hạn chế về góc nhìn khi các ống này rất dễ biến các đường thẳng của một tòa nhà thành các góc nhọn giao nhau, nhất là các tòa nhà chọc trời. Chính vì thế mà ống thay đổi góc phối cảnh (Tilt and Shift) trở thành một vật dụng không thể thiếu mà nổi bật là phiên bản TS-E 17mm của Canon. Với góc khá rộng (khoảng 104 độ) và độ mở cố định f/4, ống có khả năng điều chỉnh góc nhìn ngang dọc để khắc phục các lỗi lệch mặt phẳng nét hay đường thẳng bị xiên trong các ống thông thường. Do thiết kế đặc biệt nên ống này không thuộc dạng "ngắm là chụp" mà cũng cần phải có một thời gian làm quen và thực hành nhiều mới có thể nắm vững được các quy tắc điều chỉnh.

Theo SoHoa



Bình luận

  • TTCN (0)