Không phải tất cả trò chơi điện tử đều tác hại. Câu chuyện nằm ở chỗ người ta chơi như thế nào. Phóng sự của nhóm phóng viên Nhịp sống trẻ sẽ đưa chúng ta cận cảnh hơn về một thế giới game online đầy hấp lực, đồng thời cố gắng đưa ra những giải pháp và kiến nghị góp phần tạo ra một môi trường game online lành mạnh.
Sài Gòn được mệnh danh là thành phố của quán cà phê. Nhưng bây giờ điều đó không còn độc tôn bởi lượng tiệm Internet cũng mọc lên dày đặc, từ tiệm sang trọng đến tiệm bình dân, kể cả sát bên trường học, nơi dịch vụ này bị cấm trong khoảng cách 100m.
Những tiệm net (cách gọi dịch vụ Internet chủ yếu kinh doanh trò chơi trực tuyến - PV) trên địa bàn TP.HCM những ngày giữa tháng 5 lúc nào cũng đông nghẹt game thủ, ngày cũng như đêm. Trước màn hình, những game thủ có gương mặt non tơ rất dễ nhận ra: căng thẳng, hả hê, bồn chồn, phấn khích bất kỳ lúc nào, thời điểm nào tùy trạng thái hành tẩu và chiến tích của nhân vật. Một điểm chung: hố mắt nào cũng trõm sâu, gương mặt nào cũng hốc hác.
Bất kể ngày đêm
Tại Việt Nam hiện có 14 công ty cung cấp trò chơi trực tuyến với hơn 60 game online. Một đại diện Vina Game cho biết số lượng game thủ của Võ lâm truyền kỳ hiện hơn 2 triệu người sau năm năm ra mắt, chiếm khoảng 30% trong tổng số game thủ tham gia các trò chơi trực tuyến của công ty này.
Còn theo thống kê của Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM, trên địa bàn TP hiện có hơn 4.300 đại lý Internet công cộng đang hoạt động. Tập trung nhiều nhất các tiệm net chuyên dành cho game thủ có thể kể đến đường Trần Quang Khải (Q.1), cư xá Bắc Hải (Q.10), đường Nguyễn Trọng Tuyển (Q.Phú Nhuận), Phạm Thế Hiển (Q.8)...
23g, hội quán Vina Game ở Thủ Đức (khu vực ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM) vẫn có hơn 30 game thủ say sưa ôm máy tính dán mắt vào màn hình, dù bên ngoài cánh cửa hội quán đã khép lại. Những gương mặt sáng lờ nhờ qua ánh sáng từ màn hình máy tính hắt lên. Ở đây trang bị khoảng 100 máy tính với phòng chơi khang trang.
Khác với vẻ tĩnh lặng của đêm ở làng đại học về khuya, trên màn hình các hiệp khách của Võ lâm truyền kỳ, Kiếm thế nhoang nhoáng tung chưởng.
Vừa dính một đòn Phi long tại thiên bốn rồng bay cuồn cuộn của nhân vật Cái Bang tên Kiều Phong, nhân vật phái Thiếu Lâm tên DaigiacThiensu của một game thủ tên K.T. - là sinh viên - lăn đùng ra “về thành dưỡng thương” (bị chết) khiến cậu ta văng tục liên hồi. Không chịu thua, K.T. gõ lên tần số bang hội: “Toàn bang huy động đi trả thù thằng Kiều Phong, nó vừa giết tao!”.
Trong tích tắc, không biết từ đâu những tay game khác đã tụ tập binh mã, rần rần cưỡi ngựa đi tầm thù. Trong khí thế ngất trời đó, cả đoàn người ngựa gặp đâu giết đó khiến những kẻ vô tội đang cặm cụi đánh quái cày tiền cũng bị giết oan, lại kêu réo bang hội. Bỗng chốc cả màn hình dày đặc quân các phe, bật đồ sát, cừu sát đâm chém, rượt đuổi, đánh đấm loạn xạ.
Trong game ngựa phi rầm rập, binh khí va chạm chan chát, song chưởng tung véo véo thì ngoài màn hình tiếng chửi thề, tiếng la rú cũng vang lên từng chập!
Sau một hồi đánh đấm hả hê, K.T. khoan khoái “cắm chuột” (để nhân vật chơi tự động), quay qua giải thích: “Đánh vậy mới sướng tay. Ở đây Kiếm thế và Võ lâm truyền kỳ là hai trò chơi thu hút nhiều người chơi nhất. Số khác chơi MU, Con đường tơ lụa... Mình thích chơi các game này vì tính đối kháng cao, tính liên kết mạnh và cũng vì khoái phim kiếm hiệp Trung Quốc”.
Hơn 3g sáng, các chiếc ghế được kéo lại, gần nửa số game thủ bật phần mềm chơi tự động và ngủ trong khi máy tính vẫn hoạt động. Thỉnh thoảng có bạn đang lơ mơ lại bật dậy canh chừng nhân vật rồi vật vờ nằm xuống. K.T. cho biết đã nghiện game chả mấy khi ngủ ngon vì các trận chiến cứ lởn vởn trong đầu.
Dọc trục đường chính của khu phố này, dù đã gần sáng các tiệm net khác như TT, TH - đối diện ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM - vẫn đèn đóm sáng choang, máy tính đầy game thủ, kẻ áo xống phong phanh, kẻ cởi trần trùng trục.
Tiệm net bủa vây
Trong khi đó ở khu vực nội thành, 2g sáng, dù cửa đã đóng nhưng khi khách gõ cửa, tiệm net C trên đường Nguyễn Trọng Tuyển (Q.Phú Nhuận) vẫn mở ra. Bên trong là hàng chục game thủ đang “cày”. C là tên hiệu một hệ thống gần 20 cửa tiệm về dịch vụ game online khắp TP.HCM. Trên màn hình của hệ thống máy tính, tràn ngập là các icon của các loại game.
T.N.L. - một game thủ túc trực thường xuyên ở quán này - cho biết nơi đây phục vụ 24/24g nên “cần thì cứ gõ cửa, không kể thời gian”. Nói rồi L. quay sang quát tháo đứa bạn bên cạnh, văng tục ngậu xị vì nhân vật vừa bị đánh chết bất ngờ.
Người chơi ở quán này toàn là con trai và phần lớn cởi trần, trên bàn la liệt những tô mì gói bỏ dở. Cá biệt có một học sinh lớp 7. Hỏi đi chơi không về ba mẹ không la à, em cười: “Em phải nói là qua nhà bạn chơi đó chớ! Ba mẹ lo buôn bán, cũng thả lỏng cho em lắm vì ổng bả bận kiếm tiền”. Cậu bé đang chơi Võ lâm truyền kỳ, đã trùng sinh nhân vật và có thể coi là đang ở hàng cao thủ.
Tiệm net để chơi game online ở TP.HCM thì nhiều, ở đâu cũng “giăng giăng tơ nhện” nhưng những khu vực nổi tiếng thu hút game thủ về độ chuyên nghiệp của dịch vụ như sự sang trọng, máy tính cấu hình mạnh, các dịch vụ hậu cần ăn uống, tắm rửa... ngon lành phải kể là những quán trên đường Trần Quang Khải (Q.1), khu cư xá Bắc Hải (Q.10), đường Nguyễn Trọng Tuyển, Nguyễn Kiệm (Q.Phú Nhuận)... Chỉ một đoạn phố ngắn đã có hàng chục tiệm net sang trọng. Ở đây không còn là những tiệm net đơn thuần mà là tổ hợp dịch vụ Internet và các trò giải trí khác.
Với giới game thủ, đó cũng là những nơi mà đẳng cấp người chơi được coi là có “số má”. Ở đây cũng có hội quán cho game thủ offline (gặp mặt). Và như nhiều game thủ thú nhận, chính offline là một yếu tố quan trọng làm nên sức cuốn hút của trò chơi mà các game thủ vì “bén hơi bén tiếng” nhau nên không bỏ được. Tr., một game thủ ở Hà Nội, mỗi năm vẫn vài lần vào TP.HCM để offline với nhóm bạn game của mình.
Ở hầu hết các tiệm net, nhân viên phục vụ đều cho biết: ở đây phục vụ ăn uống luôn, cần thì gọi. Chuyên nghiệp đến mức với những khách hàng mới tập chơi sẽ được cấp một tài khoản và nộp tiền vào cho đến khi hết thì nộp tiếp.
50% người truy cập Internet là để chơi game
Kết quả nghiên cứu Net Index 2010 do Yahoo! cùng Kantar Media khảo sát hơn 1.500 nam nữ trong độ tuổi từ 15 trở lên sống tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ vừa được công bố cho thấy: hoạt động chơi game online chiếm đến 50% lượng người truy cập Internet. Thể loại game được ưa thích là những trò chơi hành động cảm giác mạnh và game nhập vai.
Thống kê về tình hình phát triển Internet trong tháng 5-2010 tại Việt Nam của Google Ad Planner (GAP) cũng cho thấy nhu cầu xem tin tức và đặc biệt là game tăng mạnh. Các site game trong top 30 đều đạt được mức tăng lớn (trung bình 10% với người dùng và 15% cho lượt xem). Công ty Vina Game cũng đạt mức tăng trưởng đáng kể với 15 triệu người dùng.
Theo TuoitreOnline
Bình luận
Tốn điện (trong hoàn cảnh cả nước thiếu điện, không có điện coi World Cup), tốn tiền (phần cứng, phần mềm, nước, bánh kẹo, thuốc lá...), tốn thời gian, tốn chất xám (của nhà phát triển, coder lẫn game thủ), tốn tài nguyên Internet quốc gia,...
bạn nói vậy cũng không hay cho lắm mình cũng là một game thủ ...chơi game mà thua người khác thì tức lắm nên phải cày mới thắng chứ...bạn không có đam mê game nên không thông cảm cho các game thủ...tui mình không chơi làm cho có tiền lương cho bọn vina game hay vtv game vây...
Đọc trả lời của bạn không hiểu ý bạn lắm
Hy vọng anh Tường lấy bài Chân dung game thủ này về đăng.