10 năm trước, nhà báo Nguyễn Phạm Mười lập một nhóm chuyên dịch tin tức từ báo chí Việt Nam sang tiếng Anh cung cấp cho người nước ngoài qua email.
Với sự xuất hiện của Internet, rất nhiều dịch vụ đã được cung cấp qua mạng và không ít người trong giới báo chí đã đi đầu về việc này. Đến nay đã có không ít doanh nghiệp chuyên sống bằng việc cung cấp thông tin tổng thuật và phân tích dữ liệu từ báo chí nhưng cần phải nhìn lại một thời điểm lịch sử năm 1998.
Từ nhu cầu của báo chí nước ngoài
10 năm về trước, là trưởng phòng dịch thuật của tạp chí Vietnam Economic News (Bộ Thương mại), khi quan hệ với các đồng nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, nhà báo Nguyễn Phạm Mười nhận thấy một thực tế là họ rất thiếu thông tin về Việt Nam, vì lúc đó cả nước chỉ có 2 tờ nhật báo tiếng Anh là Vietnam News của TTXVN và Saigon Times Daily của Thời báo Kinh tế Sài Gòn với những thông tin không thể đầy đủ mọi mặt. Chính vì vậy, nếu có một dịch vụ tổng thuật tóm tắt các tin tức mọi mặt từ báo chí Việt Nam thì chính họ sẽ là những khách hàng sẵn sàng chi trả tiền để tiết kiệm công sức cho mình và chủ động hơn trong công việc. Không chỉ có nguồn khách hàng này, chính các cơ quan ngoại giao nước ngoài và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cũng là những cơ quan rất cần cập nhật mọi tình hình thời sự của Việt Nam để phục vụ công việc của mình.
Chỉ vài tháng sau khi Việt Nam nối mạng Internet, ông Mười quyết định phải dấn thân vào công việc này. Bàn giao lại cương vị trưởng phòng dịch thuật cho người khác, ông lo tìm kiếm nhân sự để bắt tay vào công việc mới. Cả nhóm gồm 6 thành viên là những người có trình độ ngoại ngữ đủ ngưỡng đã căng mắt ra đọc hàng chục tờ báo tiếng Việt để rồi dịch thật nhanh và ngắn gọn tới mức không thể ngắn hơn được nữa sang tiếng Anh. Công việc tiếp theo là chuyển giao kết quả cho một biên tập viên người nước ngoài để chuẩn hoá ngôn ngữ rồi sắp xếp đúng trình tự cần thiết và gửi qua e-mail cho các báo chí nước ngoài và các địa chỉ cần tiếp thị.
Ngay lập tức, dịch vụ thông tin này đã có những phản hồi tích cực từ phía người sử dụng. Có một số vị đại sứ và trưởng đại diện các tổ chức quốc tế chủ động gặp ông Mười để thực sự hiểu về dịch vụ thông tin mới lạ này trước khi chính thức ký hợp đồng. Thậm chí, cứ đến buổi trưa hàng ngày, nếu bản tin chưa được gửi hoặc bị trễ vì lý do đường truyền thì không ít khách hàng, đặc biệt là các báo chí nước ngoài đã không thể chờ đợi được và gọi điện thoại để “truy nã” nhà cung cấp. Dịch vụ thông tin bằng tiếng Anh sống được từ đó và cũng là những tiền đề để ra đời một doanh nghiệp về thông tin.
Doanh nghiệp về dịch vụ thông tin
Vì một số lý do, ông Nguyễn Phạm Mười cùng các thành viên của nhóm làm bản tin này chia tay toà soạn Vietnam Economic News từ tháng 9/1999. Công việc trong tình hình mới đòi hỏi một pháp nhân chính thức. Ông Mười cùng một thành viên sáng lập khác đã “gõ cửa” cơ quan chức năng là Sở KH&ĐT Hà Nội để đăng ký thành lập doanh nghiệp lấy tên là Toàn Việt. Cái khó cho việc này vì Toàn Việt là doanh nghiệp đầu tiên và chưa có tiền lệ nên mọi thủ tục là rất không đơn giản. May rằng Luật Doanh nghiệp có một điều khoản là cho phép doanh nghiệp thực hiện dịch vụ “cung cấp thông tin phục vụ kinh doanh” và chỉ khi tìm ra căn cứ này thì Sở KH&ĐT mới cho phép thành lập.
Không chỉ có khách hàng nước ngoài, dần dần chính các cơ quan trong nước cũng nhận thấy đó là nhu cầu của mình và đặt hàng dịch vụ. Đầu tiên là yêu cầu theo dõi thông tin liên quan đến sự cố máy tính năm 2000 của một cơ quan nhà nước có trách nhiệm. Tiếp đó một cơ quan của Chính phủ đã yêu cầu theo dõi, tổng thuật tóm tắt về hoạt động của hệ thống doanh nghiệp trên toàn quốc. Tuy số tiền của các khách hàng trong nước có thể chi trả là không cao và cũng không có nhiều khách hàng nhưng theo ông Mười, đó chính là những đảm bảo về sự hữu ích của Toàn Việt mà nhiều người từng lo ngại về sự nhạy cảm của dịch vụ này.
Là người đi trước, Toàn Việt có rất nhiều lợi thế do đã chiếm lĩnh được thị phần về tiếng Anh và các doanh nghiệp đi sau không dễ gì tranh phần được. Chính sự thành công của dịch vụ này cũng là tiền đề để Toàn Việt đầu tư sang các dịch vụ khác và điều mà ông Mười rất kỳ vọng là khi thị trường chứng khoán được mở ra thì các nhà đầu tư cổ phiếu sẽ rất cần biết đến tình hình hoạt động của các doanh nghiệp và đó chính là cơ hội lớn của Toàn Việt. Chính vì thế mà trong bối cảnh hiện nay, Toàn Việt đã và đang là một địa chỉ tin cậy để trước hết chính các công ty chứng khoán quan tâm và đặt hàng những nghiên cứu, phân tích số liệu thị trường.
Câu chuyện về sự ra đời và thành công của một doanh nghiệp tư nhân như Toàn Việt chẳng có gì đáng nói nếu không đặt nó trong bối cảnh của sự phát triển Internet Việt Nam 10 năm qua. Chính Internet đã là môi trường rất thuận lợi để sản sinh ra những doanh nghiệp mới, với những ngành nghề kinh doanh mới, và đó cũng là công cụ kinh doanh vô cùng hữu ích với những ai thực sự nhiệt huyết và sáng tạo.
(theo ICTnews)
Bình luận