Số thuê bao di động trên thị trường Việt Nam hiện nay còn đông hơn cả dân số của Việt Nam.

Mất một thời gian khá dài với chiến lược phát triển thuê bao bằng chạy đua giảm cước, khuyến mại khủng, giờ các mạng di động lớn nhỏ đều chung quan điểm, cước di động của Việt Nam không thể giảm được nữa. Thay vào đó, người dùng sẽ được doanh nghiệp ưu đãi bằng chất lượng và dịch vụ nội dung phong phú.

Thuộc 10 quốc gia nhiều thuê bao nhất thế giới

Chia sẻ thông tin tại tọa đàm "Viễn thông - Internet Việt Nam 10 năm triển khai Chỉ thị 58" diễn ra hôm qua, 27/10, ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Quan hệ công chúng thuộc VNPT cho biết, Việt Nam đang nằm trong 10 quốc gia có số lượng thuê bao di động nhiều nhất thế giới. Cụ thể, Việt Nam đang đứng ở thứ 7, trước cả Nhật Bản và Đức.

Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện tổng số thuê bao điện thoại trên toàn mạng Việt Nam là 156,1 triệu, trong đó di động chiếm 90,32%, tương đương với hơn 140 triệu thuê bao; mật độ đạt 180,7 máy/100 dân.

Thế nhưng, một con số khác được công bố lại khiến phải suy ngẫm. Đó là, mặc dù số thuê bao di động lớn song doanh thu trung bình trên thuê bao (APRU) của Việt Nam hiện nay lại quá thấp. Ông Việt tiếp tục đưa ra con số: ARPU trên thế giới hiện nay khoảng 17 USD/ thuê bao, châu Á 10 USD, châu Phi khoảng 9,8 USD. Việt Nam chỉ trên dưới 3 USD/thuê bao.

Những bất ổn từ sự phát triển nóng

Không có bất cứ một bình luận nào về những con số trên, nhưng dường như, chừng ấy những số liệu được ông Việt chia sẻ cũng đã phần nào vẽ lên được bức tranh của thị trường di động Việt Nam hiện nay. Nhiều quan điểm chia sẻ tại toạ đàm cho rằng, những con số mâu thuẫn nêu trên xuất phát từ nguyên nhân thị trường di động nói riêng và viễn thông của Việt Nam nói chung thời gian qua đã có sự phát triển quá nóng.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng cũng cùng quan điểm trên. Theo ông, trong 10 năm qua, ngành viễn thông Việt Nam đã phát triển nhanh và theo chiều rộng và đã bắt đầu xuất hiện một số yếu tố của sự phát triển không bền vững. Điều này thể hiện ở một số lĩnh vực như hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp giảm đi so với trước chẳng hạn như lợi nhuận trên số vốn đầu tư, doanh thu trung bình trên một thuê bao di động giảm…

“Đó chính là thể hiện sự phát triển nóng, chưa bền vững. Thị trường bắt đầu có những biểu hiện chững lại và đi xuống” - Thứ trưởng đánh giá.

Nhưng cũng phải thừa nhận, sau 10 năm trở lại đây, thị trường viễn thông di động Việt đã có những thay đổi đầy ngoạn mục. Ở thời điểm đó điện thoại di động chia 3 vùng cước với mức cước nội vùng là 3.500 đ/phút, liên vùng là 6.000 đ/phút; cách vùng là 8.000đ/phút, hiện giờ, chỉ còn một vùng cước di động trên cả nước với mức trung bình 1.500 đồng/phút.

Đầu năm 2000, tổng số thuê bao điện thoại di động tại Việt Nam mới chỉ ở mức 0,3 triệu. Và toàn quốc chỉ có 3,5 triệu thuê bao điện thoại. Với số lượng thuê bao gấp tới gần 200 lần ở thời điểm này, đó là cả một quá trình nỗ lực thực sự, từ liên tục giảm cước, nâng cao chất lượng, hút người dùng.

Sẽ bước vào cuộc đua mới

Với những sự bất ổn được phân tích nêu trên, nhiều chuyên gia viễn thông nhận định, đã đến lúc, cuộc đua phát triển thuê bao, giành và giữ thị phần di động không còn ở giá cước nữa, mà phải đi vào chiều sâu chất lượng, phát triển dịch vụ gia tăng nội dung phong phú đáp ứng nhu cầu của người dùng.

Vốn là một mạng di động đã từng nhiều lần phải bấm bụng giảm cước để không nằm ngoài cuộc đua, đại diện của mạng di động Vietnamobile, ông Nguyễn Đình Hùng cho biết, do thị phần còn khiêm tốn, chí phí phát triển lớn, Vietnamobile cũng như các mạng di động nhỏ khác phải tốn ít nhất 1 USD để duy trì một thuê bao, mức chi phí cao hơn nhiều so với các mạng lớn.

Thế nhưng, đúng là doanh thu trung bình trên thuê bao (APRU) đạt được lại không cao hề cao, vì phải chia sẻ cho nhiều khách hàng để nhằm mục tiêu có thuê bao. Dường như đã thực sự hụt hơi, nên theo ông Hùng, các nhà mạng nhỏ hiện giờ chỉ có thể tập trung thu hút khách hàng bằng cách cải thiện các dịch vụ gia tăng và nâng cấp chất lượng mạng lưới.

Ngay cả đại diện của mạng di động có thâm niên phát triển lâu nhất trên thị trường là MobiFone cũng đồng quan điểm trên. Theo ông Nguyễn Đình Chiến, Phó giám đốc kinh doanh của MobiFone, giá cước dịch vụ di động hiện đã tiệm cận giá thành, chỉ có giảm nữa nếu doanh nghiệp có khả năng quản trị kinh doanh hiệu quả hơn. Và giờ, việc MobiFone tập trung lớn nhất cũng chính là tăng cường chất lượng và liên tục có những dịch vụ gia tăng mới phục vụ khách hàng.

Theo VnMedia



Bình luận

  • TTCN (0)