Ngày 20/12, đại tá Nguyễn Thanh Hóa, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm công nghệ cao (C50), Bộ Công an cho biết vừa phối hợp với Cảnh sát Vương quốc Anh khám phá vụ hacker Việt Nam đột nhập lấy cắp thông tin của khoảng 100.000 thẻ tín dụng ở Anh.
Trước đó, thông tin từ cơ quan Cảnh sát Vương quốc Anh cho biết, các đối tượng đã xâm nhập vào hệ thống mạng của một công ty tại Anh lấy cắp thông tin của 100.000 thẻ tín dụng trị giá 6 triệu bảng Anh. Dấu vết để lại cho thấy vụ việc có liên quan đến hacker VN. Cơ quan chức năng của Anh đề nghị nhà chức trách VN phối hợp.
4 hacker gây chấn động
Sau khi tiến hành nhiều biện pháp nghiệp vụ, C50 phát hiện một số đối tượng trong nước và nước ngoài có liên quan đến các hành vi nói trên. Trong đó đã làm rõ các đối tượng Lê Đăng Khoa, Nguyễn Ngọc Lâm, Nguyễn Ngọc Thanh và Nguyễn Đình Nghi (sống tại Hà Nội và TP.HCM) là những người cầm đầu các vụ đột nhập. Các đối tượng này đều rất trẻ và giỏi công nghệ thông tin.
Tại cơ quan công an, bước đầu những hacker này khai đã “biến” tài khoản tín dụng của người khác thành của mình và lấy cắp tiền trong tài khoản. Để tránh bị chủ tài khoản phát hiện, họ chuyển tiền thành nhiều lần với giá trị không lớn. Bên cạnh đó để đối phó với cơ quan chức năng trong nước, họ không trực tiếp đứng ra nhận tiền mà thuê người khác dùng CMND của mình để làm thủ tục rút số tiền tại các ngân hàng. Ngoài tiền mặt, họ còn mua sắm nhiều tài sản có giá trị như máy tính xách tay, các loại vật dụng đắt tiền rồi gửi qua đường bưu điện.
Đến nay, cơ quan công an đã làm rõ các hacker nói trên đã sử dụng tiền lấy cắp để mua vàng trị giá trên 4,7 tỉ đồng, đầu tư vào bất động sản với số tiền lên nhiều tỉ đồng. Ngoài ra, do sử dụng không hết nên các hacker còn rao bán thông tin về thẻ tín dụng trên mạng, người nào có nhu cầu sẽ phải trả một khoản tiền theo thỏa thuận, tính theo tỷ lệ trên số tiền trong thẻ tín dụng.
Hàng loạt vụ việc nghiêm trọng
Theo đại tá Nguyễn Thanh Hóa, đây là vụ việc có tính chất đặc biệt nghiêm trọng và cơ quan chức năng đang xem xét khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Tuy nhiên, đại tá Hóa cũng cho rằng, pháp luật hiện hành vẫn còn nhiều bất cập nên việc xử lý các hacker này sẽ gặp không ít khó khăn. “Theo quy định của pháp luật, chúng ta phải làm rõ phía bị hại là ai, mất cắp như thế nào, mất cắp bao nhiêu nhưng trong vụ án này, các bị hại không biết là mình đã mất cắp, hơn nữa xác định ra bị hại cũng không dễ”, đại tá Hóa nói.
Ông cũng cho biết thêm, ở một số nước như Anh, Úc, lực lượng chuyên trách về tội phạm này có 300-400 người, còn ở VN lực lượng chuyên trách rất hạn chế, chỉ có lực lượng của công an, còn Viện kiểm sát và tòa án vẫn chưa có nên rất khó trong việc xử lý. “Ngoài bất cập về hệ thống pháp luật, về lực lượng thì các cơ quan, doanh nghiệp ở những lĩnh vực có nhiều nguy cơ bị tội phạm này tấn công vẫn còn tư tưởng chủ quan, lúc nào xảy ra chuyện rồi mới lo”, ông Hóa chia sẻ.
Đại tá Hóa nhìn nhận, trong thời gian gần đây tội phạm về công nghệ cao, đặc biệt là dạng hacker thâm nhập vào hệ thống để lấy cắp thông tin, tài khoản đang diễn ra cực kỳ nóng bỏng.Ngoài vụ việc xảy ra ở Vương quốc Anh, C50 đang tiến hành điều tra một vụ lấy cắp thông tin của 1.000 tài khoản tín dụng khác xảy ra tại Úc. Một vụ việc khác cũng đang được C50 xác minh là các hacker cấu kết với một số đối tượng nước ngoài sử dụng các tài khoản tín dụng lấy cắp mua vé máy bay qua mạng và bán lại với giá rẻ.
Theo ước tính của C50, thông qua thủ đoạn trên, mỗi năm hacker đã gây thất thoát 5% doanh số bán vé điện tử cho một số hãng hàng không trong nước.
Theo Người lao động
Bình luận