Dù chưa hẳn là tốt nhất, nhưng đây là những máy ảnh đã có những ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất về nhiếp ảnh hiện đại.
Ngoài những dòng máy sản xuất đại trà, các hãng máy ảnh đều cố gắng đưa ra những phiên bản nổi trội để thử nghiệm công nghệ mới nhất của mình. Tạp chí Cnet đã bình chọn 5 máy ảnh với các tiêu chí tập trung vào những công nghệ mới nhất các hãng áp dụng thành công.
Công nghệ lấy nét lai
Thông thường, máy ảnh "ngắm - chụp" sử dụng công nghệ lấy nét dựa trên tương phản (contrast-based autofocus), vốn thường chậm hơn công nghệ lấy nét theo pha (phase-detection AF) nhanh hơn trên DSLR. Tuy nhiên, giờ đây tình thế đã thay đổi với việc Fujifilm ứng dụng cả công nghệ lấy nét tương phản lẫn lấy nét theo pha trên cảm biến mới Super CCD EXR của hãng. Công nghệ mới này cho phép các máy du lịch của hãng mà đại diện là các phiên bản như FinePix F300EXR hay Z800EXR có thể tùy chọn chế độ lấy nét nào là tối ưu tùy thuộc điều kiện ánh sáng đủ hay ánh sáng thiếu, giúp máy hoạt động nhanh và tin cậy hơn.
Công nghệ gương trong
Công nghệ gương trong do Sony phát triển là một thế hệ gương lật mới trên các máy DSLR được chế tạo để cho một phần ánh sáng đi xuyên qua gương vào cảm biến trong khi một phần vẫn phản xạ lên cảm biến nét. Đại diện cho thế hệ DSLR dùng gương trong phải kể đến là các phiên bản Alpha SLT A55 và A33. Công nghệ gương mới cho phép các máy này có tốc độ chụp liên tiếp tới 10 khung hình/giây, đồng thời đảm bảo được độ lấy nét chính xác của DLSR theo thời gian thực ngay cả khi máy ở chế độ LiveView hay chế độ quay video.
Công nghệ màn cảm ứng trên các máy thay ống kính
Màn cảm ứng giờ không còn là địa hạt riêng của máy ảnh du lịch nữa khi Panasonic áp ụng công nghệ này vào các phiên bản Micro Four Third thay ống kính của mình gồm Lumix DMC-G2, GH2 và GF2. Mặc dù còn khá lạ lẫm với những tay máy chuyên nghiệp với thói quen các nút bấm và xoay phức tạp, nhưng kiểu cảm ứng trên các máy cao cấp này cũng được không ít người ưa thích, nhất là những người nâng đời từ máy du lịch cảm ứng bởi họ lại thấy được kiểu điều khiển "vuốt chạm" quen thuộc của mình.
Chụp ảnh 3D với một ống kính
Bản thân các máy chụp ảnh 3 chiều với 2 ống kính đã là một công nghệ đột phá trong làng máy ảnh với các phiên bản như Fujifilm FinePix Real 3D W3 hay các máy Panasonic với ống kính đúp 3D Micro Four Thirds. Tuy nhiên, Sony còn cách tân hơn nữa bằng việc ứng dụng chỉ một ống kính nhưng vẫn có thể chụp được ảnh 3D, mà đại diện là các phiên bản mới nhất dòng du lịch Cyber-shot DSC-T99, TX9 hay dòng không gương lật Alpha NEX-5, NEX-3. Công nghệ này được hãng gọi là chụp ảnh 3 chiều màn rộng (3D Panorama), theo đó thông qua việc người chụp lia máy chụp ảnh toàn cảnh, bộ xử lý sẽ dùng một giải thuật nối các ảnh vào và nội suy các góc nhìn cần thiết, từ đó tạo một ảnh toàn cảnh có độ sâu thực thụ. Độ sâu này có thể hiển thị rõ ràng nhờ các màn hình có hỗ trợ hiển thị hình ảnh 3D.
Quay phim Full HD với máy du lịch
Nhờ có sự phát triển không ngừng các thế hệ cảm biến mới mà giờ đây ngay cả các máy du lịch nhỏ gọn cũng có khả năng quay video độ phân giả Full HD 1.920 x 1.080 pixel chứ không chỉ dừng ở HD ready 720p nữa. Mặc dù chất lượng chưa hẳn đã đạt chuẩn như một máy quay phim thực thụ nhưng tính năng này vẫn tỏ ra rất hữu ích cho người dùng trong việc ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của mình bằng những thước phim phân giải cao để xem trên các màn TV HD thời thượng ngày nay.
Những đại diện cho công nghệ này có thể kể đến là Nikon Coolpix P100, Samsung WB2000,Canon Digital Ixus 1000HS, Panasonic Lumix DMC-FX700 hay Fujifilm FinePix HS10 và chắc chắn sẽ còn nhiều phiên bản nữa.
Theo Số hóa
Bình luận