Dù là Intel trong lĩnh vực chip, Nokia trên thị trường điện thoại hay Yahoo thuộc mảng Internet, các tên tuổi lớn đều có những vấn đề cần khắc phục sau khi không đáp ứng được kì vọng của mọi người trong năm 2010.
Trang Business Insider đưa ra những nhận định về từng hãng trong năm tới.
Twitter đạt mức tăng trưởng đáng ngưỡng mộ về số người dùng và được đánh giá là mở ra trào lưu tiểu blog trên Internet. Nhưng họ không làm ra tiền. Cựu CEO Ev Williams phải nhường bước cho Dick Costolo với tham vọng tìm kiếm doanh thu để xứng đáng với giá trị 3,7 tỉ USD của thương hiệu này.
Yahoo vẫn đang là một tên tuổi lớn. Nhưng có vẻ mỗi kế hoạch mới mà họ công bố đều không chiếm được niềm tin của người sử dụng. Hãng Internet Mĩ trải qua một năm mờ nhạt với một vài dịch vụ phải đóng cửa vì không thu được lợi nhuận. Yahoo được chờ đợi xuất hiện nhiều hơn nữa trên các phương tiện truyền thông với những dự án khiến người ta phải sốt sắng chờ đợi.
Thống kê mới nhất của comScore cho thấy lần đầu tiên, Facebook đã vượt qua Yahoo để trở thành website có lượng truy cập nhiều thứ 3 thế giới, sau tổ hợp site của Google và Microsoft. Trong khi đó, nếu tính riêng ở Mĩ từ tháng 1 đến tháng 11, Facebook thu hút nhiều khách ghé thăm hơn cả trang tìm kiếm của Google. Về mặt doanh thu, Google vẫn rất thành công nhưng họ đang nhận ra ngày càng nhiều người có xu hướng tra cứu nội dung trực tiếp qua các mạng xã hội như Facebook. Google cần chứng tỏ một trong những lĩnh vực mà họ đang khám phá (hệ điều hành, mạng xã hội...) cũng sẽ sớm mang lại lợi nhuận cao như mảng tìm kiếm.
Intel, công ty sản xuất vi xử lí lớn nhất của ngành công nghiệp máy tính suốt 30 năm qua, lại có 12 tháng đáng buồn trong lĩnh vực "hot" nhất 2010: máy tính bảng. Tablet chạy chip Atom được nhắc đến từ khi Apple iPad mới chỉ là tin đồn nhưng bộ vi xử lí được trang bị cho phần lớn sản phẩm này lại thuộc về đối thủ ARM. Tổng giám đốc Paul Otellini thừa nhận trong buổi công bố doanh thu quý vừa qua rằng họ cần tiến sâu hơn nữa vào thị trường này.
Intel không phải hãng duy nhất lỗi hẹn với thị trường máy tính bảng. Hệ điều hành Microsoft Windows được xuất xưởng trung bình trên 400 triệu PC mỗi năm, tuy nhiên iPad đang làm giảm doanh thu của Windows, chưa kể một loạt thiết bị chạy Android sẽ sớm hiện diện trong những tháng tới.
Tablet sử dụng Windows cũng được công bố trước cả iPad nhưng 1 năm đã trôi qua mà HP Slate chưa thể đến tay người dùng. Microsoft đầu tháng này tuyên bố sẽ trình làng một số phiên bản sử dụng hệ điều hành của họ và chip ARM tại CES 2011. Hãng này cũng phải gấp rút xây dựng kho ứng dụng và kêu gọi giới chuyên gia phát triển phần mềm cho tablet của họ để theo kịp guồng quay của thị trường.
Smartphone bùng nổ từ 2009 và sẽ tiếp tục gây ấn tượng trong năm 2011, còn Nokia vẫn "ôm" công nghệ cũ Symbian và một hệ điều hành triển vọng nhưng quá mới mẻ là MeeGo. Thị phần của họ rơi rụng theo từng quý. Họ không còn được người sử dụng đánh giá cao như trước. Một cựu lãnh đạo của Microsoft là Stephen Elop năm nay trở thành CEO của hãng Phần Lan. Nhiều người hi vọng sẽ có sự xe duyên giữa điện thoại Nokia và hệ điều hành Windows Phone. Hoặc Nokia sẽ cần chứng tỏ rằng họ vẫn xứng đáng với danh hiệu hãng điện thoại lớn nhất thế giới.
Trong số 6 hệ điều hành smartphone tiêu biểu, Apple iOS và Google Android là 2 gương mặt được đánh giá cao và có tốc độ "bành trướng" nhanh nhất. Symbian vẫn thống trị về số lượng, Microsoft Windows Phone và Palm WebOS xếp cuối bảng còn RIM BlackBerry - từng là một nền tảng mang tính biểu tượng và "gây nghiện" trong lĩnh vực smartphone - hiện chỉ thuộc loại trung bình. BlackBerry có doanh số khả quan nhưng vắng bóng trong các bảng xếp hạng điện thoại xuất sắc của năm. Thời gian tới, họ phải chứng tỏ vị thế của một "ông lớn" chứ không phải kẻ hụt hơi chạy theo những thay đổi chóng mặt của đối thủ.
Cũng trong lĩnh vực thiết bị di động, tập đoàn công nghệ Mĩ HP sẽ cần thực hiện một số bước đi nhất định để khẳng định việc bỏ tiền tỉ mua lại công ty đang trên bờ vực thẳm Palm không phải là một quyết định lãng phí và sai lầm.
Apple đã có nhiều năm thành công nhưng 2010 được coi là năm rực rỡ nhất mà họ từng trải qua. Cơn sốt iPhone, iPad, MacBook Air đã lấn át mọi khiếm khuyết trong sản phẩm của "Quả táo". Trái với các công ty kể trên, sự thành công này rất khó lặp lại ở bất kì hãng công nghệ nào, kể cả Apple, trong năm 2011, do đó không nên quá kì vọng ở công ty của Steve Jobs.
Theo VnExpress
Bình luận