Tại Triển lãm Viễn thông quốc tế Vietnam Telecomp/Electronics - Internet & IT 2010 (17 – 20/11/2010, tại TP. HCM), các doanh nghiệp (DN) vẫn ưu tiên giới thiệu các sản phẩm - dịch vụ chạy trên nền tảng di động 3G.

Thiếu những nhà viễn thông tên tuổi

Xu hướng hội tụ điện tử, viễn thông, Internet được xem là điểm nhấn của triển lãm lần này. Đây cũng là dịp để các hãng viễn thông, nhà sản xuất thiết bị đầu cuối, thiết bị mạng… giới thiệu các sản phẩm mới, công nghệ mới như: Điện thoại di động 4G/LTE; Dịch vụ gia tăng trên nền 3G…

Tuy nhiên, các nhà mạng chiếm thị phần khống chế trong nước vắng bóng “ngôi sao” Viettel. Tại triển lãm chỉ có sự xuất hiện của 2 đơn vị thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT là VinaPhone và MobiFone. Về nhà sản xuất thiết bị đầu cuối và các hãng viễn thông cũng vắng nhiều tên tuổi lớn như Nokia, Sony Ericsson, Motorola, France Telecom…

Một số các hãng viễn thông nước ngoài nổi tiếng như Nokia Siements Network, Ericsson… chỉ tham gia phần hội thảo, không có gian hàng trưng bày giải pháp, sản phẩm. Hai DN lớn của Trung Quốc về thiết bị đầu cuối vẫn có mặt tại triển lãm năm nay là Huawei và ZTE. Đây cũng là 2 tập đoàn viễn thông đang thâm nhập sâu vào thị trường Việt Nam.

Về thiết kế gian hàng và nội dung trưng bày, gương mặt sáng giá nhất trong triển lãm thuộc về NTT DoCoMo (Nhật). Họ mang đến triển lãm dịch vụ 3G mới nhất ở Nhật là i–concier. Ứng dụng này giúp cho các thuê bao di động phát hiện nhanh các địa điểm, thông tin… theo thói quen/sở thích.

NTT DoCoMo trình làng một loạt điện thoại 3G đời mới hiện vẫn chưa có mặt tại thị trường Nhật. Hãng này cũng giới thiệu những chiếc điện thoại di động có độ phân giải vượt quá 12 Megapixel, điện thoại không ngấm nước, điện thoại dành cho người già/trẻ em…

Trình diễn dịch vụ 3G

Nội dung hội thảo có một số điểm mới được đề cập như: Chiến lược phát triển CNTT (đề án Tăng tốc); Ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước (hành chính công); Ứng dụng CNTT cho ngành y tế… Bên cạnh đó là các bài tham luận trình bày về các giải pháp băng rộng, hội tụ cho CNTT và truyền thông… Các giải pháp này chủ yếu do các hãng nước ngoài cung cấp, các DN trong nước chỉ có một số giải pháp viễn thông của VNPT hoặc dịch vụ gia tăng như MyTV.

Tham gia triển lãm, hãng Ericsson cũng đã chia sẻ tầm nhìn về thế giới trong năm 2020 với 50 tỉ kết nối. Ericsson đã giới thiệu các chương trình đã thực hiện ở một số nước khác như “CNTT– TT và Y tế” với: Dịch vụ điều trị bệnh từ xa; Khám bệnh trực tuyến; “CNTT - TT và Giao thông” với mạng băng rộng; Điều phối hệ thống vận chuyển hàng hóa cho các doanh nghiệp (DN) vận tải…

Về hoạt động triển lãm, cả 3 mạng di động VinaPhone, MobiFone và S-Fone ra sức thu hút khách hàng với các dịch vụ 3G. Khách tham quan triển lãm được tận mắt thấy các dịch vụ 3G hấp dẫn như MobileTV, Mobile Camera, Video Call… Mạng di động S-Fone cũng giới thiệu dịch vụ xem phim qua mạng di động 3G, hát karaoke bằng điện thoại di động…

Một số các nhà sản xuất thiết bị đầu cuối như HTC, ABTel, Huawei… đã giới thiệu những chiếc điện thoại thông minh đời mới dành cho mạng di động 3G, các mẫu điện thoại độc đáo (Q-Mobile)… EVN Telecom cũng ra mắt dịch vụ xem phim/ca nhạc video theo yêu cầu (VOD – Video On Demand) trên hệ thống mạng di động 3G.

Công nghệ viễn thông đúng hướng

Lợi nhuận ngành viễn thông Việt Nam đang giảm “Lợi nhuận của các DN trong ngành viễn thông Việt Nam đang giảm sút trong mấy năm gần đây. Tại Việt Nam, chỉ số ARPU (Average revenue per user) tức doanh thu bình quân tính trên một thuê bao di động hiện chỉ vào khoảng 3-4 USD. Trong khi đó, chỉ số ARPU tại Nhật lên đến 60 USD; các nước có nền kinh tế phát triển có chỉ số ARPU khoảng 50-60 USD; các nước đang phát triển là 15-20 USD…”, ông Bùi Quốc Việt.

Nhận xét về thị trường viễn thông Việt Nam, Ông Denis Brunetti, Phó Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam nói: “Đối với dịch vụ di động 3G, tiến trình công nghệ ngành viễn thông Việt Nam đang đi là đúng hướng. Tuy nhiên, dịch vụ 3G vẫn mang tính chủ đạo trong vòng 2-3 năm tới. Nếu hệ thống mạng di động 3G có độ phủ tốt sẽ cung cấp cho nhiều thuê bao di động, đáp ứng được tốc độ và cung cấp nhiều dịch vụ gia tăng. Tại Việt Nam, một số công ty đã được cấp phép thử nghiệm công nghệ 4G để có cơ hội tiếp cận công nghệ mới. Nhưng về lợi nhuận, cung cấp dịch vụ 3G vẫn hợp lí hơn”.

Ông Bùi Quốc Việt, Phó Trưởng ban tổ chức Vietnam Telecom 2010, nói: “Việt Nam phát triển 3G tương đối nhanh, ước tính khoảng 6 triệu thuê bao, nhưng ứng dụng vẫn chưa nhiều nên số lượng người dùng chưa cao. Phần nội dung trên mạng 3G hiện chỉ có dịch vụ truy cập Internet di động, giải trí như chat qua mạng, chơi game…”.

Cũng theo ông Việt, lợi nhuận của tập đoàn VNPT năm nay giảm đi nhiều so với những năm trước. Lợi nhuận ở Việt Nam và một số nước là 15% vào các năm trước, nhưng năm nay Việt Nam chỉ còn trên dưới 10%. Lí do là ngành viễn thông nước ta phát triển nhanh, các DN khuyến mãi nhiều nên giá cước viễn thông giảm… Các DN viễn thông cũng phải đầu tư nhiều hơn để nâng chất lượng và phát triển dịch vụ mới.

Theo PCWorld VN




Bình luận

  • TTCN (0)